(QNO) - The Guardian dẫn báo cáo từ Ngân hàng Trung ương Hà Lan và MIT cho biết việc khai thác và giao dịch Bitcoin đang tạo ra một lượng rác thải điện tử khổng lồ.
Mặc dù lượng khí thải carbon của Bitcoin đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng mọi người thường ít chú ý đến lượng rác thải mà loại tiền điện tử phổ biến nhất thế giới này gián tiếp gây ra trong lĩnh vực sản xuất phần cứng máy tính.
Các chip máy tính ASIC chuyên dụng được bán với mục đích duy nhất đó là chạy một thuật toán bảo vệ mạng Bitcoin, quá trình này còn được gọi là “khai thác Bitcoin”. Chỉ những con chip mới nhất mới đủ tiết kiệm năng lượng để cho phép việc khai thác có thể mang lại lợi nhuận khi mà thuật toán ngày một khó hơn, vì vậy những người muốn khai thác Bitcoin hiệu quả phải liên tục thay thế chip bằng những mẫu mới mạnh mẽ hơn.
Thực trạng ngày càng tăng của chất thải điện tử từ Bitcoin (Bitcoin’s grow e-Waste problem) được các nhà khoa học Alex de Vries và Christian Stol - tác giả báo cáo, đặt ra để nghiên cứu và xuất bản kết quả trên tạp chí Resources, conservation and recycling.
“Chúng tôi ước tính rằng toàn bộ mạng Bitcoin hiện đi qua 30,7 triệu kilogam thiết bị mỗi năm. Con số này có thể so sánh với lượng chất thải từ các thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông nhỏ được sản xuất bởi Hà Lan trong một năm” - hai tác giả giải thích.
Trong năm 2020, mạng Bitcoin đã xử lý 112,5 triệu giao dịch (so với 539 tỷ giao dịch được xử lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán truyền thống vào năm 2019). Theo các nhà nghiên cứu, điều này có nghĩa là mỗi giao dịch chứa ít nhất 272 gam rác điện tử. Khối lượng này tương đương như lượng rác từ hai chiếc iPhone 12 mini.
Không giống như hầu hết phần cứng máy tính, chip ASIC không có nhiệm vụ nào khác ngoài khai thác Bitcoin. Nếu không thể được sử dụng để khai thác hiệu quả về chi phí, những con chip này hoàn toàn trở nên vô dụng. Việc lưu trữ phần cứng khai thác cũng sẽ tốn kém tiền bạc và thiết bị càng để lâu thì khả năng sinh lời càng ít.
Các tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng về mặt lý thuyết, các thiết bị này sẽ có ích trở lại nếu giá Bitcoin tăng mạnh và doanh thu khai thác tăng lên. Tuy nhiên, tuổi thọ của các thiết bị khai thác thường không được lâu dài.
Tuổi thọ của các thiết bị khai thác Bitcoin bị giới hạn chỉ khoảng 16 tháng. Điều này lý giải nguyên nhân hàng nghìn máy đào Bitcoin cỡ lớn ở Trung Quốc phải xếp xó khi thị trường tiền điện tử thoái trào.
Các tác giả cũng cảnh báo rằng vấn đề rác thải điện tử có khả năng phát triển hơn nữa nếu giá Bitcoin tiếp tục tăng, vì điều này sẽ khuyến khích giới khai thác đầu tư mạnh tay hơn nữa và sẵn sàng thay thế chip ASIC. Báo cáo kết luận, nếu muốn giảm thiểu vấn đề rác thải điện tử, con người sẽ phải thay thế quy trình khai thác Bitcoin bằng một giải pháp thay thế bền vững khác.