Mở “một cửa liên thông”, cải thiện môi trường đầu tư, từ chối những dự án dàn trải, manh mún hay những dự án tổn hại đến môi trường, cuộc sống người dân, hướng đến tăng trưởng xanh là lựa chọn nhất quán của Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay.
Chiến lược phát triển đúng đắn sẽ giúp Quảng Nam cải thiện được cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư.Ảnh: T.DŨNG |
Cơ hội tăng trưởng
Liên tục 2 năm liền (2012 & 2013) tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Nam không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu nhìn vào sự duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 11,6% (cao hơn mức trung bình cả nước (7,25%) liên tục trong vòng 12 năm qua (2000 – 2011) thì Quảng Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá. Nghiên cứu mới đây của nhóm Habitat (Tổ chức định cư con người của Liên hiệp quốc) vừa trao giải “thành phố cảnh quan” cho Hội An cho thấy, với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa vào tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ, đủ để Quảng Nam lạc quan tìm kiếm một con đường phát triển bền vững, chất lượng hơn là số lượng dự án đầu tư. Ba nút thắt của nền kinh tế về nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư yếu kém… được nhận diện, đang được Quảng Nam tập trung thực hiện.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, Quảng Nam cam kết hỗ trợ các sáng kiến và dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh thông qua các chính sách, cơ chế ưu đãi và các sáng kiến đầu tư chiến lược. Tất cả điều này thể hiện sự lựa chọn dứt khoát cho tương lai Quảng Nam: tăng trưởng mọi mặt trong hiện tại vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Chất lượng tăng trưởng là tiêu chí hàng đầu. |
Tiến sĩ Nguyễn Quang - Trưởng nhóm nghiên cứu của Habitat nhận định Quảng Nam có thế mạnh đặc biệt trong việc khai thác nguồn lực con người, tài chính và khả năng đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, quỹ đất dồi dào… được khai thác đúng hướng và chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu nên đã tạo nhiều cơ hội phát triển hợp lý, “tránh” được những “sai lầm” của các địa phương đi trước. Theo nhận định của UBND tỉnh, với 50%/dân số trong độ tuổi lao động, có tay nghề cao, nhất là cơ khí, may mặc, dịch vụ du lịch… chính là một trong những tiêu chí mà tập đoàn Hyundai, Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Coilcraft (Hoa Kỳ), Indochina capital, Vinacapital, Hitech (Thái Lan) đánh giá cao khi quyết định đầu tư tại Quảng Nam. Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, tất cả mục tiêu tăng trưởng của Quảng Nam đặt ra cho từng năm hoặc dài hạn đều hợp lý. Sự hấp dẫn của đầu tư Quảng Nam thể hiện từ việc nhà đầu tư toàn quyền quyết định đầu tư dự án hay các ưu đãi về thuế, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động hay rút ngắn thủ tục đầu tư và không tốn chi phí dịch vụ (ngoài thông lệ của Chính phủ)… Ngoài những quy định chung, những dự án quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng được chính quyền Quảng Nam phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách đặc thù...
Sự lựa chọn dứt khoát
Quảng Nam xác định không chạy theo các lợi ích nhất thời, ngắn hạn, tìm mọi cách để tăng tốc GDP, mà hướng đến tầm nhìn xa hơn. Quảng Nam đã thực sự cầu thị khi lên kế hoạch cụ thể, xem xét lại các quyết định đầu tư đã đưa ra. Động thái này đã đưa đến một quyết định chín chắn hơn là sẵn sàng loại bỏ hay dừng lại những dự án dàn trải, thiếu khả năng tài chính hay thiếu thực chất khi nguồn lực ngân sách ngày càng hạn hẹp. Ở góc nhìn thu hút đầu tư, ưu tiên đặt ra trong kế hoạch ngắn hay dài hạn vẫn là thu hút có chọn lựa nhà đầu tư công nghệ cao, có tiềm năng phát triển. Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án tác động tích cực lên mức sống của người dân mới chính là thước đo, tiêu chí để phê duyệt hay bác bỏ một dự án đầu tư. Không phải ngẫu nhiên tại các diễn đàn hay hội nghị đầu tư mới đây, Quảng Nam chỉ đưa ra 10 dự án đầu tư (tạo giá trị gia tăng) cơ hội trọng điểm để giới thiệu và kêu gọi các nhà đầu tư. Đó chính là sự thay đổi lớn khi chọn thu hút bằng thực chất hơn là chạy theo số lượng dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định mọi sự phát triển phải được bảo đảm công bằng xã hội, đem lại công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương đang là động lực và định hướng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chiến lược phát triển Quảng Nam sẽ dựa trên kế hoạch phát triển đa ngành và các nguyên tắc tăng trưởng xanh, hình thành các chương trình và dự án trọng điểm. “Sáng kiến” mới nhất để làm hài lòng các nhà đầu tư là chính quyền đã ban hành cơ chế “một cửa liên thông” giao hẳn cho Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh thực hiện kể từ ngày 1.1.2014. Sự thay đổi này sẽ tạo cho doanh nghiệp đầu tư thực sự biết mình đang hợp tác với Quảng Nam chứ không phải là “đi xin” như trước, là minh chứng rõ nhất việc chính quyền tỉnh luôn sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp trong cuộc kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt và khó khăn. Chiến lược phát triển này được xem như một bản cam kết giữa chính quyền, nhà đầu tư và dân chúng địa phương để định vị cho kinh tế Quảng Nam trong tương lai.
TRỊNH DŨNG