Mảnh đất Đắk Pét (huyện Đắk Glei, Kon Tum) là vùng hậu cứ thứ hai của Tiểu đoàn Đặc công D404 sau Khâm Đức. Những trận đánh tại Đắk Pét đã góp phần chia lửa cho chiến trường Quảng Nam, và gắn với nơi đây còn có câu chuyện tình của người lính đặc công sau 43 năm mới được kể.
|
Cựu binh D404 tặng quà cho mẹ con chị Y Niêu nhân cuộc gặp gỡ tại Đắk Pét. Ảnh: HÀN GIANG |
Về Đắk Pét
Cứ điểm Đắk Pét là Chi khu quân sự địch, do Tiểu đoàn 88 Biệt động biên phòng khét tiếng thuộc Liên đoàn 22 Biệt động quân đóng giữ. Ngoài ra, chúng còn tổ chức nhiều trung đội thuộc các lực lượng bảo an, cảnh vệ, tình báo, nghĩa quân và 300 dân vệ cùng phòng giữ. Cứ điểm này được xây dựng với hệ thống hầm ngầm, lô cốt kiên cố; hỏa lực địch được bố trí liên hoàn trên các mảng đồi hình bát úp, trung tâm là một sân bay dã chiến và một bãi đáp trực thăng… Cuối năm 1971 đầu năm 1972, D404 được bổ sung quân số và trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược chuẩn bị đánh cứ điểm Đắk Pét. Thời gian này, Quân khu 5 điều động Tiểu đoàn K80 bộ binh và một số đơn vị hỏa lực, các đơn vị bộ đội huyện, cùng dân công hỏa tuyến phối hợp thành lập Mặt trận 159 do Thiếu tá Cao Liêm - làm Chỉ huy trưởng, mở chiến dịch đánh chiếm quận lỵ Đắk Pét.
Đêm 18.4.1972, ta đồng loạt nổ súng tấn công cứ điểm Đắk Pét. Trước hỏa lực mạnh của địch, ta chuyển sang đánh bao vây kéo dài gần 2 tháng, cắt đường tiếp tế lương thực, vũ khí từ các nơi cho cứ điểm Đắk Pét. Tuy ta không tiêu diệt được hoàn toàn cứ điểm Đắk Pét, song đã góp phần quan trọng cho chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh vào tháng 5.1972 và chia lửa cho chiến trường Quảng Nam lúc bấy giờ. Trong cuộc tấn công này, D404 có 67 chiến sĩ đặc công hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Đây cũng là một trong những trận chiến bi hùng, để lại dư âm oanh liệt về quá khứ anh hùng của Tiểu đoàn Đặc công D404.
Trong hành trình về với chiến trường xưa Đắk Pét, những cựu binh D404 đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Glei. Trời chiều Tây Nguyên u tịch, rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ đã tìm được hài cốt nhưng trên bia mộ khắc ghi “Chưa xác định tên” khiến lòng người thêm chùng xuống. Trong những ngôi mộ không tên kia, có thể có hài cốt những người lính đặc công D404 và còn biết bao hài cốt các anh vẫn đang nằm trong lòng đất lạnh của xứ núi Đắk Pét đang mong đợi những người đồng đội đến tìm về. “Chúng tôi tuổi đã cao, sức khỏe không còn cho phép mình được lăn lộn khắp nơi để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Nhưng còn đi lại được, còn một tia hy vọng tìm thấy hài cốt của đồng đội, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm. Hằng năm chúng tôi cũng động viên nhau tổ chức những chuyến tìm về chiến trường xưa để thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống cho độc lập, ấm no hôm nay” - cựu binh Hoàng Duy Chúc chia sẻ.
Hạnh ngộ bất ngờ
Về với chuyến trường xưa Đắk Pét, có một kỷ niệm gắn với câu chuyện tình giữa người lính đặc công D404 với cô gái tên Y Dứt - làng Rooc Mẹc (xã Đắk Nhoong, Đắk Glei) 43 năm trước được các cựu binh D404 nhắc đến. Để rồi họ cùng tìm đến với giọt máu mà người đồng đội đã lưu lại trên mảnh đất này.
Thời chiến, những tháng mùa mưa của Tây Nguyên và theo yêu cầu nhiệm vụ, D404 hành quân về đóng ở hậu cứ Khâm Đức. Vào những tháng mùa khô, đơn vị lại hành quân về đóng ở Đắk Pét. Cô gái Y Dứt - Bí thư Chi đoàn thôn Rooc Mẹc ngày ấy đã phải lòng người lính đặc công Phạm Minh Văn (được dân làng Rooc Mẹc gọi bằng cái tên thân quen A Văn). Những ngày được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ hậu cứ Đắk Pét, do không kìm chế được tình cảm của mình nên Y Dứt và A Văn đã ăn ở với nhau như vợ chồng. Chuyện của họ rồi cũng bị người làng và đơn vị phát hiện khi cái bụng của Y Dứt ngày một lớn. Trưởng làng Rooc Mẹc bắt phạt Y Dứt và A Văn một con heo có đường kính thân bằng 4 nắm tay xếp chồng lên nhau, cùng nhiều muối và mì chính, nếu không chịu phạt sẽ bị đuổi khỏi làng. Dạo ấy, những người lính D404 đã phải một phen cuống cuồng chạy lo lễ nộp phạt cho người đồng đội. Năm 1972, sau khi sinh xong, A Dứt bồng con cùng D404 về đóng ở hậu cứ Khâm Đức, phục vụ công việc nuôi quân. Thời gian sau, Y Dứt lại bồng con quay về làng sinh sống, A Văn được điều động vào bộ đội chủ lực. Cũng từ đó, những người lính D404 mất liên lạc với Y Dứt...
Câu chuyện tình giữa A Văn và Y Dứt được gợi nhắc sau 40 năm trở nên thật buồn khi những cựu binh D404 được bà Y Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, Y Dứt và A Học - con trai của A Văn đã mất hơn 10 năm trước. Nhưng rồi mọi người cũng cảm thấy được an ủi khi biết vợ và con trai của A Học đang sinh sống tại làng Rooc Mẹc. Được sự giúp đỡ của bà Y Hoa, các cựu binh D404 đã có cuộc hạnh ngộ với con dâu và cháu nội của người đồng đội đã quá cố. Cựu binh Nguyễn Văn Thiệp xúc động nói: “Anh Văn đã mất, chúng tôi, những người đồng đội cùng đơn vị chiến đấu với anh cũng được xem như người thân trong gia đình. Hoàn cảnh đã không cho phép chúng tôi được gặp các cháu sớm hơn. Nhưng được gặp và biết hoàn cảnh hiện tại của các cháu, chúng tôi như cởi bỏ được tâm tư nặng trĩu suốt mấy mươi năm qua mỗi khi nghĩ về vợ và con anh của người đồng đội nơi mảnh đất chúng tôi từng chiến đấu”. Không khỏi bất ngờ và xúc động trước tình cảm của các cựu binh D404, Y Niêu - vợ A Học bày tỏ: “Con từng được nghe mẹ Y Dứt kể về các chú, các bác. Hôm nay, có dịp được gặp, được các chú các bác thăm hỏi động viên con thấy thật cảm kích. Chắc mẹ Y Dứt cũng sẽ rất vui”.
Đêm Đắk Pét, đêm cuối của hành trình về thăm chiến trường xưa dâng hương tri ân, tưởng nhớ các đồng đội, những cựu binh Tiểu đoàn Đặc công D404 vẫn chưa thể cho mình một giấc ngủ ngon!
HÀN GIANG