Hơn 40 năm tung hoành trên trường văn trận bút, Phan Khôi thể hiện rõ bản lĩnh của một nhà văn hóa, một nhà văn, nhà báo uyên thâm… với những đóng góp tích cực cho nền văn hóa dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Phan Khôi là điển hình tiêu biểu cho tính cách “Quảng Nam hay cãi”…
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người đã dày công tìm kiếm, tập hợp tư liệu, di cảo của Phan Khôi, cho rằng “sự thẳng thắn đến mức quả cảm trong đối diện và gọi tên sự thật, bảo vệ chính kiến, vì giá trị con người, vì sự phát triển tiến bộ của xã hội, của đất nước - có thể khiến bản thân và gia đình họ lâm vào long đong khốn khó, thân danh họ có thể bị tẩy xóa và bôi lấm nhất thời - nhưng rốt cuộc thì trước sau đó vẫn cứ là những đức tính cố hữu ở họ. Bởi, nếu không, họ đã chẳng đáng được gọi là trí thức” (Nắng được thì cứ nắng - Phan An Sa). Tính cách bộc trực của người Quảng, cộng thêm nguyên tắc sống và viết “phải tra xét cho phân minh, có chứng cứ rành rành rồi sẽ nói” khiến mỗi bài báo ông viết đều khúc chiết, dễ đọc. Ngay cả trong những cuộc tranh luận trên văn đàn giai đoạn 1930 - 1945, mà theo thống kê của nhà nghiên cứu văn học Thanh Lãng, có 10 vụ bút chiến văn chương nổi tiếng thì ông khởi xướng hoặc tham gia tranh luận đến 5 vụ, trong đó có những vụ nổi đình nổi đám như Nho giáo, Quốc học, Truyện Kiều, duy tâm - duy vật...
Nhà văn Phan Khôi cùng vợ và hai con trai, ảnh chụp năm 1956. |
Nhà giáo Phạm Phú Phong cho rằng, người ta hay nói đến phẩm chất Quảng Nam thể hiện ở tính khí con người Phan Khôi. “Nhưng quan trọng và lớn hơn, đó chính là những bước đi tiên phong trong nhiều thể loại văn chương. Ông không chỉ là người mở đầu cho phong trào Thơ mới với bài Tình già in kèm lời tự giới thiệu “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” mà còn là người tiên phong khai mở cho nhiều thể loại văn học khác” - ông Phạm Phú Phong chia sẻ. Nam âm thi thoại ông viết trên các báo Nam Phong tạp chí, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn từ năm 1918 - 1932 (sau sưu tập in thành Chương Dân thi thoại) thực chất là công trình lý luận, phê bình thơ chữ Nôm đầu tiên. Trên Phụ nữ tân văn (1928), trong chuyên mục Câu chuyện hằng ngày Phan Khôi đã khai sinh ra thể loại Nhàn đàm. Bên cạnh đó, còn phải kể đến tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra (1939), cùng với hàng loạt bài báo đấu tranh đòi giải phóng phụ nữ, dịch các tác phẩm như Kinh Thánh của Kitô giáo (1921), Chủ nghĩa Marx và ngôn ngữ của Staline (1951), Truyện ngắn Lỗ Tấn (1952)...
Ở lĩnh vực báo chí, Phan Khôi đã từng kinh qua chủ bút các báo Phụ nữ tân văn (1928), Phụ nữ thời đàm |
Những ngày gần cuối đời, Phan Khôi tái bản cuốn Tìm tòi trong tiếng Việt, với tên gọi mới là Việt ngữ nghiên cứu. Ở cuốn sách này, thay vì sửa chữa bổ sung qua mỗi bài viết, Phan Khôi vẫn để nguyên như lần xuất bản đầu tiên, và viết thêm về sau ở bên dưới mỗi bài về những suy nghĩ của mình. Theo Phan Khôi, làm như vậy là “để nghiệm thấy tư tưởng mình tiến hay thoái”. Phan Khôi rất tâm huyết vì sự phát triển của tiếng Việt và ông gửi gắm cho những người Việt phải hiểu, nói và viết tiếng Việt cho đúng. Suốt cả thời làm báo và hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, Phan Khôi quý trọng tiếng Việt, quyết tâm bảo vệ ngôn ngữ dân tộc và đóng góp cho sự phát triển của tiếng Việt ngày càng hoàn chỉnh hơn. Chính nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ - người đồng hương với cụ Phan Khôi, khi bình luận về công trình “Việt ngữ nghiên cứu”, đã nói rằng: “Công trình này cần được đưa vào tủ sách các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay, các sinh viên đại học khoa ngữ văn”… Quý trọng tiếng Việt, muốn gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, nên Phan Khôi là một người làm báo xuất sắc, luôn diễn tả mọi vấn đề ở phong cách bình dân nhất. Lối làm báo này còn nguyên tính thời sự cho đến hôm nay. Bản chất người xứ Quảng không cam chịu thủ phận, luôn muốn vươn lên, muốn rạch ròi phải trái đúng sai… tất cả đều thể hiện trong mỗi hoạt động góp sức cho sự phát triển của nền văn hóa từ Phan Khôi. Không chỉ thẳng thắn trong cách nhìn nhận vấn đề, lối “cà rỡn” của người dân Quảng thứ thiệt cũng vận vào những sáng tác của cụ, đặc biệt ở thể loại thơ trào phúng, khi một thời trên văn đàn, Phan Khôi (bút danh Tú Sơn) xướng họa cùng Tú Mỡ suốt nhiều kỳ báo.
Hàng trăm bài nghị luận, bút chiến của ông với một phong cách mạnh mẽ, đầy ấn tượng trong giai đoạn giao thời, đã tạo tiền đề tư tưởng cần thiết cho các cuộc cách tân hiện đại hóa của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, như xu hướng tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và phong trào “Thơ mới”, theo như lời GS. Nguyễn Đăng Mạnh. “Muốn duy tân cải cách thì phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước”, đề cao học thuật cũng như coi vốn văn hóa, bản sắc là nền tảng trong mọi sự phát triển, những đóng góp của Phan Khôi trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng dân tộc xứng đáng được nhìn nhận và tôn vinh, như khá nhiều “danh sĩ xứ Quảng” khác.
AN BÀNG