Là người mẹ, người vợ, nhưng cũng là chiến sĩ, trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, họ đành gửi con lại cho người thân, lên đường ra trận.
1. Nhà báo Trần Lệ Thu, sinh năm 1940 ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 14 tuổi, Lệ Thu theo cha tập kết ra Bắc, học trường học sinh miền Nam. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Phó Trưởng phòng Biên tập chương trình phát thanh “Người phụ nữ mới”. Năm 1973, Lệ Thu được cử đi B làm Phó Trưởng đoàn phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng thường trú tại Trung Trung Bộ và chị đã đến Quảng Nam.
Trong “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” của nhà báo Lệ Thu, chị đã gửi gắm trong lời cuối trang sách “được ghi lại trung thực một phần rất nhỏ về đời sống gian truân, cơ cực nhưng dũng cảm phi thường của đồng bào và chiến sĩ ta trên mảnh đất miền Trung - Cuốn nhật ký này tôi đã cất giữ 40 năm nay, nghĩ nó chỉ là những kỷ niệm buồn vui của riêng mình.
Nhưng giờ đây, bỗng nhiên tôi muốn nó được đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian, không bị ai lãng quên, không bị ai làm hoen ố!”.
Ngày 10.8.1973, mở đầu trang nhật ký chị ghi: “Một đêm nữa rồi xa con, chẳng biết bao giờ mới gặp lại. Con ngủ ngoan thanh thản bình yên quá, có biết tí gì đâu”. Vì yêu cầu của tổ chức, cả hai vợ chồng đều phải có mặt ở chiến trường, để lại đứa con trai cho người thân, “mẹ đi đã ngút dặm trường, chẳng ai tránh được con đường tử sinh”.
Nhận lệnh “đi B” vì cách mạng đang cần thành lập ngay một đài phát thanh giải phóng ở Khu 5, nhưng khi vào đến nơi, vì điều kiện khó khăn nên đài phát thanh không thành lập được, đoàn cán bộ của Lệ Thu trở thành bộ phận “phóng viên thường trú”, có nhiệm vụ phản ánh tình hình thực tế, viết bài gửi ra Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng.
Nhưng chính đó là cơ hội để chị có dịp đi, chứng kiến với những người sống, chiến đấu để giành độc lập, thống nhất đất nước. Bằng cái nhìn và trái tim của một nữ nhà báo, bằng sự chia sẻ cảm thông, lòng trân trọng, thái độ trung thực đến tận cùng gắn với phẩm chất của một nhà báo, đã giúp chị bản lĩnh hơn khi đối mặt những điều không hề dễ chấp nhận được.
Ở căn cứ, chị đã cảm nhận và khao khát được đi “thực tế” xuống các địa phương, bởi: “Ở dưới đó mới có cuộc sống sôi động, mới có không khí chiến đấu, chứ cứ ở mãi trên rừng núi này thì có thể giảm được phần nào nguy cơ cái chết thể xác, nhưng sẽ chết dần về tâm hồn và tiêu tan cả mục đích cao đẹp ban đầu của mọi người”.
Chị đến Quảng Nam vào ngày 15.8.1973, lúc ấy, Khu ủy 5 từ rừng núi Trà My chuyển về địa điểm mới, đóng ở Phước Trà, bên dòng sông Trà Nô. Chị vào chiến trường trong lúc cuộc chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt và cam go, cái đói, cái khát, bệnh tật và cái chết đến bất cứ lúc nào, bất kỳ nguyên nhân nào.
Mọi thứ đều bỡ ngỡ đối với chị, tình quân dân, tình đồng chí, đã giúp cho chị quên đi những khó khăn và nỗi nhớ con… “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” gây xúc động cho người đọc ở những trang viết về tình mẫu tử, là đảng viên, chấp hành mệnh lệnh, đi vào nơi gian khổ làm nhiệm vụ, không biết có ngày về hay không. Nhưng trên tất cả, chị là một người mẹ vì “Với những người mẹ thì chẳng có cái gì trên đời quan trọng hơn con”.
Trong một lần gặp nhà thơ Thanh Quế, chị đọc cho ông nghe bài thơ “Viết cho con” của mình: “…Nỗi đau lớn xuyên rất nhiều thế hệ?/ Không muốn lớn lên con phải làm nô lệ/ Nên bây giờ mẹ phải ra đi/ Khi lịch sử sang trang con vẫn nhìn thấy mẹ/ Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ/ Trong vinh quang con không phải cúi đầu…”.
2. Nhà báo Lệ Thu gặp nhà thơ Bùi Minh Quốc, lúc ấy vợ anh Quốc - nhà văn Dương Thị Xuân Quý mới hy sinh. Hình ảnh ấy chị liên tưởng đến gia đình chị, hai vợ chồng cũng đều ở chiến trường, cũng gửi con nhỏ ở lại cho người thân… Chấp nhận xa con, xa đứa con duy nhất để vào chiến trường, nơi đi mà không biết có ngày về.
Có hàng nghìn lý do để Dương Thị Xuân Quý ở lại với con, nhưng tháng 4.1968 chị lên đường đi B, gửi lại con gái đầu lòng Bùi Dương Hương Ly mới 16 tháng tuổi cho mẹ già nuôi dưỡng. “Ly của mẹ! Mẹ báo một tin để con mừng nữa là ngày hôm nay mẹ bắt đầu làm người cán bộ của Tiểu ban văn nghệ Ban Tuyên huấn khu 5, chính thức làm người lính của lực lượng Văn nghệ giải phóng...”.
Dương Thị Xuân Quý vào chiến trường như người lính thực thụ, gùi gạo, chống những đợt càn quét của địch, vượt biết bao hiểm nguy, chống chọi với những cơn sốt rét rừng và ghi lại những năm tháng ác liệt nhất, hào hùng nhất của nhân dân Quảng - Đà.
Người phụ nữ Hà Nội chưa đầy tuổi 30 không chỉ đã vượt qua thử thách của người lính vào chiến trường mà còn phải vượt cái thử thách lớn nhất đặt ra cho người mẹ là phải xa con - đứa con chỉ mới 16 tháng tuổi. Qua những trang nhật ký của Dương Thị Xuân Quý, ta hiểu thế nào là nỗi đau của người mẹ, của tình mẫu tử, đó là nỗi nhớ con da diết...
“Muốn làm việc gấp bội lên để xứng đáng với sự hy sinh của con. Ly ơi, mẹ hứa, mẹ hứa sẽ bù đắp cho con bằng sự làm việc của mẹ”. “... Ly ơi, Ly truyền cho mẹ một sức mạnh ghê gớm. Sáng nay đi giữa rừng Lào, mẹ đã thầm hứa với con: Từ nay phải bắt đầu những trang viết đi. Phải có thật nhanh những sáng tác từ chuyến đi kỳ diệu này. Ly ơi, mẹ thầm hứa với Ly rằng mẹ sẽ vượt qua tất cả, sự vất vả, nỗi gian khổ, và những khó khăn... mẹ sẽ hết sức tranh thủ để có thể viết được ngay con nhé”.
“Thế là mẹ vào chiến trường tròn một tháng. Mẹ đã trải qua những gian khổ cơ bản. Gùi, cõng, di chuyển, đào hầm, đói, thiếu rau, B52, sốt rét... Ôi, cái thứ sốt mới đáng sợ làm sao. Nó chỉ rét nhôn nhốt nhưng nhức đầu và đau xương kinh khủng lắm con ơi. Ghê gớm nhất là nỗi nhớ, mẹ nhớ Ly, nhớ ông bà và các bác, nhớ 195, nhớ Hà Nội và bạn bè của mẹ”.
Ở con người của chị, nội tâm giằng xé, một bên là trách nhiệm đối với đất nước, một bên là nghĩa vụ của một người mẹ. Yêu đất nước nên phải xa con vào Nam chiến đấu, nhưng khi được vào Nam, thì nỗi nhớ con của người mẹ trẻ làm nên sức mạnh vô biên để nhanh chiến thắng kẻ thù, mau được về với con. Đó là sự cắt chia, đó mới thật là một nỗi đau, một sự hy sinh cao cả - cho cả hai mẹ con.
Bao nhiêu gian nan nguy hiểm, nữ nhà văn - nhà báo - chiến sĩ này đều vượt qua, chỉ nỗi nhớ con là nặng trĩu hằng đêm. Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết những câu này tặng vợ: “Anh hiểu lắm em ơi/ Một người mẹ lên đường ra trận/ Vượt đỉnh Trường Sơn/ Còn dễ hơn/ Vượt qua nỗi nhớ con thăm thẳm”.
3. Năm 1966, Phan Thị Phi Phi (sau này là giáo sư y học, tiến sĩ khoa học và là nhà hoạt động xã hội về chất độc da cam) cùng một số thầy cô của Trường Đại học Y Hà Nội được cử đi B với nhiệm vụ xây dựng Trường Y Khu 5. Ngày đó, chiến trường Quảng - Đà đang khốc liệt, Mỹ ào ạt đổ quân đánh phá nên các cơ quan từ huyện, tỉnh đến Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, trong đó có các trạm xá, bệnh viện… phải liên tục chạy tránh.
Lúc bấy giờ, xây dựng một ngôi trường trong thời chiến mà nhất là trường đào tạo thầy thuốc để phục vụ chiến trường, chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhân dân ở vùng căn cứ không hề đơn giản; bởi làm thế nào để vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy nhưng cũng sẵn sàng tránh giặc càn luôn là nhiệm vụ song hành.
Khi Phan Thị Phi Phi vào Nam, đứa con trai vừa tròn 2 tuổi, khó khăn và gian khổ bao nhiêu cũng không thể sánh bằng nỗi nhớ con, nhớ gia đình. Nhưng rồi chị nghĩ tới bao người, trong đó có nhà văn Dương Thị Xuân Quý vào chiến trường, con gái cũng mới 16 tháng tuổi. Nhớ con, chị tập trung vào sứ mệnh “sống, chiến đấu và chăm sóc sức khỏe thật tốt cho cán bộ, nhân dân”.
Chân dung của nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý, nhà báo chiến trường Lệ Thu, hay bác sĩ Phan Thị Phi Phi..., đại diện cho biết bao người mẹ vì nhiệm vụ phải để lại con thơ, từ giã gia đình để gánh trên vai trách nhiệm người chiến sĩ cách mạng. Đối mặt từng phút, từng giây với bom đạn, sống và cống hiến ở những nơi giao tranh quyết liệt nhất. Đây đúng là cuộc hành trình thử thách lòng tin, bản lĩnh của những con người, nhất là người Mẹ - Người chiến sĩ.