Một cách nhìn khác về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

ĐỖ HUẤN 21/01/2015 09:34

Nỗ lực phục dựng các yếu tố truyền thống của làng nghề dệt lụa tơ tằm Quảng Nam gắn với phát triển du lịch là hướng đi đúng của Làng lụa Hội An. Nơi đây đang hấp dẫn du khách và trở thành “bảo tàng sống” đầu tiên về nghề này ở Việt Nam.

Giới thiệu nghề và sản phẩm dệt vải Chăm (Ninh Thuận) tại Làng lụa Hội An.
Giới thiệu nghề và sản phẩm dệt vải Chăm (Ninh Thuận) tại Làng lụa Hội An.

Qua 3 năm vừa xây dựng vừa hoàn thiện, Làng lụa Hội An (thuộc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam) đã trở thành điểm đến hấp dẫn thứ 3 tại Hội An (sau Chùa Cầu và phố cổ) do khách du lịch bình chọn trên trang mạng du lịch Trip Advisor của Mỹ tổ chức cuối năm vừa qua. Ông Lê Thái Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam vui mừng khi nhận được thông tin này bởi theo ông đây là phần thưởng rất bất ngờ, ghi dấu những nỗ lực kiên trì và sự đầu tư đúng hướng của đơn vị. Ông Vũ còn cho biết, trong những năm qua các chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội Nghề tơ lụa Nhật Bản và Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa đã có các cuộc khảo sát, làm việc với công ty và đánh giá cao quy trình khoa học của việc phục dựng các yếu tố tạo thành làng dệt cổ truyền, từ kiến trúc làng Việt đến sưu tầm, lưu giữ hàng trăm hiện vật của nghề dệt tơ lụa, tìm kiếm các giống dâu cổ của người Chăm và đang dần hoàn thiện, bổ sung nhiều hiện vật quý của nghề ươm tơ dệt lụa cổ truyền tại Làng lụa Hội An. Nơi đây phản ánh khá sinh động lịch sử phát triển và giao thoa hơn 300 năm giữa hai nền sản xuất Việt và Chămpa, lịch sử “con đường tơ lụa trên biển” khởi nguồn từ những vùng ươm tơ dệt lụa Quảng Nam, lấy thương cảng cổ Hội An làm điểm xuất phát ra thế giới.

Với hướng đi như vậy, Làng lụa Hội An đã và đang là điểm đến của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, nhà thiết kế cũng như hàng chục ngàn khách du lịch trong nước và quốc tế. Gần đây, lần đầu tiên “Ngày hội văn hóa tơ lụa Việt Nam - ASEAN” do Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội Nghề tơ lụa Nhật Bản tổ chức đã diễn ra tại nơi này. Đây là cuộc hội ngộ, giới thiệu các sản phẩm tơ lụa của 20 làng nghề tiêu biểu ở Việt Nam như Vạn Phúc - Hà Đông, Phùng Xá - Mỹ Đức (Hà Nội), Nha Xá - Duy Tiên (Hà Nam), Tân Châu - Châu Đốc (An Giang), Mã Châu - Duy Xuyên (Quảng Nam), làng Chăm Mỹ Nghiệp - Ninh Phước (Ninh Thuận), các cơ sở dệt lụa ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) và một số làng nghề nổi tiếng của Thái Lan, Malaysia. Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines... Ông Watanabe Takao - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp dệt may Kyoto kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nghề tơ lụa Nhật Bản cùng một số khách mời của các tổ chức quốc tế về phát triển văn hóa đã đến dự và chia sẻ kinh nghiệm với đại biểu lãnh đạo các cấp, nghệ nhân các làng nghề, các cơ sở dệt lụa của Việt Nam và Nhật Bản về quá trình hình thành, bảo tồn cũng như hướng phát triển nghề tơ lụa, làm phong phú văn hóa mặc trong tương lai.

Thiết lập và phát huy thương hiệu

Tại “Ngày hội văn hóa tơ lụa Việt Nam - ASEAN” tổ chức vừa qua, ông Watanabe Takao - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp dệt may Kyoto kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nghề tơ lụa Nhật Bản nói: “Tôi muốn chia sẻ với quý vị và các bạn là khi muốn phát triển nghề truyền thống thì chúng ta phải có nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là người làm nghề đó phải sống được bằng nghề. Nguyên tắc thứ hai là phải thiết lập được thương hiệu của mình và phát huy thương hiệu đó ra thế giới. Tôi nghĩ bản thân lụa Hội An, lụa Quảng Nam đã có thương hiệu nhất định. Làm sao phát huy được, giới thiệu được thương hiệu này ra thế giới và đảm bảo thương hiệu đó thì cả thế giới sẽ biết đến lụa Hội An, lụa Quảng Nam. Bí quyết là biết kết hợp giữa truyền thống với hiện đại và không ngừng sáng tạo để xây dựng thương hiệu mình là số một”.

Việc các chuyên gia văn hóa Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển chiều sâu các giá trị văn hóa tại Làng lụa Hội An cho thấy một cách nhìn khác về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng đã đến khảo sát để đầu tư nhằm giúp dự án Làng lụa Hội An trở thành “bảo tàng sống” về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ giao thương Nhật - Việt về nghề tơ lụa trên nền lịch sử quan hệ thương mại giữa Hội An - Nhật Bản có từ lâu đời. “Dệt tơ tằm là nghề truyền thống mà tôi nghĩ rằng bất cứ một người nào trên thế giới này đều liên quan đến. Đó là cái nghề không chỉ làm để cung cấp cho riêng mình mà còn vì mọi người, cung cấp sản phẩm cho mọi người, giúp cho con người văn minh hơn, hiện đại hơn nhưng cũng rất truyền thống” - ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An nói.

Gắn việc xây dựng điểm tham quan du lịch Làng lụa Hội An với những nỗ lực bảo tồn, phục hồi nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống của quê hương thời gian qua rất đáng ghi nhận, song đó cũng chỉ là bước khởi đầu. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng, để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống dệt lụa tơ tằm, ngành tơ tằm của Quảng Nam còn nhiều thách thức, còn rất nhiều khó khăn, nhiều trăn trở để làm sao không chỉ là cái đẹp trong nghề truyền thống, cái đẹp trong lao động của cha ông mà nó phải gắn với thị trường, gắn với giới thiệu sản phẩm đến với khách du lịch và giới thiệu nét văn hóa thể hiện trong sản phẩm du lịch, phục vụ du lịch. Đó là một thách thức nhưng đồng thời cũng là một niềm vui khám phá. “Chúng ta đã bước đầu thể hiện, làm được một việc để có thể nói với các thế hệ đi trước: Quảng Nam tiếp tục quan tâm, phát triển ngành nghề này trong điều kiện phát triển du lịch bền vững cho tương lai” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải nói.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một cách nhìn khác về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO