(QNO) - Giải thưởng môi trường lớn nhất thế giới Goldman Environmental Prize năm nay vừa xướng danh 6 nhà hoạt động môi trường. Việt Nam có một cá nhân trong danh sách giải thưởng được ví như “Nobel xanh” này.
1. Nguyễn Văn Thái, Việt Nam
Tê tê bị săn trộm và buôn bán nhiều hơn bất kỳ loài động vật có vú nào trên thế giới, mặc dù thực tế 3 trong số 4 loài tê tê châu Á đang ở mức cực kỳ nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng.
Đó là một phần lý do khiến anh Nguyễn Văn Thái (39 tuổi) sáng lập Tổ chức Cứu trợ động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) vào năm 2014 và là Giám đốc điều hành tổ chức này, nhằm ngăn chặn săn bắt trái phép và phục hồi các loài bị đe dọa ở Việt Nam. Nguyễn Văn Thái cũng là Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia bảo tồn tê tê thế giới (IUCN).
Kể từ khi Save Vietnam’s Wildlife đi vào hoạt động, hơn 1.500 con tê tê được giải cứu khỏi nạn buôn bán trái phép, các hoạt động săn trộm bất hợp pháp cũng giảm 80%.
2. Sharon Lavigne, Mỹ
Sharon Lavigne vận động thành công trong việc chấm dứt hoạt động xây dựng của một nhà máy sản xuất nhựa từ Trung Quốc trị giá hàng tỷ USD dọc theo sông Mississippi tại bang Lousiana, Mỹ. Bởi nhà máy này đi vào hoạt động có thể thải ra hàng trăm tấn chất thải độc hại cho môi trường như formaldehyde và benzen...
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), một con đường dài 130km dọc theo sông Mississippi nơi có 200 nhà máy hóa dầu hoạt động, tỷ lệ ung thư của người dân khu vực này cao gấp 50 lần so với tỷ lệ trung bình của toàn nước Mỹ.
3. Gloria Majiga-Kamoto, Malawi
Lo ngại về tác hại môi trường do ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng ở Malawi, các hoạt động tích cực không ngừng nghỉ của Gloria Majiga-Kamoto dẫn đến lệnh cấm sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng nhựa mỏng - loại nhựa sử dụng một lần ở Malawi vào năm 2019.
Trên toàn cầu, ô nhiễm nhựa đã trở thành một vấn đề lớn. Ở Malawi, 75.000 tấn rác nhựa được sản xuất mỗi năm. Vào năm 2017, Majiga-Kamoto thành lập trung tâm tuyên truyền về tác hại của rác nhựa đến với người dân Malawi.
4. Liz Chicaje Churay, Peru
Năm 2018, sau những nỗ lực tích cực của Liz Chicaje Churay, Chính phủ Peru quyết định thành lập Vườn quốc gia Yaguas.
Yaguas không chỉ để bảo vệ hơn 2 triệu mẫu rừng nhiệt đới Amazon ở khu vực này mà còn bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất bùn giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước cùng hàng nghìn loài động vật hoang dã quý hiếm và cuộc sống của khoảng 29 cộng đồng bản địa sống ngay bên ngoài Yaguas.
Năm 2017, cô tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc tại Đức với tư cách một thành viên phái đoàn chính thức của Peru.
5. Maida Bilal, Bosnia and Herzegovina
Nhà hoạt động Maida Bilal tham gia chiến dịch hơn 500 ngày nhằm ngăn chặn thành công việc xây dựng 2 con đập được đề xuất trên sông Kruščica. Điểm nóng đa dạng sinh học này cũng có gần 70 loài cá đặc hữu và 40% các loài nhuyễn thể sống nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng. Sông Kruščica cũng là nguồn nước chính cho gần 150.000 người dân.
Nhà hoạt động môi trường 39 tuổi này là đồng sáng lập và Chủ tịch của Hiệp hội Công dân Eko Bistro, được thành lập vào cuối năm 2017 để bảo vệ sông Kruščica.
6. Kimiko Hirata, Nhật Bản
Trong những năm qua, chiến dịch cấp cơ sở của Kimiko Hirata dẫn đến việc hủy bỏ 13 nhà máy điện than hoặc gần 40% các dự án than đã được lên kế hoạch phải hủy bỏ, ngăn chặn khoảng 1,6 tỷ tấn CO2 phát thải vào khí quyển.
Kimiko Hirata (50 tuổi) hiện là Giám đốc và thành viên sáng lập của Mạng lưới Kiko - một tổ chức phi chính phủ chuyên ngăn chặn biến đổi khí hậu. Hirata từng tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Kyoto, Nhật Bản.