"Một chuyến đi"

TRẦN TRUNG SÁNG 01/08/2015 10:20

Tại triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tạo hình - hội họa và điêu khắc Việt Nam diễn ra tại Đức với tên gọi “Một chuyến đi”, các nghệ sĩ tạo hình đã mang đến cái nhìn cụ thể hơn về mỹ thuật đương đại của Việt Nam.

Góp mặt tại triển lãm Một chuyến đi là các tác phẩm của 8 nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, từ 3 thế hệ: nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (1942), họa sĩ Thành Chương (1949), nhà điêu khắc Đào Châu Hải (1955), họa sĩ Bùi Phan Trung Dũng (1956), họa sĩ Phan An Hải (1967), họa sĩ Đỗ Lê Hoàng (1977), họa sĩ Lê Anh Quân (1977) và nhà điêu khắc Vương Văn Thạo (1969). Tuy nhiên, tham dự lễ khai mạc hai nghệ sĩ Phạm Văn Hạng và Đào Châu Hải vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Theo KTS. Phạm Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức: “Có thể các nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày tại cuộc triển lãm này chưa phải là những nghệ sĩ tiêu biểu nhất của mỹ thuật Việt Nam, nhưng chúng tôi hy vọng qua triển lãm này, người xem sẽ hình dung được phần nào toàn cảnh, cũng như sự diễn biến tinh thần trong dòng chảy văn hóa của mỹ thuật Việt Nam đương đại”.

8 nghệ sĩ có tác phẩm tham gia tại triển lãm.
8 nghệ sĩ có tác phẩm tham gia tại triển lãm.

Trong số tác giả có tác phẩm tại triển lãm, nghệ sĩ lớn tuổi nhất là Phạm Văn Hạng, ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông là người nổi tiếng với các tượng đài, chân dung điêu khắc về các nhân vật. Tuy nhiên, ở triển lãm lần này, ngoài các tượng chân dung ông còn tham gia các tác phẩm mỹ thuật theo phong cách hiện đại. Hai nghệ sĩ trẻ tuổi nhất là Đỗ Lê Hoàng và Lê Anh Quân có một sự đồng cảm nhất định, như cách bộc bạch của Đỗ Lê Hoàng: “Trước tấm toan, tôi tìm thấy chính mình trong không gian của thiên nhiên, của con người, của những thành phố, với ý nghĩa tự do nhất mà tôi có thể cảm nhận được. Vậy nên tôi vẽ, theo cách của tôi…”. Nhà điêu khắc Vương Văn Thạo thu hút sự quan tâm nhiều của công chúng bằng chuỗi tác phẩm sắp đặt “Hóa thạch sống“do kỹ thuật thể hiện độc đáo triết lý về cuộc sống đô thị của anh. Các họa sĩ Phạm An Hải và họa sĩ Thành Cương… cũng lần lượt giới thiệu những tác phẩm của mình và giao lưu, trò chuyện với khách thưởng ngoạn. Tại buổi khai mạc, người tham dự còn  được nghe GS. Đặng Ngọc Long biểu diễn ghita, trong đó có bài “Núi rừng Tây Nguyên” do ông sáng tác.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam) và CHLB Đức (trước đây thường được gọi là Tây Đức), trong những ngày tháng 7 vừa qua, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tạo hình - hội họa và điêu khắc Việt Nam tại ngôi nhà Việt ở Berlin với tên gọi A Voyage (Một chuyến đi) của các nghệ sĩ tạo hình đến từ Việt Nam.

Nhiều năm qua, Việt Nam và CHLB Đức có mối quan hệ gắn bó trong lĩnh vực mỹ thuật. Gần nhất, hồi trung tuần tháng 4, Viện Goethe phối hợp với Hiệp hội nghệ thuật Haus am Lützowplatz (HaL) tại Berlin, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Ministry of Arts, Hong Kong đã giới thiệu đến công chúng tác phẩm chọn lọc của các nghệ sĩ trẻ Đức. Triển lãm này trước khi giới thiệu tại Việt Nam đã được bà Gabriele Gauler trưng bày tại Viện Goethe Hong Kong. Trong tác phẩm của mình, sáu nghệ sĩ, sáu gương mặt có tên tuổi trong giới hội họa quốc tế, thể hiện phong thái và cách nhìn riêng biệt về nghệ thuật đương đại, đồng thời đề cập lịch sử nghệ thuật theo những cách khác nhau, và tạo ra những thành quả khác nhau: từ các bức tranh biểu hình khổ lớn và các hình khối kiến trúc cho tới những miếng ghép cỡ nhỏ bằng gỗ cắt từ tủ.

Được biết, từ năm 2013 đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cử 3 cán bộ sang Đức tập huấn về tu sửa, phục chế tranh sơn dầu tại Trường Đại học Mỹ thuật Dresden, đồng thời tổ chức 2 đợt tập huấn về tu sửa, phục chế tranh sơn dầu do chuyên gia Đức thực hiện, và đón chuyên gia Đức sang trực tiếp hỗ trợ phục chế, tu sửa cho tranh sơn dầu…

TRẦN TRUNG SÁNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Một chuyến đi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO