Một đời vì nước vì dân

NGUYỄN TAM MỸ 15/04/2013 07:56

Cụ Huỳnh Thúc Kháng người làng Thạnh Bình (nay là xã Tiên Cảnh), huyện Tiên Phước. Sinh ra và lớn lên trong thời buổi đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân ta sống trong cảnh lầm than, cụ Huỳnh nuôi chí lớn. Năm Giáp Thìn - 1904, sau khi đỗ tiến sĩ Hán học, cụ Huỳnh cùng hai người bạn đồng chí hướng là Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp giương cao ngọn cờ Duy tân: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Để cổ súy cho phong trào, ba người thực hiện chuyến Nam du. Khi tới Bình Định, gặp lúc các quan đầu tỉnh nơi đây mở kỳ khảo hạch, ba người giả sĩ tử vào trường thi, Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh” còn ông và Trần Quý Cáp làm bài phú “Lương ngọc danh sơn” cả ba đều ký tên Đào Mộng Giác. Bài thơ, bài phú chỉ trích những sĩ phu mê văn bát cổ mà không nghĩ đến nỗi nhục mất nước, muôn dân nô lệ lầm than, gây chấn động giới trí thức khắp trong Nam ngoài Bắc. Rất lo ngại trước phong trào Duy tân, nhân sự kiện “kháng sưu cự thuế” diễn ra ở Trung kỳ năm 1908, chính quyền thực dân Pháp bắt cả ba người. Trần Quý Cáp bị xử chém ngang lưng tại Khánh Hòa. Còn Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng bị đày ra đảo Côn Lôn.

  • Ra mắt sách Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng
  • Hội thảo khoa học "Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng": Ôn cố, tri tân
  • Gặp gỡ Huỳnh Thúc Kháng - Đào Duy Anh
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân do cụ làm chủ biên.Ảnh: NGUYỄN TAM MỸ
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân do cụ làm chủ biên.Ảnh: NGUYỄN TAM MỸ

Hơn 13 năm sống trong cảnh giam cầm, cụ Huỳnh vẫn không nao núng tinh thần. Cụ tự học tiếng Pháp bằng một cuốn Tự điển Pháp - Việt để mưu việc lớn. Năm 1921, cụ Huỳnh được trả tự do. Năm 1926, cụ Huỳnh muốn thông qua con đường nghị viện để đấu tranh nên ứng cử Viện dân biểu Trung kỳ và được bầu làm Viện trưởng. Tuy nhiên, sau phiên họp đầu tiên cụ nhận ra con đường nghị viện sẽ chẳng bao giờ thực hiện điều hằng mong ước. Cụ quyết định chuyển sang làm báo. Đây là bước ngoặt lớn thứ nhất trong đời hoạt động chính trị - xã hội của cụ. Báo Tiếng Dân - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ do cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút chính thức ra mắt bạn đọc ngày 10.8.1927. Gần 16 năm tồn tại, Báo Tiếng Dân là cơ quan ngôn luận duy nhất ở Trung kỳ phản ánh tiếng nói của dân, bênh vực quyền lợi cho dân, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của người sáng lập: “Không làm đúng như tên Tiếng Dân, thà chết, quyết không để cho cái gì lay chuyển hay lôi kéo đi đường khác”. Vì thế, Báo Tiếng Dân đã tập hợp được những nhà trí thức của hai trường phái Tân học và Nho học. Đặc biệt, nhiều người cộng sản sau này nổi danh cả nước cũng đã tích cực cộng tác với Báo Tiếng Dân như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều...

“Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ biết phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” (Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)

Hiểu rõ “tầm ảnh hưởng” và “sức lan tỏa” của tờ báo do cụ Huỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, ngày 28.4.1943, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Báo Tiếng Dân. Lúc bấy giờ, tình hình chính trị - xã hội nước ta cũng đã có những biến động. Cuộc tổng khởi nghĩa đã làm nên Cách mạng Tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Trong cuộc sơ ngộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thành nói với cụ Huỳnh: “Cụ đã hy sinh nhiều, xin cụ hy sinh thêm”. Cảm phục tấm lòng yêu nước thương dân của cụ Hồ, cụ Huỳnh đã nhận lời. Và đây là bước ngoặt lớn thứ hai trong đời hoạt động chính trị - xã hội của cụ Huỳnh. Dù tuổi đã cao nhưng cụ Huỳnh vẫn đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, cụ Huỳnh được giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thời điểm này, đất nước ta đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi bọn Việt gian do Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh cầm đầu đã câu kết với quân Tàu Tưởng nhằm lật đổ chế độ cộng hòa non trẻ. Để làm điều đó, bọn chúng đã gây ra vụ bạo loạn ở phố Ôn Như Hầu. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cụ Huỳnh đã trấn áp bọn phản loạn, thu phục nhân tâm, nâng cao uy tín của “Chính phủ Cụ Hồ”.

Có nhiều đánh giá của các nhà sử học về “sự kiện phố Ôn Như Hầu”, tuy nhiên tất cả đều có chung nhận định: Nếu không có sự “mạnh tay”, “cứng rắn” của cụ Huỳnh, khó ai có thể đoán định được tương lai của đất nước ta sẽ như thế nào! Và đó cũng là sự ghi nhận công lao to lớn của cụ Huỳnh. Năm 1947, cụ Huỳnh đi kinh lý các tỉnh miền Trung và mất tại Quảng Ngãi vào ngày 21.4 do tuổi cao bệnh trọng. Trước lúc lâm chung, cụ Huỳnh đã đánh điện gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi bệnh nặng, chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện; thế là tôi chết hả”. Cụ Huỳnh mất là một tổn thất to lớn đối với Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Trong thông báo quốc tang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ biết phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một đời vì nước vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO