Những năm gần đây, nhờ triển khai thực hiện dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại miền Trung Việt Nam” (dự án CAL-2) do Tổ chức Cứu trợ & phát triển quốc tế - FIDR tài trợ, hàng nghìn hộ dân ở nhiều địa phương miền núi của Quảng Nam, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến vào canh tác cây lúa nước. Qua đó, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo, không chỉ đảm bảo vấn đề về lương thực mà còn từng bước cải thiện cuộc sống…
Nhờ dự án CAL-2 của FIDR chuyển giao rộng rãi gói kỹ thuật SRI nên năng suất lúa nước ở các địa phương miền núi Quảng Nam tăng cao. Ảnh: VĂN SỰ |
Ông Phan Nguyên Duy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nam Trà My cho biết, dự án CAL-2 triển khai tại địa phương từ tháng 12.2015, tính đến thời điểm này đã thực hiện thành công 5 vụ sản xuất ở 11 thôn của 4 xã Trà Mai, Trà Vân, Trà Don, Trà Nam với tổng cộng 458 hộ dân tham gia canh tác trên diện tích gần 27ha. Nhờ dự án chuyển giao rộng rãi gói kỹ thuật canh tác SRI theo phương pháp bắc mạ non cấy với mật độ thưa, bón phân hữu cơ vi sinh bằng cách dúi sâu, làm cỏ - sục bùn theo định kỳ, áp dụng hiệu quả phương thức tưới ướt - khô xen kẽ… nên toàn bộ diện tích lúa của mô hình phát triển tốt, cho năng suất cao.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết thực hiện dự án CAL-2 trong vụ đông xuân 2017 - 2018, ông Lương Minh Tâm - chuyên viên Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một số khâu cần thiết cho hơn 2.600 hộ nông dân trên địa bàn 6 huyện miền núi Hiệp Đức, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My để tổ chức sản xuất gần 270ha lúa nước theo phương thức canh tác SRI. “Theo số liệu thống kê, vụ đông xuân vừa qua năng suất lúa bình quân của các mô hình đạt khoảng 57 - 66 tạ/ha, tăng 18 - 20 tạ/ha so với những chân ruộng sản xuất theo phương thức truyền thống. Đặc biệt, tại 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My năng suất lúa của mô hình SRI tăng hơn 26 tạ/ha so với sản xuất đại trà” - ông Tâm cho hay.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, sản xuất lúa theo gói kỹ thuật SRI từ dự án CAL-2 của FIDR tài trợ không chỉ giúp nông dân các huyện miền núi của tỉnh nâng cao năng suất lúa mà còn tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng tốt. Bởi hầu hết ruộng lúa áp dụng mô hình canh tác cải tiến này đều sử dụng phân hữu cơ vi sinh và không phun thuốc bảo vệ thực vật. “Từ thành công của các mô hình đã triển khai, khi dự án CAL-2 kết thúc (dự kiến vào năm 2019), ngành sẽ chỉ đạo những đơn vị trực thuộc và chính quyền các địa phương tích cực phối hợp để tiếp tục nhân rộng nhằm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của người dân miền núi, giúp họ áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm gạo. Đây được xem là một trong những hướng mở trong công tác giảm nghèo ở những vùng khó khăn” - ông Muộn nói.
NGUYỄN SỰ