Cùng với đại diện lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc, các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh chiến trường Thượng Đức, tại Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Thượng Đức - Ý nghĩa và bài học lịch sử” được tổ chức vừa qua còn có 27 thầy cô giáo giảng dạy môn lịch sử của 27 trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Đại Lộc.
Các vị đại biểu đặc biệt này xuất hiện khá lặng lẽ và trật tự. Trong suốt thời gian diễn ra hội thảo, họ ngồi nghe chăm chú, sổ tay luôn mở sẵn trước mặt để ghi chép các câu chuyện lịch sử. Đây là một hình ảnh đẹp, thể hiện “tinh thần khoa học” nghiêm túc, rất đáng trân trọng. Bởi lẽ hiện nay, hầu hết hội thảo - kể cả ở hội thảo này, những người đến dự đều được phát đủ các loại tài liệu in sẵn nên ít người để tâm đến việc đọc - nghe - ghi... Khi được hỏi về điều này, một cô giáo đến từ Đại Lãnh cho biết, sở dĩ chị và các đồng nghiệp ghi chép cẩn thận là vì đó hầu hết là những thông tin mới, lần đầu được nghe từ chính các nhà nghiên cứu lịch sử và những người trong cuộc; còn tài liệu nhận được là “phần cứng”, để dành đọc và nghiên cứu sau. Cô giáo Đỗ Thị Hoa (Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển) nói thêm: “Những câu chuyện và cứ liệu lịch sử sống động như thế này rất bổ ích đối với những người dạy sử như chúng tôi, đặc biệt là trong việc giảng dạy lịch sử địa phương. Khi được mời dự hội thảo như thế này, chúng tôi cảm thấy mình và công việc mình đang làm được mọi người tôn trọng và vì thế, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và tình yêu trong công việc...”. Riêng thầy giáo Nguyễn Quận (Trường THPT Chu Văn An, Đại Lộc) thì bày tỏ ý kiến một cách mạch lạc, sâu sắc, đầy tự hào, giàu tinh thần trách nhiệm và tình yêu môn lịch sử bằng một tham luận: “Cần đặt đúng vị trí chiến thắng Thượng Đức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12”.
Bằng sự mô phạm và chân thành, 27 thầy cô giáo dạy sử của huyện Đại Lộc đã gây ấn tượng rất tốt cho các đại biểu dự Hội thảo “Chiến thắng Thượng Đức - Ý nghĩa và bài học lịch sử”. Và ngay tại hội thảo này, nhiều nhà nghiên cứu và các vị tướng lĩnh cũng đã lên tiếng ngợi khen, bày tỏ sự vui mừng, lòng biết ơn đối với họ. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (đơn vị tham gia chiến dịch Thượng Đức) cho rằng với việc mời giáo viên dạy sử địa phương tham dự hội thảo, những câu chuyện lịch sử sẽ có cơ hội được lan truyền sâu rộng. “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cám ơn sự có mặt của các thầy cô dạy sử...” - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói.
Với việc chuẩn bị chu đáo, khoa học, Hội thảo “Chiến thắng Thượng Đức - Ý nghĩa và bài học lịch sử” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Đại Lộc và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp tổ chức đã cung cấp thêm nhiều cứ liệu khoa học quan trọng để bổ sung vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và lịch sử Đảng bộ, Lực lượng vũ trang Quảng Nam nói riêng. Đồng thời góp một nguồn tư liệu quý phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cái đích ấy hẳn sẽ trở nên “gần” khi có các giáo viên dạy sử dự phần, khi những người dạy sử được dành cho một “vị trí” xứng đáng như tại hội thảo này...
BẢO ANH