Một cuộc trở về - Bài 2: Chuyện từ hai ngôi mộ

HÀN GIANG 22/08/2013 08:50

Có một ngôi mộ ngày ngày được nhiều người đến viếng hương tưởng nhớ, nhưng chỉ là mộ gió. Bởi, ngôi mộ tập thể có hài cốt 16 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức vẫn còn nằm đâu đó giữa mung lung dấu tích xưa...

  • Một cuộc trở về - Bài 1: Nhân chứng cuối cùng
Chính quyền huyện Phước Sơn cùng các cựu binh D404 xem xét thực địa xác định vị trí hố chôn 16 liệt sĩ.
Chính quyền huyện Phước Sơn cùng các cựu binh D404 xem xét thực địa xác định vị trí hố chôn 16 liệt sĩ.

Bên ngôi mộ gió

Trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn có một ngôi mộ trên tấm bia đề: “Tập thể 16 liệt sĩ, họ tên chưa rõ”. Hình ảnh ngôi mộ gió trở thành nỗi ám ảnh các thân nhân liệt sĩ khi đến viếng hương nghĩa trang. Mỗi khi có dịp về Khâm Đức, đứng trước ngôi mộ gió ấy, những cựu binh D404 càng thêm trăn trở, day dứt khôn nguôi. Bởi, bao nhiêu nỗ lực, cố gắng tìm kiếm hài cốt đồng đội thời gian qua đều không có kết quả. Hôm nay, cựu binh D404 và thân nhân các liệt sĩ cùng tìm về thăm, nhưng cũng chỉ là viếng hương trước ngôi mộ gió.

Dù tâm lý đã chuẩn bị kỹ, nhưng lần đầu đứng trước ngôi mộ gió ở nghĩa trang, bà Nguyễn Thị Thanh Chương (60 tuổi, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) không cầm được nước mắt. Bà Chương xót thương cho anh trai là liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương và đồng đội hy sinh khi còn quá trẻ. Tay run run thắp nén nhang lên ngôi mộ gió, giọng bà Chương nghẹn ngào gọi tên anh trai, cầu mong anh linh thiêng giúp bà và đồng đội sớm tìm thấy vị trí hố mộ chôn tập thể, tìm được hài cốt đưa về quê nhà an táng theo ước nguyện của cha mẹ lúc còn sống. Mấy tháng trước, sau khi xem đoạn phim về trận đánh tại chiến trường Khâm Đức (cung cấp bởi cựu binh Mỹ) do Trưởng ban Liên lạc D404 - ông Phạm Công Hưởng gửi, bà Chương đổ bệnh nằm liệt giường nửa tháng trời. Hình ảnh thi thể người lính đặc công trên đoạn phim cứ ám ảnh bà về hình dáng quen thuộc của anh trai. Bà mất nhiều thời gian lục lại các tấm ảnh cũ có hình ảnh của anh trai, rồi tham vấn ý kiến của người thân và bà con làng xóm để đối chứng với hình ảnh trên phim. Không gian phim là bối cảnh quá khốc liệt của chiến tranh nhưng bà Chương cảm thấy được an ủi, được ấm lòng khi mọi người cùng nhận định có một hình ảnh thi thể trong phim là anh trai bà - Nguyễn Ánh Dương.

Đứng lặng bên ngôi mộ gió, chị Phan Thị Giang (xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) rấm rứt khóc thương người cậu ruột - liệt sĩ Nguyễn Trọng Thế. Chị kể, ngày 15.7 vừa qua, cũng là lần đầu tiên gia đình chị được các bác cựu binh D404 tìm báo tin về đơn vị chiến đấu và nơi hy sinh của cậu Thế. Sau khi xem đoạn phim, cả gia đình chị đã vô cùng xúc động, ngậm ngùi thương cảm khi nhận ra thi thể cậu Thế trên phim - thi thể được quay rõ nhất, mặt hướng về phía ống kính máy quay. “Thời điểm đó, bà ngoại tôi đã 97 tuổi đang hôn mê sâu. Bên giường bệnh con cháu thì thầm báo tin về cậu Thế cho ngoại, đôi môi bà mấp máy, rồi ngoại mất. Vậy là sau hơn 43 năm chờ đợi, ngoại cũng đã nhận được thông tin xác thực về nơi cậu hy sinh. Với ngoại, đó là nguồn an ủi lớn ở những giây phút cuối đời, để bà yên lòng nhắm mắt” - chị Giang bùi ngùi.

Hé lộ vị trí hố mộ tập thể

Lần này trở lại Khâm Đức để tìm kiếm, xác định vị trí hố mộ chôn tập thể 16 liệt sĩ đặc công theo những tài liệu mới nhất, tin cậy nhất do cựu binh Mỹ cung cấp, các cựu binh D404 và thân nhân các liệt sĩ cùng thống nhất chọn ngày 5.8 hằng năm làm ngày tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh. Trong khói nhang trầm nghi ngút, đứng giữa trận địa pháo nằm cạnh đường băng năm xưa, những cựu binh đứng lặng yên như để lắng nghe tiếng nói đồng đội vọng về từ lòng đất. Cựu binh Lương Ngọc Chiến (Đống Đa, Hà Nội) hồi nhớ: Giữa tháng 7.1970, Mỹ ngụy mở cuộc càn quét lớn tái chiếm Khâm Đức. Ba ngày sau, địch đã lập nên cứ điểm Khâm Đức. Mệnh lệnh của quân khu là bằng mọi giá phải nhổ cho được chốt này, giáng đòn chí mạng vào ý đồ tái chiếm Khâm Đức của chúng. Tiểu đoàn Đặc công D404 cử một phân đội tập kích vào cơ quan đầu não của địch. Xác định đây là trận đánh vô cùng quan trọng, quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ nên các đồng chí được chọn cử đi đánh đều là cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú là đối tượng cảm tình Đảng, có tinh thần dũng cảm, mưu trí, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Trận đánh do đồng chí Tiểu đoàn phó Lê Quý Quỳnh trực tiếp chỉ huy. “Khi ấy tôi cùng vài anh em được tiểu đoàn giao nhiệm vụ giám sát tình hình máy bay địch lên xuống ở phía đông sân bay Khâm Đức để kịp thời báo cáo, lập kế hoạch cho trận đánh. Lúc xuất trận, chúng tôi chỉ biết động viên nhau bằng ánh mắt, mọi người thầm chúc các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở về với anh em đồng đội. Vậy mà…” - nói đến đây giọng ông Chiến nghẹn lại, mắt ngấn lệ.

Căn cứ theo tài liệu, các cựu binh D404 cùng chính quyền huyện Phước Sơn lần lượt xác định vị trí cửa mở, xác định ngọn núi được thể hiện trên tài liệu. Từ đó, mọi người cẩn trọng định vị 2 điểm được cho có khả năng là nơi hố mộ chôn tập thể 16 liệt sĩ đặc công. Theo hướng cửa mở, vị trí thứ nhất nằm về hướng đông và vị trí thứ hai nằm về hướng đông nam, khoảng cách giữa hai vị trí nằm trong phạm vi 30 - 70m. “Chúng tôi rất tin tưởng vào 2 vị trí vừa được xác định trên. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện công tác khai quật theo quy định để tìm và quy tập hài cốt 16 đồng đội trong thời gian sớm nhất. Chỉ có tìm thấy được hài cốt các anh, chúng tôi mới phần nào bớt nỗi day dứt, trăn trở đã luôn thường trực trong tâm thức mình” - ông Phạm Công Hưởng chia sẻ. Ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định: “Địa phương đã và sẽ cố gắng làm hết sức mình để phối hợp tìm kiếm hài cốt của 16 liệt sĩ đặc công D404. Chúng tôi xác định đây là một trong những hành động tri ân thiết thực nhất đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho độc lập, ấm no hôm nay”.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một cuộc trở về - Bài 2: Chuyện từ hai ngôi mộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO