“Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” (NXB Trẻ) của tác giả Đoàn Tuấn mang đến góc nhìn sinh động, yêu thiết tha cuộc sống của những chàng trai trước khi khoác áo lính lên đường ra trận.
Tác phẩm văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vô cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, những tác phẩm viết về việc luyện quân lại chiếm tỷ lệ rất ít ỏi, không đủ đếm trên mười đầu ngón tay.
Gần đây, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tiểu thuyết “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” của nhà văn từng mặc áo lính Đoàn Tuấn viết về ba tháng huấn luyện tân binh trước khi lên đường ra trận, được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận bởi sự tếu táo vui nhộn với lắm trò nghịch ngợm của lứa tuổi mười tám đôi mươi.
“Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” của nhà văn Đoàn Tuấn đầy ắp những chi tiết hay, đắt giá. Thời thanh xuân vừa lãng mạn vừa dữ dội được viết ra một cách chân thành từ trái tim của một người trong cuộc. Những cuộc tình dang dở, những lỡ lầm vụng dại không hề làm xói mòn tình yêu cuộc sống và những lý tưởng cao đẹp của những chàng trai. Họ dấn thân vào đời với hừng hực khí thế trẻ trung, dẫu biết rằng trước mắt họ là một cuộc chiến gian khổ và khốc liệt. Một tác phẩm mà khi khép lại trang cuối, bạn vẫn còn bồi hồi xúc động (lời giới thiệu của NXB Trẻ).
Với 33 chương gói gọn trong gần 240 trang sách, tiểu thuyết “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” viết về những người lính “chưa bóc tem” sinh động và chân thực tới mức không thể chân thực hơn.
Rời mái ấm gia đình, họ - những chàng trai, bước vào đời lính với biết bao bỡ ngỡ của “thuở ban đầu” thực hiện nếp sống “chăn vuông góc, tóc ba phân”, ăn ngủ nghỉ theo kẻng, ra thao trường tập luyện theo hiệu lệnh tại một bản Mường ở Hòa Bình. Rồi sinh hoạt tập thể tiểu đội, trung đội, đại đội…
Đơn vị hầu hết là những chàng trai Hà Nội nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người một tính nết khác nhau, không ai giống ai. Có người là công nhân. Có người là sinh viên đang học năm hai, năm ba. Có người mới trúng tuyển vào đại học. Có người là thanh niên mới lớn lơi bơi. Tất cả cùng tụ hội dưới mái nhà chung là đơn vị huấn luyện tân binh để bổ sung quân cho các chiến trường.
Đương nhiên, với nhiều thành phần như thế, lại ở tuổi mười tám đôi mươi, họ dễ bốc đồng với lắm trò do ai đó đầu têu. Sống nhờ các nhà dân ở bản Mường vì “đơn vị không doanh trại”, những chàng trai Hà Nội “nhận quân phục… rồi dông thẳng về nhà” để… “khoe với cô giáo và bạn bè cùng lớp”. Họ không đào ngũ. Họ chỉ thích thể hiện mình là lính, khiến không ít vị chỉ huy “hú hồn”.
“Chuyện ăn của lính” có không ít kẻ ăn tranh phần vì đói, anh em “tẩn” cho một trận nhớ đời. Có đứa ky bo keo kiệt bị đồng đội “gài thế” ghé quán nhậu bình dân, sau đó họ lặng lẽ rút dần, cuối cùng anh ta buộc phải tháo chiếc đồng hồ Seiko ra gán nợ.
Rồi chuyện năm gã trai mới lớn nửa khuya thức dậy cùng xem “ti vi màu”: Chị Phiến chủ nhà lõa thể tắm đêm! “Cả thân hình nõn nà, lộng lẫy giữa thiên nhiên. Chị kỳ ngực. Nâng hai bầu vú lên. Cúi xuống nhìn. Rồi chị múc nước. Dội ào ào. Nước tràn trề trên thân thể ngọc ngà”. Nhoáng cái, chị chủ nhà tắm xong và biến mất sau nhà bếp. Năm gã trai mới lớn, lần đầu tiên trong đời được nhìn ngắm phụ nữ khỏa thân, cứ tiếc ngẩn ngơ…
Có lắm trò nghịch ngợm của cánh lính trẻ trong quãng thời gian huấn luyện ở bản Mường rồi lên đường ra trận. Như trổ tài “cờ lê hai ngón” khi đi dạo chợ, “làm xiếc” với bà già bán thuốc lá để có cái phì phèo cho vui.
Như anh tân binh già tên Cự đã có vợ ba con tán gái bản bằng cách “dùng câu đố hạ gục câu đố” tục mà thanh… Quậy là vậy nhưng xong khóa huấn luyện, tất cả hăng hái đến mặt trận Tây Nam rồi sang làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Campuchia.
Họ yêu thương nhau, chia ngọt sẻ bùi với nhau khi cùng chung chiến hào. Thông qua nhân vật tôi có tên là Hoàng, những chuyện kể về cánh lính trẻ trong tiểu thuyết “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” chân thực và sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn, khiến người đọc đã cầm sách lên là phải đọc đến trang cuối cùng…