Một con đường, một cung biển...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 02/09/2015 14:15

Đi nhiều lần từ bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) đến Cửa Đại (TP.Hội An), người viết cũng đã suy nghĩ về ý nghĩa của con đường dài 30km và một cung biển vừa đẹp vừa giàu có về những giá trị nhân văn - lịch sử này...

Từ một con đường

Ở Việt Nam, chắc chắn không có con đường nào lạ lùng như vậy: Hàng chục bãi tắm đẹp thuộc hạng danh giá nhất thế giới, hàng chục khu nghỉ mát cao cấp, những sân golf... Xen kẽ vào đó là những làng nghề thủ công nổi tiếng, những làng chài, những xóm thôn mang bao sự kiện lịch sử...

Hãy nhớ lại đã có những trận giao tranh giữa quân đội Tây Sơn và Gia Long một thời trong việc tranh giành quyền lực và thống nhất sơn hà thời phong kiến chưa xa, cũng liên quan đến vòng cung biển này. Bên trong cung biển có sông Cổ Cò và một đường xe lửa nối Đà Nẵng - Hội An cho đến đầu thế kỷ 20 mới bị bồi lấp hoặc tháo dỡ. Trên tuyến đường còn có những căn cứ quân sự nổi tiếng của quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc án ngữ một vùng biển với bao hệ lụy đau thương thời chiến, một sân bay Nước Mặn, một danh thắng và làng nghề đá Non Nước, các làng chài ven biển từ Điện Ngọc đến Hà My, An Bàng…

Một đoạn trên cung đường biển. Ảnh: T.Đ.T
Một đoạn trên cung đường biển. Ảnh: T.Đ.T

Con đường 4 làn xe ấy mới hoàn tất vào năm 2006, hàng ngàn quan khách quốc tế thuộc loại VIP đã đến miền Trung trong dịp nước ta lần đầu tiên tổ chức những cuộc họp quan trọng của 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương; và đó cũng là dịp mà tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng lần đầu tiên từ sau khi chia tách hồi 1997 cùng kề vai sát cánh trong một hành động chung trên hành trình hội nhập, hành trình giới thiệu chính mình với thiên hạ! Việc tổ chức thành công các sự kiện của APEC Vietnam 2006 đã được đánh giá là những dấu son trong lịch sử đất nước thời kỳ đổi mới. Vai trò của Đà Nẵng và Quảng Nam trong quá trình này đã được ghi nhận không chỉ cho những thành quả đối ngoại của cả nước, mà còn cho chính việc giới thiệu những nét đặc sắc của địa phương mình với thế giới. Như một sứ mạng được sắp sẵn, con đường ven biển Sơn Trà - Cửa Đại  đã làm đúng vai trò của con-đường-hội- nhập. Các nhà báo cả nước làm việc tại miền Trung trong những ngày diễn ra các cuộc họp trong khuôn khổ APEC đã nói với nhau: nên đặt tên APEC cho con đường mới này để đánh dấu một bước ngoặt quan trọng như đã nói.

Ngày nay, bên tuyến đường này là những khu du lịch cao cấp nườm nượp du khách được xây dựng và quảng bá của các tập đoàn lữ hành, khách sạn lớn… kể từ sau sự kiện APEC 2006.

Tôi viết lại những điều này vì có tin nói rằng lãnh đạo TP.Đà Nẵng đề nghị với lãnh đạo Quảng Nam đặt chung tên cho con đường nối hai địa phương này là đường Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhưng từ đó đến nay, chưa ai nhắc lại đề xuất ấy.

Hãy là đại lộ APEC, tại sao không?

