Một chút giao thừa

PHẠM HOÀNG 07/02/2016 12:27

Hồi ba tôi còn sống, mâm cúng giao thừa đương nhiên được ba soạn cúng. Thể nào khi thắp hương và khấn xong, cũng là châm lửa cho dây pháo đã treo sẵn ngoài hiên nhà. Bốn chị em tôi thập thò ở cửa, vừa bịt tai vừa dáo dác tìm mấy quả pháo xì. Mẹ ngồi canh nồi bánh tét. Tiếng đoành đùng của quả pháo cuối cùng trên dây vừa tắt, chúng tôi ùa ra sân, vung tung tóe xác pháo. Sân nhà như bức tranh của một họa sĩ cẩu thả, trong lúc say đã hứng chí hắt màu lên toan. Ba dắt chiếc honda 67 ra đường xuất hành đầu năm theo hướng đã hỏi ông ngoại trước hôm ba mươi.

Năm 1995, ba tôi về với ông bà. Đó cũng là năm Việt Nam thực hiện lệnh cấm đốt pháo. Từng cảnh trong thước phim quay chậm thường hằng ký ức chúng tôi không còn quen thuộc như trước nữa. Ba không còn. Pháo cũng hết. Soạn mâm cúng và khấn vái trước sân giờ là mẹ tôi. Vài năm sau, đêm ba mươi trở nên quá bận rộn và cực nhọc với nghề buôn bán của mẹ, tôi thành người soạn mâm cúng giao thừa. Bài cúng học được từ ông ngoại. Ai bảo đàn bà không cúng được! Tôi xuất hành đầu năm theo hướng mình thích. Cầu bình an cho mẹ và các em.

Thị trấn đêm ba mươi luôn nhộn nhịp. Người khó tranh thủ lúc này tìm cho mình chậu cúc muộn rẻ được vài đồng, kẻ líu quíu về kịp giờ cúng gia tiên, người đi làm ăn ở Sài Gòn đón chuyến xe trễ về đến ngã tư loay hoay tìm xe ôm, dăm ba thanh niên sì sụp túm tụm nhau ở góc đèn đường chuẩn bị cho màn đánh trống mừng giao thừa…

Chục năm sau. Thằng Tư mưu sinh xứ người, vài ba năm mới về Việt Nam chộn rộn đầm ấm giao thừa cùng gia đình. Nên hễ thoáng mùi nhang mùi trầm là nhớ nhà nhớ quê bầm ruột. Giao thừa, tôi ngồi nhớ em. Tôi hình dung cái bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên (rễ gió) của cây mắm trong truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc. Từng chùm rễ mắm đan chặt nhau như tơ nhện. Cây mắm thiệt lạ, không dùng để làm gì, đến làm củi chụm cũng không được. Nhưng mắm cứ vươn mình ra ngoài cửa biển, rồi ngã rạp xuống. Tụ lại. Trăm nghìn lớp mắm ngã xuống, thành bùn cho cây tràm có chỗ bấu víu vươn lên. Tràm thành rừng, thành đất, thành bờ cõi. Rồi nhớ lời em trai tôi “ờ thôi em làm thân cây mắm - vậy cũng được. Nhiều khi nhớ cái mả ông già trông ra cái hồ sen thơm lựng đến đau lòng... Mà thôi, vì tràm vậy”. Người Việt mấy trăm năm trước làm lưu dân, mở cõi về phương Nam, dấu tích còn nhưng mấy ai nhớ? Em tôi làm lưu dân, tìm kiếm tương lai tốt hơn cho con cái nó, chỉ cần nó nhớ là đủ, trăm năm sau sự nhớ quên đâu còn quan trọng gì. Mà chưng trong mỗi chúng ta, ai không có mầm mống của ngụ cư, của lưu dân. Rời khỏi bào thai mẹ, đã làm cuộc lưu lạc loanh quanh trong đời sống mãi cho đến khi về với đất!

Chục năm sau nữa. Ngồi nhìn mâm cúng giao thừa chỉ có mẹ và thằng Ba. Mẹ nhìn nụ cười của chồng và thằng Hai lồng trong khung kính, chép miệng, đẻ cho nhiều mà tết cũng vắng hiu. Ba mi ở dưới với thằng Hai, tau ở trên ni với thằng Ba, huề hỉ. Con Cả, thằng Tư, thằng Năm mỗi đứa một phương. Có mấy đòn bánh tét mà chắc cũng dư rồi.

Lại trông, giao thừa năm sau sẽ ấm!

PHẠM HOÀNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một chút giao thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO