Bữa nọ về Tây Nguyên. Tôi ngang qua vùng đất đầy nắng gió và mang đi những giọng người không rõ dung nhan…
Khi tôi nhìn sâu vào những đôi mắt Ja Rai trong đêm, hắt qua vùng sáng của đốm lửa được đốt cho cuộc vui, không thấy được gì. Họ đi vòng tròn bên ngoài. Mười ba người, hai mươi sáu con ngươi buông cái nhìn bất động, không cảm xúc, phẳng lặng.
Tôi tự nghĩ rằng, dưới đáy mắt đó, là băng, không là lửa. Và không bao giờ ai trong đám người du lịch ngang qua Gia Lai như chúng tôi chạm vào được. Tôi cố lại gần nghiêng đầu nhìn và cười với họ; hai trong số họ, gật đầu và mím môi cười nhẹ.
Tiếng cồng chiêng, tiếng trống con vui nhộn theo điệu nhún nhảy. Bạn tôi nói rằng, đó không phải là âm thanh của núi rừng. Tiếng cồng chiêng ở buôn làng là khác, rất khác. Là âm u u ong ong trầm hùng sẽ ghì riết lấy bất kỳ ai, giữ họ không rời khỏi vùng đất đó. Ám lấy toàn bộ.
Chỗ khu trưng bày, dàn chiêng lớn nhỏ được người đàn ông gõ hòa nhịp. Tiếng chiêng không ma lực, nó khiến tôi nghĩ đến những DJ hoặc người chỉnh âm trong lễ hội âm nhạc của giới trẻ hơn.
Suốt chặng đường đi dọc Tây Nguyên, là thưa thớt rừng già. Những vạt rừng mênh mông toàn màu đỏ của đất, của cỏ cháy, cây bụi. Những dãy núi xa tít tắp phơi lên sự trống rỗng. Thì, tôi biết tìm tiếng cồng chiêng ở đâu?
Họ đã bỏ qua những cấm kỵ và luật tục với cồng chiêng, khi nhập cuộc vui này chăng? Hay họ chấp nhận hòa nhập, nói theo kiểu bây giờ, là để chiêng được ngân vang, để không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được bảo tồn và phát huy theo các góc độ khác nhau. Để kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được đi ra với thế giới.
Theo thói quen, tôi định hỏi tên người đàn ông nhảy hăng nhất cuộc hội nhưng rồi khựng lại. Cứ xong vòng nhảy múa, họ lui vào bên dưới phía nhà sàn ngồi uống rượu. Ca đựng rượu bằng nhựa. Cái ly nhỏ múc rượu vào cứ thế chuyền tay nhau. Họ có nhớ những cần rượu được vít cong ở làng?
Phía trên vẫn cuộc vui ồn ào của du khách. Chỗ họ ngồi không có điện, ánh sáng quệt lại từ các gian trên không đủ cho tôi nhìn rõ mặt, để biết được họ vui hay buồn. Nhưng tôi thì buồn thê thiết. Như rất nhiều tượng gỗ đặt đầy trong khuôn viên quán, những khuôn mặt đàn bà đàn ông đã xỉn màu rêu, xám lạnh.
Biết tìm đâu ra quyền uy tiếng chiêng tôi từng đọc trong sử thi, trong những trang văn đầy mộng mị của nhà văn Nguyên Ngọc hay âm ma quái trong truyện ngắn của cụ Nguyễn Văn Xuân? Trong bè trầm tôi ráng nghe bè bổng để hình dung đâu là không gian săn bắn, không gian lễ hội, không gian rẫy rừng trong nhịp điệu chiêng ngân hôm ấy. Không nghe ra được.
Bạn tôi trên Tây Nguyên nói rằng, ở đất bazan này, đời người dài theo tiếng chiêng. Có lẽ vậy nên những nổi nênh phận người theo chiêng trong cuộc hội này, tôi không thể biết được. Họ là đội cồng chiêng phục vụ du lịch kia mà.
Cuộc hòa tấu hôm ấy, cồng chiêng đơn thuần chỉ là nhạc cụ vui chơi. Chứ không phải là tiếng nói của thần linh, của mối giao cảm giữa con người ở rừng với thần linh. Những Đam San, Xinh Nhã trong sử thi Tây Nguyên có buồn không, những vị thần linh có buồn không. Tôi không biết.
Trong hỗn độn của cái gọi là giao lưu văn hóa, phát triển du lịch bằng văn hóa bản địa, thì những người tiếp nhận như chúng tôi, hời hợt mà cũng cố bảo nhau, rằng “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Ước gì tôi có thể khẳng định được, du lịch kiểu này là gìn giữ hay là đánh mất?
Tôi từng ám ảnh bởi tiếng chiêng này trong sử thi Đam San: “Hãy đánh những tiếng chiêng có âm thanh hay nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất, đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà, vòng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mà nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ…” .
Bây giờ, nếu muốn sống trong không gian văn hóa cồng chiêng thực thụ ấy, phải tự mình vào rừng sâu chăng? Suốt chặng đường đi dọc Tây Nguyên, là thưa thớt rừng già. Những vạt rừng mênh mông toàn màu đỏ của đất, của cỏ cháy, cây bụi. Những dãy núi xa tít tắp phơi lên sự trống rỗng. Thi thoảng là rừng cao su. “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành lùi vào dĩ vãng. Rừng thông của Tây Nguyên chỉ còn thưa thớt. Thì, tôi biết tìm tiếng cồng chiêng ở đâu?
Đống lửa giữa vòng người nhảy múa hăng say vẫn cháy. Những thào tro bay lên, tung tứ phía khi có luồng gió ào qua. Những người đàn ông Ja Rai chân mang dép lào, dép nhựa cũ mèm. Họ không đóng khố. Họ mặc quần đùi, những cái quần cũng cũ mèm thòi ra bên ngoài khi chiếc áo thổ cẩm họ khoác trên mình động đậy theo nhịp múa. Họ phục vụ những bài hát về Tây Nguyên. Giai điệu dồn dập, hào hùng.
Chợt nhớ những cuộc hội tương tự của đồng bào Cơ Tu, Xê Đăng, Ca Dong ở các huyện miền núi Quảng Nam quê tôi. Có du khách nào ngang qua cũng mang tâm trạng như tôi bây giờ?