Dường như ai cũng biết vùng đất phát tích của cải lương là Nam bộ. Lần tìm về nguồn gốc của một bộ môn nghệ thuật ưa thích của hàng triệu người, chúng ta sẽ bắt gặp, sẽ tìm thấy những bài hát thịnh hành vào đầu thế kỷ này ở Lục tỉnh như Tài sắc tương tư, Kim Vân Kiều luận, Minh Lương hội ngộ và các bản đờn như Lưu thủy trường, Bình bán chấn, Phú lục... Đây là thời kỳ thai nghén của cải lương vì những tên gọi trên mới chỉ là những bài hát chứ chưa có vũ đạo đi kèm.
Đến năm 1916, các bài ca có điệu bộ đi kèm ra đời như Tứ đại oán, Bùi Kiệm thi rớt. . . và người có công lao lớn trong việc đưa cải lương ra đời là Thầy Phó Mười Hai ở Vĩnh Long. Cải lương chính thức lên sân khấu vào ngày 16.11.1918 tại Nhà hát Tây Sài Gòn với tuồng Gia Long tẩu quốc theo hình thức nửa kịch, nửa hát bội mà lời hát đã bớt đi phần nào lối hát Nam, hát Khách.
Cải lương phát triển mạnh vào những năm 1921 - 1922 nhờ các gánh hát đi lưu diễn ở nhiều tỉnh, ra tận Bắc kỳ. Người ta còn nhớ những bài ca được ưa chuộng thời ấy như Một bóng đèn khuya, Hẹn gió thề trăng... Còn ở Sài Gòn, các rạp chuyên hát cải lương là rạp Chợ Lớn, rạp Modern Sài Gòn. Thời kỳ những năm 1938 -1945, cải lương càng phổ cập với các giọng ca Ba Vân, Năm Châu, cô Năm Phỉ, kép Tư Thạch, Bảy Nhiêu, Phùng Há..., được hãng đĩa hát BEKA thu âm. Gánh hát Kim Chung cũng bắt đầu làm một cuộc cách tân với việc đưa nhạc Tây vào các bài hát Việt cũ. Giới nghệ sĩ đông dần lên, mới đặt ra các tổ chức như Hội khuyến lệ Cổ ca, Hội Nghệ sĩ Ái hữu tương tế nhằm phát triển nghề nghiệp và bảo bọc nhau những khi gặp cảnh “trái ngang” trong đời thường, khi tấm màn nhung khép lại, các nghệ sĩ lại phải đối diện với những đắng cay của “kiếp cầm ca”.
Năm 1950 đánh dấu một bước chuyển rực rỡ của cải lương với sự ra đời của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Ngày nay, công chúng vẫn còn nhắc các nghệ sĩ nổi tiếng trong thời kỳ này như Sáu Đước, Ba Vân, Tư Rọm trong các vai hề, các đào kép đẹp hát hay như Thành Được, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Út Bạch Lan... Mười năm sau đó, các pha đánh võ Tây, đánh kiếm đã “pha” vào diễn xuất và ngôn ngữ các bài ca cũng dần dần nhại theo ca Tàu, ca tân nhạc Âu Mỹ.
Cải lương tiếp cận dần với ngôn ngữ nói hàng ngày, các tích tuồng cũ dần vắng đi, thay bằng các vở hát mới có nội dung gần với cuộc sống hiện đại hơn. Nhưng cho tới nay, dù đứng trước sự tràn lấn của các thứ nghệ thuật biểu diễn ngoại nhập, cải lương vẫn thu hút đông đảo người xem với tư cách là một bộ môn nghệ thuật phổ cập, mang màu sắc đặc thù của một vùng đất.
NGUYỄN THIÊN TRUNG