Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà tổ chức đầu tháng 1.1963 tại làng Đào, huyện Thống Nhất (Hiên) cũ, Hồ Nghinh được bầu làm Bí thư. Nhưng từ Tiên Phước để vượt theo đường mòn đến Hiên là cả một chặng dài vất vả. Chỉ một “đoạn đường mòn” thôi nhưng hình dung được con người bình dị Hồ Nghinh.
|
Sau khi thực hiện hai chiến dịch “Vượt sông Tranh” và “Vượt sông Tiên” thì lực lượng Giải phóng trụ lại Sơn - Cẩm - Hà. Đến tháng 11.1962, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng do Phạm Tứ làm Bí thư tổ chức hội nghị cán bộ tại Nà Cau (đầu làng Gia, xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) thảo luận chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà.
Đồng chí Hồ Nghinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu |
Các đại biểu tỉnh Quảng Nam tiếp tục tiến hành đại hội, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh do Phạm Tứ (Mười Khôi) làm Bí thư, Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) và Đào Đắc Trinh (Sáu Bạc) làm Phó Bí thư. Họp chia hai tỉnh xong, Hồ Nghinh (Ba Phước) dẫn đoàn Quảng Đà ra cánh bắc. Mười Khôi theo đoàn ra dự Đại hội Đảng bộ Quảng Đà với tư cách là đại biểu của tỉnh bạn Quảng Nam. Đường trên ra làng Bền phải đi xuyên sâu trong núi, mất 10 ngày. Đi đường dưới, chỉ 4 ngày, nhưng không bảo đảm an toàn. Đang bàn tính chưa quyết định đi đường nào thì Hồ Nghinh liền gỡ bí:
- Anh nào đi đường trên thì đi. Mình đi đường dưới.
Cuối năm 1954, gia đình của Hồ Nghinh ở nhờ nhà ông Cự, làng Chu Đức. Khi địch đến tiếp quản thì đường dây nối Chu Đức, Xuân Yên, Đồng Dương bị đứt. Bấy giờ, bà vợ của Hồ Nghinh và các con Mỹ, Hoa, Lan đang ở Đồng Làng (Quế Sơn). Tỉnh đã có quyết định cho Hồ Thị Hoa và Hồ Thị Lan nhập vào đoàn thiếu niên của tỉnh ra miền Bắc, do đó Hồ Nghinh muốn ghé thăm vợ, thăm và chia tay các con.
Đoàn khởi hành từ Nà Lau lúc chạng vạng, đi 3 giờ sáng thì đến Suối Đá. Suối Đá đổ về sông Tranh, thường thì nước cạn ngang đầu gối. Trận lụt vừa qua, nước chảy làm lở hai bên bờ suối, đoạn đường từng lội qua giờ rộng như một con sông. Không nhớ rõ hôm đó trăng 15 hay 16, đã chếch về phía núi mà vẫn còn tròn, rất sáng. Dừng lại bên bờ suối, nhìn nước lai láng, Mười Khôi hỏi thật to: “Ai biết lội bơi?”. Thật ra, Mười Khôi chỉ lo cho Hồ Nghinh vì là người lớn tuổi nhất và trông cũng ốm yếu, dù đã có cần vụ Ngô Hạnh. Mười Khôi và Sáu Nam thì cao to, ông nào cũng biết bơi, còn nói trạng “bơi như rái”. Mọi người lấy tấm ni lông trải ra đất, cởi quần áo, gùi, dép, ai có súng ngắn thì bỏ vào tấm ni lông đùm lại làm cái phao bơi. Ba giờ sáng mà lội xuống nước thì lạnh cắt da. Phía bên kia Suối Đá có một hàng cây giăng cao như bức tường cây, ánh trăng xế dội bóng hàng cây xuống nước suối tạo thành một mảng đen, dài. Nhìn từ bờ bên này sang bên kia suối thấy có một khúc, nhưng lội xuống đi hoài không thấy bờ bên kia. Lội ra hết cái mép đen thì tá hỏa, mới đến giữa suối thì nước đã ngập tới miệng. Mười Khôi đeo cây Runin Canada lên cổ, một tay nắm đùm ni lông áo quần, rồi nói với Hồ Nghinh: “Bình tĩnh nghe anh!”. Hồ Nghinh nói nhỏ nghe có hơi run: “Bình tĩnh chớ sao!”. Bất ngờ nước ngập lút đầu. Sáu Nam kêu to: “Huớ… anh Mười ơi, uống nước!”. Nghe tiếng kêu, Mười Khôi rượt tới đỡ Sáu Nam lên. Gặp nước xoáy, phần lạnh cóng nên Mười Khôi cũng đà đuối sức, lại chủ quan bơi một tay, tay kia cầm bao ni lông không chặt nên Mười Khôi chệnh choạng. Nghe Mười Khôi la chí chóe, Đặng Ba đang cùng Ngô Hạnh kèm hai bên Hồ Nghinh đẩy lên bờ, liền rượt qua đợ Mười Khôi không để bị uống nước, đồng thời bảo vệ Tấn cũng tới kịp cùng dìu Mười Khôi vào bờ.
Hồ Nghinh đã ngồi trên bờ, run run nhìn hai “con rái” suýt bị nước Suối Đá nhấn chìm, cười hì hì. Mười Khôi ướt hết áo quần thấm lạnh, run cầm cập. Thấy Hồ Nghinh không biết bơi, lại lên bờ trước, ngồi cười ruồi, Mười Khôi chọc quê: “Nè, nhớ vợ con sao buồn thiu rứa?”. Vừa bận áo quần, Mười Khôi ngâm:
Những bận nào Trà Linh
qua Đá Dừng
Dùi Chiêng về Phường
Rạnh, ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng
em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống
rùng mình…
Nghĩ Mười Khôi nhắc lại những ngày gian khổ bên vợ con ở vùng đất này, Hồ Nghinh nói: “Tưởng ông chỉ giỏi hò khoan. Té ra còn thuộc cả thơ Bùi Giáng”.
Mọi người lên hết trên bờ, sau khi bận áo quần, đeo thắt lưng, Sáu Nam bẻ cho mỗi người một miếng quế Trà My bảo nhai cho ấm bụng. Ai có sữa thì lấy ra uống. Trong khi bỏ trà Mai Hạc (do cơ sở của Mười Chấp ở Tam Kỳ gửi lên cho) vào hai bình đông của Hồ Nghinh và Mười Khôi, bảo vệ Ngô Hạnh và Đặng Ba đều không quên bỏ thêm mỗi bình đông hai lát sâm Cao Ly của nước bạn Triều Tiên tặng Hà Nội. Ngồi bên hai người đồng chí, nghĩ đến đoạn đường sắp phải trải qua, Hồ Nghinh bỗng thốt lên:
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh.
Mười Khôi biết chút ít thơ chữ Hán từ ngày học thầy đồ ở Châu Bí, hiểu lơ mơ Hồ Nghinh “nho cốt cách” đang nghĩ gì. Còn Sáu Nam thì nghe như “vịt nghe sấm”, thật thà hỏi: “Rứa là răng?”. Hồ Nghinh giải thích sơ sơ: Ông Lý Bạch ở bên Tàu đã nói đại ý, sống đời như mộng lớn, làm chi cho mệt. Sợ Mười Khôi đánh giá có suy nghĩ “tiểu tư sản”, Hồ Nghinh nói thêm: Lý Bạch suốt đời uống rượu và làm thơ, là nhà thơ nổi tiếng thế giới…
Qua Suối Đá, đi hơn một tiếng đồng hồ thì đến Vũng Bầu, vừa dừng chân chưa kịp thả gùi xuống nghỉ giải lao thì Sáu Nam tuyên bố: Thôi, đi đến đây an toàn hết là mừng.Vô làng nghỉ, làm mỳ Quảng ăn cái đã. Chiều đoàn ra Tý- Sé, Đồng Làng, bà con lại đãi mỳ Quảng… Đoàn ở lại Đồng Làng một ngày một đêm, Hồ Nghinh tranh thủ thăm vợ con, dặn dò hai cô gái Hoa và Lan trước khi lên đường ra miền Bắc. Hôm đoàn lên đường, nhìn cảnh vợ con Hồ Nghinh ra tiễn, Mười Khôi đứng rưng rưng, có lẽ ông bỗng nhớ đến vợ trẻ, con còn thơ đang ở dưới làng Châu Bái (Bí) bốn bề địch tình. Hồ Nghinh lặng lẽ bước đi theo sau Mười Khôi, sợ phải ứa nước mắt nên không một lần ngoái đầu nhìn lại vợ và các con…
Mệt nhất khi leo lên một cái dốc ở xã Đại Sơn đường lên C10. Cái dốc này đi xuống mất chừng 10 phút, leo lên phải mất 20 phút. Hôm ấy trời mưa nên bò cả tay cả chân, lơ mơ là tụt xuống liền. Hồ Nghinh, năm ấy đã 49 tuổi, chỉ lớn hơn Mười Khôi và Sáu Nam 4-5 tuổi song trông gầy và yếu. Hồ Nghinh vừa tay chống gậy vừa leo, lúc mệt lả gặp một cây to ngã qua đường liền dựa vào ngủ thiếp. Thấy vậy, anh em dừng lại nghỉ với chủ ý “để ổng ngủ một chặp”. Anh em, kể cả Mười Khôi, ai cũng mang gùi áo quần, gạo, muối, số anh em văn phòng còn đèo theo cả nồi, xoong, mắm, muối lỉnh kỉnh. Riêng Hồ Nghinh vắt sau lưng cái gùi nhỏ đựng bộ áo quần và xấp tài liệu mỏng, quyển sổ ghi chép, vai đeo thêm cái bình đông nước chè, vậy mà lúc leo lên dốc ông bỏ rơi cái bình đông lúc nào không hay! Đoàn ra đến trạm Thêm, dừng lại nghỉ bắt vắt rúc trong quần, kiếm nước uống... mới hay mất cái bình đông. Hồ Nghinh nói thôi bỏ, nhưng Ngô Hạnh làm thinh chạy ngược xuống dốc tìm. Ngô Hạnh thương và quý Hồ Nghinh như cha như chú, hơn nữa đi đường núi rừng mà không có cái bình đông nước thì gay go. Đường rừng, có thể trong tay không có cây súng, nhưng không thể thiếu đôi dép cao su, hộp quẹt lửa, bình đông. Cuối cùng Ngô Hạnh cũng phát hiện cái bình đông rớt ngay chỗ Hồ Nghinh lội qua đám lầy bị ngã lăn…
Đoàn dừng bên bờ khe Nước Chè đánh cá nấu cháo ăn, rồi đi tiếp, mờ sáng hôm sau thì đến Khe Rúc, theo Eo Gió lên Khe Rằn, leo Dốc ông Thủ, lên Hiên. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà vào đầu tháng 1.1963, tại làng Đào, huyện Thống Nhất (Hiên). Đại hội ra mắt Ban Chấp hành 15 người, bầu Hồ Nghinh làm Bí thư. Khoảng 3 tháng sau, Phạm Tứ về Khu ủy khu 5, Vũ Trọng Hoàng làm Bí thư Quảng Nam...
HỒ DUY LỆ