Một chiếc áo sống lâu hơn một cuộc đời

NGUYỄN ĐIỆN NAM 26/03/2023 06:36

Mỗi bận trên quê hương gợi nhắc ký ức ngày giải phóng, tôi thường chạy về thăm mẹ. Tuổi đã 93, mẹ tôi cũng như nhiều bà mẹ xứ Quảng sống qua ba cuộc chiến, hết lo cho chồng hoạt động cách mạng lại ngóng đứa con đi chiến tranh biên giới, phập phồng bao đêm. “Chiếc áo ký ức”, có lẽ mẹ không bao giờ quên được bởi đã thấm bao nỗi nhân tình đời người.

Mẹ vẫn nhớ vừa sau ngày giải phóng Đà Nẵng 29/3/1975, cả gia đình dắt díu từ nơi tản cư ngoại ô thành phố về quê Điện Bàn. Về vườn xưa tan hoang, trước sau nhà còn ba bốn hố bom sâu hoắm, cỏ lùng cỏ lác lút đầu.

Nhưng đã hết tiếng đì đùng của pháo kích, tiếng rít xé trời của máy bay, nên lòng mẹ như cởi bớt được chút lo âu, dù rằng không lâu sau đó bom bi vẫn nổ chết người trong chiến dịch cải tạo đồng ruộng.

Rồi chỉ vài năm, “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, con trai của mẹ lại lên đường, vào chiến trường K. Mẹ lại thất thần khi bặt tin con mà nghe đồn ác rằng con mẹ hy sinh. Cho đến khi anh con trai trở về, tóc mẹ bạc như mây trắng!

Đôi dòng viết ngắn vậy không thể nào đủ lược sử cuộc đời của mẹ. Chỉ biết rằng cũng như bao người mẹ trải cuộc đời gần thế kỷ với đất nước quê hương, thấm thía nỗi đau vô cùng vì chiến tranh nên càng quý hơn những ngày hòa bình.

Giấc mơ đời mẹ có lẽ như biền sông, rẻo làng, thửa ruộng đẫm đầy bùn đất nục lầm, để đôi khi con về gục vào lưng áo mẹ nghe nồng hương trầu cau, thấm thía mồ hôi, nỗi đau và sự dâng hiến, hy sinh cho những mùa cây trái.    

Ai đó, từ mẹ mình nghĩ tới mẹ quê hương, sẽ thấm hiểu thế nào về người mẹ xứ Quảng, người mẹ Việt Nam? Thì rủ rỉ đọc một đoạn trường ca “Chiếc áo ngắn” của nhà thơ Thanh Thảo, tạc dấu ký ức khôn nguôi về một thời lịch sử gắn chặt đời người gian lao:

Cho con xin bắt đầu từ mẹ
Để nói về chúng con
Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính
Xanh màu áo lính
Đã từng sung sướng đã từng nghẹn ngào
Được làm con mẹ
Được ra trận những năm đất nước mình khốc liệt
Những năm
Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách
Những năm
Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời

Lớp người đã gần trăm năm như mẹ tôi, khi tuổi vừa tròn trăng đón Cách mạng tháng Tám thành công, hay muộn hơn như lớp đi ra từ kháng chiến đến ngày thống nhất đất nước như nhà thơ Thanh Thảo nay cũng đà tám mươi. Những lớp người ấy mang “chiếc áo ký ức”  từng khoác lên một quãng đời gió sương cùng lịch sử quê hương khó thể nào quên.

Rồi lớp trẻ sẽ đến lúc cần tìm lại bài thơ, trang báo trang văn một thời để thấy lăng kính của những tri thức, ký ức, hoài niệm phản chiếu, ảnh chiếu thân phận đời người. Là anh hùng, hay thường dân, bao người mẹ và những đứa con đã dành một phần đời đẹp nhất cho gia đình và Tổ quốc, làm sao có thể bỏ quên “chiếc áo lịch sử” quê hương đã từng đẫm máu xương chinh chiến.

Biết vậy, nhưng lịch sử cuộn chảy như dòng sông, có lắng lại phù sa mà rồi hết lớp này tới lớp khác trôi theo dòng thời gian, qua mỗi mùa lá vàng rụng lại ươm chồi non mới.

Người sinh ra từ mùa xuân giải phóng 1975, nay cũng sắp bước vào tuổi tri thiên mệnh, đã và đang được chọn chiếc áo hòa bình, đôi khi cần dặn lòng mình tìm đọc lại những trang sử - chiếc áo sống lâu hơn một cuộc đời, để thấm nghiệm về đời mẹ, về lớp cha anh.

Nếu đâu đó cũng có người phải hoặc muốn thay chiếc áo khác thì lại thảng thốt nỗi niềm:

Rồi tới lúc chúng con thay áo khác
Nhưng khi cởi áo ra
Con không còn gì thay được!
(Chiếc áo ngắn - Thanh Thảo)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một chiếc áo sống lâu hơn một cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO