Rất nhiều địa danh ở miền Trung có nguồn gốc Chăm. Nhưng đi tìm chứng minh, giải thích cho nhận định này là một việc khó, bởi lẽ sự hình thành các địa danh mới (trên nền tảng tên cũ) thường đi theo những con đường rất ngoằn ngoèo và luôn ẩn chứa những yếu tố dễ đánh lạc hướng kẻ truy tìm.
Tháp Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Khi đến một vùng đất mới, một cách thông thường là gọi tên vùng đất đó theo cách mà người địa phương ở đó đã nói. Nhưng do khác biệt về ngôn ngữ, người mới đến phải dùng ngôn ngữ của mình để ghi lại tên mới. Đây cũng là lý do khiến khó nhận ra nguồn gốc một số địa danh do phiên âm, vì bị che lấp dưới lớp vỏ phát âm khác biệt.
Địa danh “Đà Nẵng”
Trong các sách cũ, chữ Đà Nẵng được ghi bằng các chữ Hán khác nhau. Đây ắt hẳn là một tên gọi do người biết chữ Hán đã dùng chữ Hán để ghi một âm địa phương. Nhưng âm địa phương đó là gì thì khó tìm thấy chứng cứ. Trong khi các cuộc tranh luận chưa kết thúc thì có người đã dẫn ra một chữ Chăm, có âm là handanak có nghĩa là “bờ + biển” để minh họa cho lập luận của mình và khẳng định “Đà Nẵng” là một từ gốc Chăm.
Thoạt xem thì nghĩ như vậy rõ mười mươi Đà Nẵng một từ Chăm, bởi có chữ viết ghi lại. Nhưng thực ra chữ Chăm ấy là chữ Chăm hiện đại chứ không phải là một chữ Chăm cổ trong bi ký, do vậy tính thuyết phục cũng nhiều phần bị giảm nhẹ. Dẫu sao khi truy tìm trong tự điển Chăm hiện đại thấy có chữ phát âm “hang” nghĩa là “bờ” và có chữ phát âm “darak/tarak” nghĩa là “biển” cũng có thể đưa ra giả thuyết rằng địa danh Hàn và Đà Nẵng (Hán Việt) ngày nay có thể là ghi âm của các từ Chăm vừa nói, nhưng dẫu sao cũng chỉ là giả thuyết mà thôi. Bởi lẽ, khi xếp vào cùng một tập hợp các địa danh tương tự có yếu tố đà, trà, chà thì vẫn có giả thuyết các yếu tố trên có thể bắt nguồn từ một từ cổ thuộc ngữ hệ Malayo-Polynesien hoặc Môn-Khmer có ý nghĩa là “Nước”. Về mặt khả năng, thì các âm “ya” (Nước) trong ngữ hệ Malay-Polysnesien hoặc âm “dak” (nước) trong ngữ hệ Môn Khmer đều có thể bị biến âm và rồi được ghi bằng một chữ Hán có âm tương tự là đà/trà/chà.
Xét riêng về yếu tố “trà” trong các địa danh ngày nay như Trà Kiệu, Trà Khúc, Trà Bàn, Trà Nê, Trà Đỏa…, ta thấy có một khả năng đó là sự rơi rụng và còn lại của một từ “vijaya” có nguồn gốc Sanskrit và được dùng phổ biến trong văn bia Chăm. “Vijaya” trong văn bia Chăm có 3 nét nghĩa: (1) “chiến thắng”, “thắng lợi”; (2) một khu vực, một quận; (3) tên riêng của một khu vực, một vùng đất.
Ở nét nghĩa thứ 3, vijaya là tên riêng của một vùng đất nay thuộc Quy Nhơn, Bình Định, và còn lưu lại tên gọi “thành Đồ Bàn”, “thành Đà Bàn” hoặc “thành Trà Bàn” và một tên gọi độc đáo là “thành Cha”. Phải chăng thành “Cha” là một cách gọi lưu truyền trong dân gian lưu dấu âm của “vijaya”, trong khi Đồ Bàn, Đà Bàn hay Trà Bàn, Chà Bàn là một cách ghi âm của “vijaya” đã bị khúc xạ qua chữ nghĩa bác học?
Ở nét nghĩa thứ 2, vijaya là một danh từ chung như quận, huyện. Ta gặp ở văn bia Chăm nhiều “vijaya” có tên riêng khác nhau. Phải chăng các địa danh Đà, Trà hiện nay còn lại ở nhiều nơi chính là sự ghi âm của danh từ chung “vijaya”, khi người mới đến vùng đất mới chỉ ấn tượng ở danh từ chung mà không quan tâm đến các yếu tố riêng? Đọc Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam, mục viết về núi Xuân Thiều có ghi dòng chữ “cổ tháp Trà Vương di tích”. Như vậy “Trà Vương” không chỉ được hiểu là vua của một xứ “Trà” nhỏ bé nào đó mà có thể là vua của cả Chiêm Thành, tức là vua của các “Trà” hay các “vijaya”?
Địa danh Điện Bàn
Về yếu tố “Bàn” trong Đà Bàn, khi đọc bản “Đà Sơn, Đà Ly nhị xã Phan tộc phổ chí”, tôi bắt gặp đoạn văn “Vãn Trần Trùng Quang nhị niên, thổ dân tiến hóa ước dĩ thái bán, công thân thỉnh phân Hóa Châu tự Ải Vân Trà Ngâm động (kim Câu Đê xã) dĩ nam chí Trà Khúc động (kim Tư Nghĩa phủ) lập nhứt Đà Bàn huyện (chỉ cải Điện Bàn huyện địa, kim quát tận Quảng Nam dinh tứ chí). Dịch là: “Đến năm thứ 2 niên hiệu Trần Trùng Quang, dân địa phương đã tiến hóa nhiều, ông đích thân xin vua chia phần đất Hóa Châu từ động Trà Ngâm - Ải Vân (nay là làng Câu Đê) phía nam đến động Trà Khúc (nay là phủ Tư Nghĩa) làm thành một huyện Đà Bàn (chỉ của vua sửa lại là đất huyện Điện Bàn, nay bao quát cả bốn phía của dinh Quảng Nam)”.
Một chi tiết trong đoạn văn này gợi ra rằng địa danh Điện Bàn vốn do cải biên từ “Đà Bàn”. Về mặt khả năng thì quá trình này thường diễn ra đối với các địa danh phiên âm. Ban đầu người ta dùng một từ Hán có phát âm tương tự tiếng địa phương để ghi tên xứ đất mới đến, chưa quan tâm lắm đến vấn đề ý nghĩa. Dần dần về sau, người ta thấy nét nghĩa chưa được hay hoặc do nét nghĩa ít dùng dẫn đến tối nghĩa bèn tìm một từ khác “hay” hơn hoặc “đẹp” hơn để thay thế, hoặc đổi cách viết từ bộ chữ Hán này qua bộ chữ Hán khác. Chữ “bàn” (theo âm Hán có nghĩa là “cái chậu” hoặc “cái mâm” đặt đồ tế lễ), về nghĩa có thể nói tạm ổn. Chữ “đà” là sự phiên âm và viết thành các chữ khác nhau với ý nghĩa không thuận lắm, viết 闍 có âm là xà hoặc đồ, nhưng không có nghĩa, viết 蛇 có âm “xà” nghĩa là “rắn” cũng không phải là tên hay, nên đổi thành “điện” 奠 có nghĩa là “tiến cống, đặt để”, và “Điện Bàn” trở thành một “mỹ từ” đối với một vùng đất vừa được vua Đại Việt thu nạp.
Sông Thu Bồn
Tên sông Thu Bồn của Quảng Nam chắc cũng trải qua một dòng chảy ngoằn ngoèo không kém dòng chảy trên thực địa. Cái tên viết bằng chữ Hán khiến cho nhiều người có thể truy ngược lại nghĩa của từng chữ Hán để giải thích cho địa danh này. Chữ “bồn” 盆 có nghĩa là cái chậu và từ lâu người Hán đã thêm bộ thủy bên cạnh 湓 để gọi tên sông Bồn ở Trung Hoa. Vậy thì việc giải thích “Thu Bồn” là “con sông mùa thu” hoặc “một vùng nước mùa thu”, bắt nguồn từ một tên sông trong tiếng Hán xem ra cũng có lý. Tuy nhiên, chữ “Thu” ở đây nếu có nghĩa chỉ mùa thu thì cũng chẳng có lý do gì để ghép vào tên sông này; sao không phải là Xuân Bồn hay Đông Bồn mà lại là Thu Bồn?
Vì vậy, vẫn có thể đi tìm nguồn gốc địa danh này theo hướng một quá trình phiên âm, chuyển nghĩa. Tác giả Nguyễn Dị Cổ trong bài viết mới đây trên Báo Quảng Nam đã cho rằng Thu Bồn là biến âm từ tiếng Chăm “sumut drak” là cửa biển, là “đại dương” cùng với nhận xét “Từ ngữ này từ sớm đã có mặt trong tác phẩm sử thi của người Chăm còn lưu giữ đến ngày nay. Xét địa lý của vùng sông Thu Bồn từ thế kỷ XV về trước, nơi đây có lẽ cũng là một vùng sông nước mênh mông như “biển”.” Để luận giải cho việc biến âm từ sumut drak đến Thu Bồn, Nguyễn Dị Cổ đã chỉ ra một con đường vô cùng khúc khuỷu.
Gần đây, tôi tình cờ đọc trên mạng xã hội gặp ý kiến của một người có nick name Maria Phạm. Theo Maria Phạm, Thu Bồn là biến âm của tiếng Chăm “t’pon”, tên gọi trái loòng boong. Tôi chưa thể kiểm tra t’pon có nguồn gốc là tiếng Chăm hay không, nhưng trong thời gian thực địa ở vùng đầu nguồn Thu Bồn tôi cũng nghe nhiều người cho rằng hiện nay người Cơ Tu ở vùng này vẫn gọi trái loong boong là tr’pon. Và cách giải thích tên gọi “trái loòng boong” bắt nguồn từ tiếng địa phương tr’pon rất dễ được chấp nhận bởi lẽ cái vỏ ngữ âm và chính tả “loòng boong” tự nó cho thấy nó phải là một từ phiên âm. Trong khi đó cái vỏ ngữ âm và từ vựng của “Thu Bồn” đã khúc xạ qua chữ Hán và Hán-Việt, lại được bồi đắp thêm lớp màu sắc thi ca bác học cho nên khó nhận ra cái nguồn gốc t’pon của nó. Chúng ta cũng biết rằng, tên gọi Thu Bồn trước tiên dùng để chỉ một ngõ nguồn của xứ Quảng Nam (nguồn Thu Bồn, nguồn Lỗ Đông…) sau đó mới dùng để chỉ con sông xuất phát từ nguồn Thu Bồn. Mà khu vực nguồn Thu Bồn là vùng rừng núi rộng lớn, ở đó là địa bàn của cây trái loòng boong nổi tiếng.
Cùng một giả thiết là tên gọi Thu Bồn có nguồn gốc Chăm, xem ra con đường từ “t’pon” đến Thu Bồn có vẻ gần gũi, bằng phẳng hơn con đường mịt mù, khúc khuỷu từ “sumut drak” đến Thu Bồn.
Hy vọng rằng khi có sự nghiên cứu liên ngành giữa ngữ âm học lịch sử, phương ngữ, tiếng Hoa và các ngôn ngữ Đông Nam Á thì việc giải mã những nguồn gốc địa danh lạ ở miền Trung sẽ rõ ràng hơn.
Và dẫu bằng phẳng hay khúc khuỷu thì mọi con đường truy tìm nguồn gốc địa danh vẫn tiềm ẩn nhiều thú vị, những ngả rẽ tưởng chừng lạc hướng có thể dẫn chúng ta đến những chân trời không ít hoa thơm, cỏ lạ.
VÕ VĂN THẮNG