Đến một cung biển

Trên cung biển song song với con đường ấy: Không chỉ là những bãi biển thuộc loại đẹp nhất hành tinh như đánh giá của Forbes (Công ty xuất bản và truyền thông của Mỹ - pv), nó vẫn còn lưu dấu những con đường gốm sứ, những cuộc giao thương của cả người Chăm và Đại Việt  Đàng Trong với các nước trên thế giới. Vẫn còn đó những cuộc chạm trán về thủy - hỏa binh của nhân dân ta với ngoại bang từ thời chúa Nguyễn. Những lượt giao hảo bất thành hồi thế kỷ 19 của người Mỹ với các vua nhà Nguyễn, các trận chiến đấu anh dũng của nhân dân cả nước chống lại cuộc đổ bộ của liên quân Pháp - Tây Ban Nha sau đó; những chiến hạm đầu tiên thuộc hạm đội 7 của Mỹ đổ quân vào chiến trường Việt Nam hồi năm 1965; những cuộc chém giết dân thường dã man của các đơn vị lính Nam Hàn…

Cung biển ấy cũng là một phần của con đường gốm sứ kéo dài từ Trung Cận Đông đến Nhật Bản, Trung Hoa, Hội An, nam Thái Bình Dương… mà những phát hiện khảo cổ học từ những con tàu đắm và tại di chỉ Cù Lao Chàm đã cho thấy những giá trị to lớn…

Trên cung biển ấy, chúng ta lại có những danh thắng, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển quan trọng kéo dài từ bán đảo Sơn Trà đến Cù Lao Chàm nổi tiếng. Những làng chài ven biển vẫn còn đó những làn điệu dân ca, những nghi thức tín ngưỡng hướng về đại dương với ước mơ thái bình, thịnh vượng; một làng nghề thủ công nổi tiếng và một danh thắng Ngũ Hành Sơn với bao huyền thoại, sự tích lịch sử, tác phẩm văn chương nổi tiếng...

Với lịch sử như vậy của một cung biển, không thể nói chỉ xây dựng một “nền kinh tế biển” mà còn phải có một nền văn hóa biển ở đây. Nền “văn hóa biển” ấy sẽ là bộ nhớ lưu giữ và phát huy mọi biến động và giá trị nhất thời của kinh tế vậy!

Chúng ta vừa biết có một liên hoan văn hóa biển từng được tổ chức tại thành phố cảng Brest ( Pháp) mà đại biểu Việt Nam đã được mời tham dự là TP.Hải Phòng. Việt Nam đã mang đến Brest những chiếc thúng chai, những chiếc ghe nan và những con thuyền với cánh buồm nâu thật ấn tượng. Bên cạnh đó là những làn điệu dân ca của đồng bằng Bắc bộ, một sân khấu múa rối nước làm ngạc nhiên cả chủ nhà lẫn nhiều đại biểu khác. Thành phố Brest là một đơn vị hành chính rất nhỏ của xứ Bretagne với dân số chỉ 150 nghìn người. Brest có một cảng biển và sân bay. Nó từng bị Đức quốc xã chiếm đóng hồi Đệ nhị thế chiến. Ngày nay thành phố nhỏ này càng trở nên nổi tiếng nhờ tổ chức hàng năm các liên hoan văn hóa biển có quy mô quốc tế. Đó là một kinh nghiệm cần được học hỏi…

Một cung biển đẹp với bề dày lịch sử văn hóa như cung biển nối Quảng Nam và Đà Nẵng như đề cập ở trên, nếu được hai địa phương phối hợp xây dựng một chương trình dài lâu về “văn hóa biển” để tiến tới những lễ hội biển tầm cỡ như Brest, chắc là không khó lắm!

Kết

Vấn đề còn lại là một kịch bản khả thi và một đạo diễn tài năng, tâm huyết với lịch sử của xứ sở mình! Làm được điều đó còn có nghĩa để ghi ơn các tiền nhân và không mang tiếng “xây nhà từ nóc” như người ta từng dè bỉu! Bởi nếu không có lòng tự hào về văn hóa và lịch sử dân tộc, chúng ta rất dễ rơi vào  tha hóa bởi những tham vọng vật dục nhất thời…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một con đường, một cung biển...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO