(QNO) - “Bác Hồ với văn nghệ, báo chí” là nội dung của buổi sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề do Chi bộ Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) vừa tổ chức cuối tuần qua.
Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề “Bác Hồ với văn nghệ, báo chí”. |
Để tổ chức được buổi sinh hoạt trên tinh thần thiết thực, hiệu quả, gắn với công việc cụ thể của từng đảng viên như lần này, ông Phan Chín - Bí thư Chi bộ cho biết, 6/6 đảng viên của chi bộ đã chuẩn bị trong gần 5 tháng: Từ tìm, đọc, nghiên cứu tài liệu đến viết bài tham luận, trao đổi nhóm rồi đọc bài của nhau để chuẩn bị ý kiến phản biện, thảo luận. Nhờ được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, một số vấn đề về tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn nghệ, báo chí nói riêng đã được mổ xẻ, phân tích và làm rõ thêm tại buổi sinh hoạt chuyên đề.
Chi bộ Hội VHNT là chi bộ ghép giữa 2 đơn vị Hội VHVN và Hội Nhà báo. Năm 2013, chi bộ được Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam công nhận là đơn vị điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; được tặng giấy khen về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2014... |
Tham dự buổi sinh hoạt, ông Phạm Sáu, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan của tỉnh đã khá bất ngờ: “Một chi bộ chỉ có 6 đảng viên, lại là chi bộ ghép (giữa Hội VHNT và Hội Nhà báo), hầu hết đều kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng tổ chức được buổi sinh hoạt chu đáo, chất lượng như thế này thì quả là xứng đáng để nêu điển hình trong toàn đảng bộ khối...”.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ Hội VHNT lần này, hầu hết các bài tham luận đều gắn với đặc trưng nghề nghiệp và vị trí công tác của từng người. Trong đó, nội dung được khai thác sâu nhất là vấn đề tư tưởng, tình cảm của Bác đối với sự nghiệp VHNT, báo chí và đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo cách mạng, mà nổi bật, xúc động hơn cả là sự gần gũi, tận tụy, trong sáng và tinh tế của Bác Hồ.
Chi bộ Hội VHNT tỉnh trao tặng Đảng ủy Khối các cơ quan bộ sách ““Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”. |
Đọc, nghiên cứu bộ sách 11 tập “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, bà Phan Quế Hà có bài tham luận hơn 2 trang A4, “khảo tả” lại và bình phẩm, gắn với liên hệ thực tế một cách sinh động, chân thực những tình cảm cao đẹp và đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân, với nước, và đặc biệt là với văn nghệ sĩ cách mạng. Cũng vậy, ông Huỳnh Trương Phát chia sẻ: “Tìm hiểu Bác qua những câu chuyện ghi lại của các nhà báo, nhà văn, tôi càng yêu quý vị lãnh tụ vĩ đại, nhân ái, bao dung. Học Bác, tôi áp dụng trong công việc chuyên môn của mình bằng cách luôn cầu thị lắng nghe góp ý của bạn bè, của độc giả đối với các tác phẩm báo chí của mình để ngày càng hoàn thiện”. Còn bà Nguyễn Thị Cẩm Hà thì cho rằng, nghiên cứu các tác phẩm viết về Bác để thấy được ở Người là sự kết hợp đẹp đẽ giữa cái cao cả và bình thường, giản dị mà thanh cao, vĩ đại mà gần gũi, đồng thời thấy được nhân cách vĩ đại của Bác cũng như sự kính trọng của các văn nghệ sĩ dành cho Bác.
Ra mắt Tủ sách Bác Hồ Dịp này, Chi bộ Hội VHNT cũng cho ra mắt “Tủ sách Bác Hồ”, gồm hơn 50 đầu sách, báo viết về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tủ sách do Hội VHNT hỗ trợ cơ sở vật chất và đảng viên trong chi bộ góp sách, trong đó phần lớn là mảng sách về sự nghiệp văn chương, báo chí của Bác cũng như những tư tưởng, tình cảm của Bác đối với sự nghiệp VHNT, báo chí và đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm báo cách mạng. Tủ sách nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, viên chức 2 cơ quan Hội Nhà báo và Hội VHNT tỉnh và đảng viên trong chi bộ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dịp này, Chi bộ Hội VHNT tỉnh tặng Đảng ủy khối các cơ quan của tỉnh bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”. |
Thông qua những mẩu chuyện, những hình ảnh, tư liệu về Bác, mỗi đảng viên ở Chi bộ Hội VHNT đều chỉ ra được những đặc trưng tiêu biểu về tư tưởng, tình cảm của Bác và những bài học đắt giá chung quanh việc ứng xử, tổ chức các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quản lý VHNT, báo chí nói chung... Ông Lê Quốc (Hội Nhà Báo) cho rằng, với những người làm báo, học Bác tức là học phong cách viết báo của Bác, học tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo cách mạng như lời Bác dạy: “Nhà báo cách mạng là người cách mạng nên phải có đạo đức”. Và “Mỗi khi viết báo phải đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Về phong cách viết báo, Bác thường nhắc nhở, tránh tình trạng lạc đề, lạc điệu, lạc giọng; phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; chớ phóng đại sự việc; viết phải ngắn gọn, dễ hiệu; đầu đề bài báo phải toát ra được điểm chính... Đồng quan điểm, ông Phan Chín chia sẻ: “Học tập quan điểm báo chí cách mạng của Bác không ngoài mục đích là nhằm xây dựng một nền báo chí cách mạng, vừa là tiếng nói của Đảng, vừa là tiếng nói của Nhà nước và nhân dân; để biết cách sử dụng báo chí như một công cụ cách mạng, góp phần đánh bại cái xấu, bảo vệ và cổ vũ cái tốt...”. Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Phượng cảm nhận, thật xúc động khi Bác là vị lãnh tụ vĩ đại nhưng luôn quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường của mỗi người. Trong cách viết, cách dùng từ, Bác luôn nhắc nhở nhà báo, văn nghệ sĩ phải viết sao cho dân dễ hiểu, dễ nghe và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Theo ông Phan Chín, buổi sinh hoạt chuyên đề “Bác Hồ với văn nghệ, báo chí” đã giúp các đảng viên trong chi bộ có cái nhìn cụ thể hơn về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo đặc trưng nghề nghiệp. Trong đó, vấn đề “làm theo” tuy chưa được các đảng viên đặt ra thật cụ thể, song vẫn mở ra hướng phấn đấu cho một quá trình “làm theo” lâu dài với những yêu cầu cao hơn. Còn ông Phạm Sáu thì đánh giá: “Tuy nội dung sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ Hội VHNT cơ bản “khuôn” theo đặc trưng nghề nghiệp nhưng với cách khai thác, tiếp cận phù hợp nên các vấn đề đặt ra vẫn sát đúng với nội dung học tập toàn khóa là “Suốt đời phấn đấu, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”.
CHÂU NỮ