Một cuộc trở về - Bài 1: Nhân chứng cuối cùng

HÀN GIANG 21/08/2013 08:13

Như lời hẹn, chúng tôi có mặt tại TP.Đà Nẵng để cùng cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 404 (D404 - Quân khu 5) và thân nhân trong hành trình trở lại Khâm Đức (Phước Sơn). Chuyến đi đã cho chúng tôi hiểu thêm về tình đồng chí, nghĩa đồng đội, giá trị tình cảm thiêng liêng của những người từng trải qua tháng năm chiến trường.

Trên hành trình về chiến trường xưa, ông Nguyễn Văn Việt - người duy nhất sống sót trong trận tập kích vào sân bay Khâm Đức nhiều lần bị co giật, lả người trong vòng tay đồng đội. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Trên hành trình về chiến trường xưa, ông Nguyễn Văn Việt - người duy nhất sống sót trong trận tập kích vào sân bay Khâm Đức nhiều lần bị co giật, lả người trong vòng tay đồng đội. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

BÀI 1: NHÂN CHỨNG CUỐI CÙNG

Trong ký ức sâu thẳm của người cựu binh duy nhất sống sót sau trận đánh quyết tử ngày 5.8.1970 vào sân bay Khâm Đức vẫn chưa nguôi ám ảnh, day dứt về sự hy sinh bi tráng của 16 đồng đội.

Ký ức tháng 8

Chuyến xe đưa đoàn cựu binh D404 về thăm chiến trường xưa Khâm Đức tiếp tục lên đường sau điểm dừng Đà Nẵng. Trong đoàn, có người lần đầu tiên sau 43 năm, cũng có người đã là lần thứ hai, thứ ba cùng thân nhân của các đồng đội hy sinh tại Khâm Đức trở lại để tiếp tục công tác tìm kiếm, xác định vị trí hố chôn tập thể 16 liệt sĩ của tiểu đoàn. Lần trở lại này có một nhân vật đặc biệt, người lính đặc công duy nhất sống sót sau trận đánh quyết tử ngày 5.8.1970 - ông Nguyễn Văn Việt (65 tuổi, xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang). Bốn mươi ba năm đã trôi qua, bây giờ ông mới có điều kiện quay trở lại thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã hy sinh trong trận đánh mà đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Hành trình từ tỉnh Bắc Giang vào chiến trường xưa Khâm Đức như dài hơn và cũng là sự thử thách khó khăn đối với cựu binh Nguyễn Văn Việt. Trên suốt hành trình, đồng đội đã thay phiên nhau túc trực chăm sóc mỗi khi ông lên cơn động kinh co giật, tím tái. Đã có lúc chúng tôi tưởng chừng như hành trình của đoàn sẽ phải gián đoạn. Những vết thương chiến tranh vô hình và cả hữu hình đã bào mòn sức khỏe của người cựu binh này đến cùng cực. Ấy vậy, khi xe vào đến địa phận thị trấn Khâm Đức, ông Việt như bừng tỉnh, trở nên hoạt bát, người khỏe hẳn ra. Đối với ông, trở lại Khâm Đức lần này cũng chính là trở về với quê hương thứ hai của mình, để được gần gũi hơn với những đồng đội, để ký ức có dịp sống lại với thời khắc bi tráng của 43 năm trước.

Tháng 7.1969, ông Việt nhập ngũ và được biên chế vào D404. Trận đánh quyết tử vào đêm ngày 4 rạng sáng 5.8.1970, ông Việt được giao nhiệm vụ cài bộc phá ống chốt giữ ở vị trí cửa mở, sẵn sàng đợi lệnh kích nổ mở đường thoát cho các đồng đội thâm nhập bên trong sân bay Khâm Đức. “Mười sáu đồng đội của tôi khi ấy còn rất trẻ, họ chỉ mới mười tám, đôi mươi. Theo kế hoạch, 16 người chia làm các tốp nhỏ đột nhập vào đánh khu chỉ huy, trận địa pháo, khu sân bay hòng làm tê liệt cứ điểm Khâm Đức. Trước khi xung trận, các anh đã tổ chức lễ truy điệu sống, tuyên thệ xác định hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Những ánh mắt kiên định của đồng đội khi ấy đến giờ vẫn còn ám ảnh trong tôi. Quá trình giao tranh ác liệt, tôi đã suýt ngất vì sức ép của bộc phá đánh bên trong. Anh em được lệnh rút lui nhưng máy bay địch phát hiện ra vị trí cửa mở nên tập trung hỏa lực bít lối thoát. Các anh đã chiến đấu quả cảm đến phút giây cuối cùng. Khi ấy tôi cũng bị thương nhưng nằm ở lớp rào ngoài nên được đồng đội đến cứu thoát” - giọng ông Việt u hoài.

“Họ đã chết cho tôi và mọi người được sống!”

Sau khi bị thương và được đưa về bệnh viện cứu chữa, cũng trong năm 1970, ông Việt được ra miền Bắc. Trận đánh đêm ngày 4 rạng sáng 5.8.1970 là trận đánh duy nhất trong đời binh nghiệp của ông. Nhưng trận đánh ấy cũng đủ khắc ghi nơi tiềm thức của ông về sự tàn phá khốc liệt, nỗi đau thương, mất mát ghê gớm của chiến tranh phi nghĩa. Rời quân ngũ trở về với đời thường, ông Việt chưa khi nào nguôi ngoai nỗi day dứt, ám ảnh về sự hy sinh bi tráng của 16 đồng đội ngay trước mắt, trong sự bất lực của bản thân ông. Họ còn quá trẻ, trẻ hơn tuổi của ông khi đó. Nếu không có chiến tranh nhất định tuổi thanh xuân của họ gắn với giảng đường đại học cùng những ước mơ, hoài bão lớn về tương lai. Nỗi day dứt dồn nén trở thành động lực thôi thúc ông quyết tâm vượt qua sự hành hạ của bệnh tật, đi hơn nghìn cây số về thăm chiến trường xưa Khâm Đức, để được tự tay thắp nén nhang tri ân các đồng đội. Đó cũng là cách giúp ông hóa giải phần nào những nỗi u hoài, day dứt như ông chia sẻ: “Họ đã chết cho tôi và mọi người được sống!”.

Vết tích chiến trường xưa đã thay đổi nhiều. Ông Việt chống dù lội bộ khắp mảnh đất của khu vực sân bay cũ, cố gắng lục lại trong trí nhớ của mình những khoảnh khắc của 43 năm trước để cùng đồng đội xác định vị trí trận địa pháo, điểm cửa mở nhằm xác định vị trí hố mộ chôn tập thể 16 thi thể đồng đội theo những tài liệu mới nhất do cựu binh Mỹ cung cấp. Nhìn bóng dáng lặng lẽ, lầm lũi của ông Việt, ông Phạm Công Hưởng - Trưởng ban Liên lạc D404 không khỏi xúc động. Ông Hưởng chia sẻ: “Cuộc sống của người cựu binh này hiện rất khó khăn. Rời quân ngũ với thương tích tỷ lệ 12% nhưng anh Việt không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Mấy năm nay, vợ anh lại bị tai biến nằm một chỗ. Hai vợ chồng già, bệnh tật sống với các con nhưng hoàn cảnh các cháu đều túng bấn, vì vậy cuộc sống hai người luôn khốn khó”. Ông Hưởng còn cho biết, khi đón ông Việt đi cùng, đồng đội đã ra chợ mua cho đôi dép, bộ đồ quân ngũ mới để mặc cho tinh tươm. “Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh Việt,  anh em cựu binh chúng tôi đã quyên góp giúp đỡ. Thời gian đến, chúng tôi sẽ cố gắng giúp anh làm hồ sơ để được hưởng chế độ theo quy định. Đây cũng chính là một việc nghĩa mà chúng tôi xác định cần phải làm bên cạnh việc đi tìm hài cốt các đồng đội đã hy sinh” - ông Hưởng tâm tình.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một cuộc trở về - Bài 1: Nhân chứng cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO