(Xuân Canh Tý) - Khi khảo sát về các làng Chàm còn lại trên đất Quảng Nam ai cũng nghĩ là tìm đến các làng có các họ Ông, Ma, Trà, Chế, thế nào cũng sẽ tìm được dấu vết. Thế nhưng khi tìm đến các làng này chúng tôi lại nhận một kết luận khác, rất bất ngờ, không như hình dung ban đầu.
Họ Trà làng Đồng Dương
Ở Quảng Nam, quanh di tích Phật viện Đồng Dương, ở làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình có họ Trà. Những tưởng ở nơi vốn là kinh đô, có thành quách lâu đài thuộc loại đẹp nhất còn lại đến đầu thế kỷ 20 của Chiêm Thành xưa, lại có họ Trà sinh sống từ bao đời nay, hẳn chúng ta sẽ tìm thấy một ví dụ sinh động về sự tồn tại của những làng Chăm nguyên gốc còn lại mà không bị Việt hóa. Thế nhưng không. Ông Trà Tấn Y, một lão làng của họ Trà làng Đồng Dương cho biết, theo gia phả thì tiền hiền của tộc Trà là ông Hai Lánh.
Truyền thuyết kể, ngày xưa, giữa hai nước Chiêm - Việt nổ ra chiến tranh. Vua Việt tiến đánh quân Chiêm đến tận Đồng Dương. Quân Chiêm thua chạy lên núi, nhiều người bị bắt. Đặc biệt, trong đám hàng binh, vua Việt phát hiện có một nàng công chúa xinh đẹp. Ngài bèn bắt về để làm vợ cho một vị hoàng tử. Nhưng ngài hoàn toàn không biết nàng công chúa này đã có thai. Ra Bắc, được nuôi dưỡng giữa kinh thành Thăng Long, học đủ chữ thánh hiền của Khổng Nho và sau theo Lê Thánh Tông “bình Chiêm”, đứa con lưu lạc là ông Hai Lánh tìm đường về lại Đồng Dương. Ở Đồng Dương ông lấy vợ và sinh ra hai người con đặt tên là Trà Huyền An và Trà Huyền Chơn, tên tục gọi là ông Chóng và ông Đụn. Hai ông trở thành thủy tổ dòng họ Trà ở Đồng Dương.
Mặc dầu họ Trà là họ lớn ở Đồng Dương nhưng trong bài văn cúng ở đình làng thì hai ông vẫn đứng sau những người Kinh có công lập làng khác: “Châu Văn Túy, Trịnh Khắc Thiệt, Trà tộc, ông Chóng, ông Đụn, Trà Huyền An, Trà Huyền Chơn, các chư tộc phái...”. Trong đó, Châu Văn Túy và Trịnh Khắc Thiệt là hai người đứng đầu đơn lập làng. Càng đặc biệt hơn khi hai ông tiền hiền làng là Châu Văn Túy và Trịnh Khắc Thiệt đều không có con cháu nối nghiệp nhưng đến nay vẫn được dân làng ghi nhớ. Phải chăng đây là hiện tượng vào một lúc nào đó người Việt đứng ra cai trị làng này và dưới chính sách tôn vinh văn hóa Khổng Nho của vua Minh Mạng thì những người Việt đã trở thành “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh. Tiền tổ, hậu tổ” mà bỏ qua sự cư trú lâu đời của người Chàm bản địa ở đây?
Quả thật, có rất nhiều thông tin hay và có thể hiểu được nhiều điều từ những lời kể này của những người tộc Trà làng Đồng Dương.
Họ Ông làng Phong Lệ
Một hiện tượng tương tự khác, tổ tiên là người từ Bắc vào chứ dứt khoát không thể là người bản địa, mà chúng tôi ghi nhận được là họ Ông ở Phong Lệ (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), dòng họ của ông Ông Ích Khiêm nổi tiếng. Họ Ông ở Phong Lệ gia phả ghi rõ thủy tổ họ Ông vốn là người Chàm nhưng đã ra Bắc và sống với người Việt từ thời Lý, bị vua Lý Thái Tông năm 1044, hoặc Lý Thánh Tông năm 1069 bắt làm tù binh rồi hơn 300 năm sau con cháu mới vào Nam theo Lê Thánh Tông “bình Chiêm” năm 1471 như các họ Việt khác, rồi cũng ở lại lập nên họ Ông làng Phong Lệ!
Quả thật thời Lý có nhiều người Chàm họ Ung (âm gọi khác của Ông) tìm ra Bắc quy phục như năm 1129 có Ung Ma, Ung Câu sang quy hàng, hoặc năm 1152 vì tranh nhau ngôi báu, anh vợ vua Chiêm là Ung Minh Ta Điệp sang Đại Việt xin Lý Anh Tông phù trợ. Họ Ông làng Phong Lệ hoàn toàn có lý do để bảo tổ tiên, tiền hiền của mình là từ Bắc vô Nam và theo “Lê Thánh Tông bình Chiêm” năm 1471 rồi ở lại khai hoang lập làng như bao nhiêu tộc họ khác ở Quảng Nam đều ghi vậy.
Thế nhưng, không như nhiều tộc họ khác không có đủ số đời để chứng minh mình đúng là vào Nam thời Lê Thánh Tông nhưng vẫn “vơ quàng” sự kiện “bình Chiêm” này vào gia phả, họ Ông làng Phong Lệ vốn có sự hỗ trợ từ gia phả tộc Phan làng Đà Sơn đã ghi rõ họ Ông đã thực sự ở làng Phong Lệ này ngay từ cuối thời nhà Trần, tức trước “Lê Thánh Tông bình Chiêm” đến gần 100 năm.
Rõ ràng, họ Ông đã cư trú ổn định ở đây suốt từ “thời khai thiên lập địa” đến nay là hợp lý, hợp logic khoa học hơn là như họ tự nhận từ Bắc vào Nam thời Lê Thánh Tông và để cũng ghi vào gia phả những dòng sáo mòn “khẩn hoang, khai canh, chiêu dân lập ấp”.
Ký ức bị từ chối
Vấn đề là tại sao họ Trà ở Thăng Bình cũng như họ Ông ở Cẩm Lệ lại từ bỏ sự lâu đời của mình để chỉ nhận là tiền hiền bắt đầu từ 1471? Tại sao theo “Lê Thánh Tông bình Chiêm” lại là một chuẩn mực, và nó danh giá đến đâu mà nhiều tộc họ, có những tộc họ mới 10-12 đời cũng ghi gia phả như vậy, lại “vơ vào” đến vậy?
Thực sự chúng ta vẫn chưa hiểu tại sao việc từ chối nguồn cội lại diễn ra một cách mạnh mẽ và quyết liệt đến như vậy? Trước sau gì chúng ta cũng sẽ tìm thấy câu trả lời cho vấn đề này, thế nhưng liệu câu trả lời đó cần cho ai thì lại là vấn đề của hôm nay và thuộc về từng người chứ không thuộc về các nhà khoa học!