(QNO) - Có một chợ tự phát nằm ở vùng ven TP.Hồ Chí Minh, dường như dành cho người Quảng xa quê, bởi phần lớn hàng hóa xuất xứ từ Quảng Nam hoặc gắn bó với người Quảng. Tôi có cảm giác quê nhà ở chỗ góc chợ ấy...
Vĩnh Lộc B là xã vùng ven của huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh, người tứ xứ về đây lập nghiệp rất nhiều, đặc biệt là người trẻ. Lý do là bởi, so với các quận trung tâm thì giá cả đất đai, nhà cửa ở đây vẫn dễ mua hơn.
Có một chợ tự phát nằm trên địa phận ấp 2 và 3, mà người Quảng Nam, Quảng Ngãi gặp nhau... đụng đầu. Có lẽ nắm bắt tâm lý người xa xứ, nên vợ chồng chị Xuân, quê miền Trung, mở một sạp hàng tuy khiêm tốn về diện tích, nhưng bày bán đủ các loại rau củ quả, cá thịt, gia vị của người Quảng... Mỗi khi ghé vào, tôi chỉ muốn khuân hết các thứ về nhà.
Tận dụng không gian bán hàng, chị Xuân đóng 3 tầng kệ, trưng các mặt hàng khô như hành, tỏi, củ nén, củ gừng, trứng gà, trứng vịt, mắm nêm, bánh tráng Đại Lộc... Tất cả mặt hàng đều xuất xứ từ Quảng Nam.
Đầu tháng Chạp vừa rồi, vợ chồng chị Xuân đóng thêm 1 tầng nữa, có chỗ cho dưa món, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh tổ, chả heo, chả bò phục vụ Tết. Như cái chợ thu nhỏ, toàn hàng tuyển. Rau vượt hàng nghìn cây số nhưng vẫn xanh mướt.
Tôi nghiện thức ăn quê, tới củ sả cũng ghé hàng chị Xuân mới chịu. Rau thơm các loại, lá nhỏ nhưng cho mùi đặc biệt. Nếu trộn thịt gà, phải ghé chị Xuân mua rau răm, bởi rau ngoài mình mới thơm mùi ký ức. Muốn cuốn bánh tráng thịt heo, thì phải bánh tráng Đại Lộc dẻo thơm, đậm đà. Điều mà mọi người Quảng công nhận là, thưởng thức bánh tráng Đại Lộc đã quen, dùng các loại khác chỉ là tạm bợ. Đến món xu xoa chị Xuân cũng bán. Thỉnh thoảng chị xẻ trái mít quê, thơm lừng một khoảnh chợ.
Thầm khen cách bài trí gian hàng của vợ chồng chị Xuân. Chị bán đủ các loại và bày biện rất khéo. Ví như, chỗ này bày rổ ớt xanh, chỗ kia bày mớ rau má, dưa leo, giá đỗ, các loại rau gia vị, chỗ nọ bày thau dưa gang muối, hay những lọn rau muống, mùng tơi. Bày chỗ nào là “chết” chỗ đó, mọi sản phẩm cố định một chỗ, người mua quen không phải tốn công tìm kiếm.
Cá, thịt chị để riêng một bên, luôn có lớp đá lạnh bảo quản. Tới cá diếc, sạp chị cũng có, đủ biết chị Xuân biết cách “mồi chài” khách, hiểu tâm lý người xa quê “tỷ năm” mới thấy con cá diếc. Ruốc, tép, hến hầu như có mỗi ngày.
Chỉ là sạp hàng khiêm tốn giữa chợ, chị Xuân đã hồn nhiên móc hầu bao bao người. Móc, không phải là “chặt chém”, mà là khách mua tự nguyện... dâng hiến hầu bao. Nói cho công bằng, người Quảng Nam sẵn sàng chịu chi khi biết rõ thức ăn có nguồn gốc quê mình. Những ngày xuân thắm tươi này, cảm ơn chị Xuân đã làm cầu nối cho người Quảng xa quê ở xã Vĩnh Lộc B - những người mắc kẹt vì đại dịch Covid-19, vẫn có một mùa xuân ấm áp.
Nhà ai cũng đủ đầy thịt heo bánh tráng, dưa hành củ kiệu, bánh thuẫn, bánh tổ..., những món ăn vốn mặc định trong tâm trí bao người, và không thể thiếu trong những ngày xuân.
Hiểu tâm lý người xứ mình, chị Xuân dường như thâu tóm mọi khách hàng người Quảng ở Vĩnh Lộc B. Cảm giác khi mua hàng của chị Xuân, là như được trở về quê nhà. Người này chỉ dẫn người kia, bà con các ấp khác trong xã cũng đổ về góc quê giữa chợ tự phát này, thành thử gian hàng chị lúc nào cũng nhộn nhịp.
Từ nhà tôi ra đến sạp hàng chị Xuân khoảng mươi phút đi bộ. Tôi coi đó là diễm phúc lớn. Ở Sài Gòn mà cứ như đang ở quê mình, hầu như món gì cũng có. Hạnh phúc quá còn gì!