Một cơ chế, nhiều cái lợi

TƯ RUỘNG 15/09/2015 08:14

Sáng Chủ nhật vừa rồi, trên đường lên huyện Đại Lộc, Tư tôi tranh thủ ghé thăm vợ chồng anh Sáu Điện Hồng ở thị xã Điện Bàn. Mới tới đầu ngõ đã thấy cha con anh cặm cụi phun nước, lau chùi chiếc máy gặt đập liên hợp dính đầy bùn đất. Anh cho biết mới tậu chiếc máy này hồi đầu tháng 3 năm nay. “Hai vụ gần đây nhờ nó mà gia đình tui không còn vất vả trong việc thu hoạch 10 sào lúa, lại có nguồn thu nhập khá từ dịch vụ gặt thuê” – anh Sáu nói.

Sở hữu cả mẫu ruộng, lại thấy nhu cầu của người dân trong vùng rất lớn nên cách đây hơn 6 tháng vợ chồng anh Sáu Điện Hồng quyết định đầu tư 250 triệu đồng mua một chiếc máy gặt đập liên hợp. Nhờ sự giúp đỡ tích cực của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp thị xã Điện Bàn, anh Sáu được xét hỗ trợ 25 triệu đồng theo Quyết định số 33 của UBND tỉnh. Nhìn chiếc máy gặt bóng loáng mới vừa rửa xong, anh hồ hởi: “Ngoài việc thu hoạch nhanh gọn 10 sào lúa của mình, từ hôm 27.8 dương lịch đến nay tui còn nhận cắt 30ha lúa hè thu của nông dân địa phương và các vùng lân cận với mức thu mỗi sào là 170 nghìn đồng. Tính ra, với số diện tích lúa gặt thuê vừa nêu, vụ này tui kiếm được tổng cộng 102 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, có tệ mấy tui cũng thu hơn 60 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần cắt thuê 4 mùa lúa là thu hồi đủ số tiền vốn đã bỏ ra mua sắm máy”.

Trao đổi với Tư Ruộng, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, thực hiện Quyết định 33 của UBND tỉnh, từ năm 2012 đến nay ngành nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan ở địa phương đã giải ngân gần 2,9 tỷ đồng để hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã và nông dân đầu tư mua thêm không dưới 115 chiếc máy gặt đập liên hợp. Ông Chơi chia sẻ: “Hiện nay, bình quân mỗi vụ người dân trên địa bàn thị xã sản xuất khoảng 5.600ha lúa. Nếu trước đây muốn thu hoạch hết số diện tích lúa này thì phải mất 30 ngày, còn bây giờ với hơn 220 chiếc máy gặt đập liên hợp thì chỉ trong vòng 12 ngày là cắt xong toàn bộ. Thời điểm cuối vụ hè thu, bão lũ thường xuất hiện bất thình lình, vì vậy việc rút ngắn thời gian thu hoạch lúa sẽ giúp nhà nông hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Theo chị Ba Khuyến Nông, thực hiện Quyết định số 33 của UBND tỉnh, 4 năm gần đây chính quyền các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ một số tiền rất lớn để nhiều hợp tác xã nông nghiệp và nông dân có điều kiện mua thêm ít nhất 300 chiếc máy gặt đập liên hợp. Nếu năm 2012 trở về trước tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa bình quân trên toàn tỉnh chỉ đạt 60% thì đến giờ này đã tăng lên hơn 80%, cá biệt có thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc đạt 100%. Thời gian qua việc áp dụng Quyết định 33 mang lại rất nhiều cái lợi. Bởi, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp nhà nông sẽ giảm được 1,6 triệu đồng/ha so với thu hoạch bằng thủ công. Hiện nay, mỗi vụ nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất 43.000ha lúa, trong đó khoảng 23.000ha có khả năng thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, quy ra nhà nông sẽ tiết kiệm được hơn 32 tỷ đồng. Không chỉ vậy, gặt bằng máy còn giúp nông dân hạn chế tối đa tình trạng hạt lúa bị rơi rụng, dẫn đến mất sản lượng. Đặc biệt là tiến độ thu hoạch được đẩy nhanh, qua đó lách tránh được những bất lợi của thời tiết, nhất là vào thời điểm cuối vụ hè thu. Cần nói thêm, việc thực hiện Quyết định 33 này còn tạo điều kiện cho các hợp tác xã và rất nhiều nông dân có nguồn thu nhập đáng kể từ dịch vụ thu hoạch thuê bằng máy gặt đập liên hợp…

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một cơ chế, nhiều cái lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO