Một hình ảnh minh hoạ có giá trị về Champa

VÕ HÀ 18/09/2021 16:50

(QNO) - Trong tập sách “Hình ảnh lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp: Tài liệu lịch sử về cuộc can thiệp của Pháp tại Đông Dương - Iconographie historique de L’indochina franeçaise: Documents sur l’histoire de l’intervention franeçaise en Indochina (do Cục Lưu trữ và Thư viện Đông Dương phát hành, được sưu tầm, biên soạn bởi Paul Boudet[1] và André Masson[2] được Nhà xuất bản G.Van Oest, Paris phát hành năm 1932), đã sưu tầm những tấm bản đồ cổ, bản khắc, tranh ảnh dân gian, bút tích, với mục đích “cùng nhau làm sống lại quá khứ của nước Pháp tại Á Châu”. Khi chúng ta bỏ qua yếu tố tuyên truyền của chính quyền Pháp về vị trí, vai trò của Pháp ở Đông Dương, thì đây là tập sách có giá trị tham khảo về lịch sử Việt Nam nói chung, vùng đất xứ Quảng nói riêng.

Bìa tập sách Hình ảnh lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp: Tài liệu lịch sử về cuộc can thiệp của Pháp tại Đông Dương.
Bìa tập sách Hình ảnh lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp: Tài liệu lịch sử về cuộc can thiệp của Pháp tại Đông Dương.

Tập sách có 129 hình, 60 tranh, trong đó riêng vùng đất xứ Quảng có 16 hình, chiếm tỷ lệ 12,5% tổng số hình. Nếu so sánh với các nơi khác được đề cập thì đây là một số lượng có tỷ lệ lớn so với toàn khu vực Đông Dương mà nhóm tác giả đã tuyển chọn. Đặc biệt, hình ảnh minh hoạ số 1 - ảnh mở đầu tập sách chính là ảnh minh họa thu nhỏ mô tả về vương quốc Champa của Odoric de Pordenone vào cuối thế kỷ XIV[3]. Thông tin giới thiệu hình ảnh như sau:

“Các tác giả cho biết tấm tranh khắc là tài liệu hình hoạ cổ xưa nhất - hoặc ít ra nhằm mục đích giới thiệu - một cảnh quan xứ Đông Dương là một bức tiểu họa được Odoric de Pordenone đặt ngay đầu phần mô tả về Champa (phía nam An Nam), trong bản thảo tuyệt vời của Thư viện Quốc gia, được biết đến với cái tên Sách Kỳ quan (Livré des Merveilles).

Bản thảo này, được sao chép vào cuối thế kỷ XIV cho Công tước xứ Bourgogne - Philippe le Hardi, bao gồm các ký sự du hành ở phương Đông biên soạn năm 1351 bởi thầy tu dòng Benedict Jean Le Long d'Ypres, đặc biệt có cả ghi chép của Marco Polo người thành Venice (không có ảnh tiểu họa cho phần văn bản đề cập đến Đông Dương) và của thầy tu dòng Francis Odoric de Pordenone, cả hai đều đã dừng chân trên các bờ biển Đông Dương trong hành trình đến Trung Quốc.

Ảnh minh họa thu nhỏ mô tả về vương quốc Champa của Odoric de Pordenone, cuối thế kỷ XIV.
Ảnh minh họa thu nhỏ mô tả về vương quốc Champa của Odoric de Pordenone, cuối thế kỷ XIV.

Sứ mệnh của Odoric gắn liền với hoạt động truyền bá Cơ đốc giáo ở châu Á trong thế kỷ XIII và XIV, kể từ khi Giáo hoàng Innocent IV mở ra cộng đồng Lyon vào năm 1245. Một hội truyền giáo do Jean de Monte-Corvino thành lập ở Trung Quốc. Odoric rời quê hương đến đó năm 1318. Ông đã đi qua Ba Tư, Ấn Độ, Sumatra, Java [Indonesia], bờ biển An Nam và đến Quảng Châu. Hành trình khi trở về của ông qua Tây Tạng và Armenia.

Phần đầu của tranh, ta đọc được dòng chữ: “Sách của sư huynh Audric”, và ở dưới bức tiểu họa: “Vương quốc Campe. Gần hòn đảo Natem là một vương quốc rất xinh đẹp, sống động và trù phú có tên Campe. Nhà vua trị vì đất nước này có rất nhiều con cái, con trai, con gái, bởi vì ông có nhiều vợ và thê thiếp. Nhà vua có mười bốn ngàn voi được dân trong các thành phố trông giữ và nuôi dưỡng. Ở đất nước này, có những kỳ quan vĩ đại...”.

Phần còn lại của văn bản, ở trang tiếp theo (không được sao chép ở đây), đưa ra lời giải thích về cảnh trí trên bức tiểu họa: “Ở đất nước này, có những kỳ quan vĩ đại, bởi vì tất cả loài cá sống ở biển đều có ở xứ này và chẳng thấy được cái gì khác tại vùng biển này ngoài cá. Mỗi loại cá bơi qua đây đều lưu lại vùng bờ biền ba ngày liền rồi chúng mới bơi đi. Rồi một đợt khác lại tới và làm y hệt cho đến khi mọi loài cùng tụ họp một lượt hoặc trong chỉ một năm. Và khi ta hỏi chúng đến từ đâu và sao lại ngoi lên, họ nói rằng những con cá này đến để tỏ lòng tôn kính với vị vua của đất nước này”[4].

Qua hình ảnh minh hoạ và lời giới thiệu của tác giả đã gợi mở cho chúng ta nhiều thông tin thú vị về lịch sử và văn hoá Champa vì cho đến hiện nay tư liệu về Champa, nhất là tư liệu về hình ảnh, sinh hoạt, trang phục… dường như là thiếu vắng hoàn toàn, nhất là vào thế kỷ XV về trước. Ở đây xin nêu ra hai ví dụ như: Một là, thông tin giới thiệu hình ảnh đã khẳng định Champa có rất nhiều voi chiến, một thế mạnh quân sự của họ, và cũng đi vào biểu tượng nghệ thuật trong điêu khắc; đồng thời, việc đánh bắt cá là một hoạt động kinh tế tiêu biểu của Champa, với địa hình trong ảnh minh hoạ đặc trưng giữ núi và biển. Hai là, hình ảnh minh hoạ thể hiện rõ trang phục của vua chúa, tầng lớp quý tộc Champa lúc bấy giờ, nếu đi sâu nghiên cứu sẽ có thêm nhiều điều thú vị.

----------------------------

[1] Chuyên viên lưu trữ cổ tự học, Giám đốc cơ quan lưu trữ và thư viện Đông Dương.

[2] Chuyên viên lưu trữ cổ tự học, Quản đốc cơ quan lưu trữ và thư viện Đông Dương.

[3] Thư viện Quốc gia. Hồ sơ 2810 (tác giả chú). Odoric của Pordenone (1286-1331), còn được gọi là Odorico Mattiussi/Mattiuzzi, Odoricus của Friuli hoặc là Thử thách của Pordenone, là một người Ý cuối thời trung cổ Phan sinh người bảo vệ và nhà thám hiểm truyền giáo.

[4] Xem H. Cordier: Những cuộc du hành châu Á vào thế kỷ 14 của vị Chân phước sư huynh Odoric de Pordedone, dòng Saint-François, Paris, Leroux, 1891, trong sách Hình ảnh lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp: Tài liệu lịch sử về cuộc can thiệp của Pháp tại Đông Dương, đã dẫn, tr. 11-12.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một hình ảnh minh hoạ có giá trị về Champa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO