Ga An Mỹ (thôn An Mỹ, xã Tam An, huyện Phú Ninh) có 2 đường tránh tàu cắt ngang tỉnh lộ 615 - trục đường huyết mạch đi về hướng tây bắc của tỉnh. Phía trên và phía dưới đường có nhiều nhà máy, xí nghiệp, trường học với hàng nghìn công nhân, học sinh các cấp qua lại, nhất là vào đầu và cuối giờ mỗi ngày. Cho nên mỗi khi có tàu dừng tránh cản trở lưu thông thì hàng trăm xe máy đổ về đường dân sinh cách ga An Mỹ khoảng 400m để băng qua đường tàu, rất nguy hiểm.
Chen nhau theo đường dân sinh băng qua đường tàu dù biết có tàu đang tới. Ảnh: THANH NGHỊ |
Tắc đường, đi đường tắt
Từ đầu năm đến nay, trong các dịp về thăm quê, tác giả đã chứng kiến không dưới 5 lần tắc đường ở giao lộ này khi có tàu chờ tránh. Và có lẽ đã trở thành thói quen, cứ kẹt tàu là tôi thấy mọi người chạy xe máy vào đường dân sinh cách ngã tư khoảng 400m để qua đường. Và lần chờ tránh tàu này, vào khoảng gần 7 giờ sáng, tôi quyết định tìm hiểu và ghi nhận. Khi các loại ô tô, xe máy nối đuôi nhau chờ tàu, thì cũng có nhiều người đi xe máy, xe đạp lách sang đường dân sinh. Chạy thêm khoảng 400m có một đường dân sinh băng qua đường tàu. Đường xấu và khá dốc. Ai cũng biết rằng có tàu chờ ở đường tránh đồng nghĩa với có một tàu khác đang tới, nhưng chưa biết lúc nào tới. Và vì ai cũng biết điều đó nên khá nôn nóng khi băng qua đường tàu. Người sau kêu la hối thúc người trước, người trước vừa cho xe lên đường tàu vừa run vì chẳng biết tàu lao đến lúc nào, lỡ không xuống kịp thì...
Khổ nhất là đàn bà con gái yếu tay lái nên việc phóng xe lên đường rất khó khăn, cần phải có đàn ông trợ giúp. Nguy hiểm nữa là khi vừa qua đường tàu sẽ rẽ trái - phải ngay nên nhiều trường hợp không làm chủ tay lái lao luôn xuống lề đường lật nhào, có khi xuống hố sâu.
Nhiều người nôn nóng hơn, khiêng xe máy qua đường tàu. Ảnh: THANH NGHỊ |
Khiêng xe qua đường tàu
Trưởng Công an xã Tam An - Phạm Văn Luận cùng các anh trong tổ tự quản an ninh trật tự vô cùng vất vả khi vừa giữ gìn trật tự vừa buộc phải hỗ trợ người dân nhanh chóng qua đường. Bởi không cho qua đoạn này thì họ vượt qua ở đoạn khác vì ai cũng sợ trễ giờ đi làm, đi học; mà họ đã đưa xe lên đường tàu, nếu lôi xuống lại càng nguy hiểm nên đành phải giúp qua cho nhanh. “Nghe tin kẹt tàu là tôi lập tức huy động lực lượng ra đường dân sinh này giải quyết sự cố, không để người dân ùn ùn qua đường tàu nguy hiểm. Nhưng còn rất nhiều người luôn tìm mọi cách vượt qua đường tàu. Nỗi khổ này không biết bao giờ mới chấm dứt” - anh Luận nói.
Hình ảnh minh chứng cho lời anh Luận nói là cách đó chừng 100m có nhiều người nôn nóng hơn không chạy theo đường dân sinh để băng qua đường tàu mà giúp nhau khiêng xe qua, dù biết như thế càng nguy hiểm hơn. “Qua đường kiểu này mà tàu tới là bị “lùa” như chơi” - một bác nông dân trên đường ra đồng thốt lên. “Khi nào bị tàu lùa đã hay, trễ giờ làm phải qua thôi” - một chị nói sau khi xe máy của mình được khiêng qua khỏi đường tàu. Bà Phạm Thị Sở - nhà bên đường cho hay: “Cứ mỗi lần kẹt tàu là mọi người đổ về đây, chen nhau qua đường rất nguy hiểm. Cao điểm từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ mỗi ngày. Nhiều công nhân vì sợ trễ giờ làm nhưng cũng lo mất an toàn nên phải gửi xe máy, đi bộ qua rồi xin xe quá giang cho kịp. Cũng vì qua đường ẩu mà nhiều người lộn nhào xe máy, trầy trụa chân tay”.
Kiến nghị khẩn thiết!
“Kẹt tàu là chuyện thường ngày mấy mươi năm nay. Khổ nhất là xe cứu thương lên bị kẹt tàu không thể đi cứu người được. Tính mạng con người sống chết tính từng giờ mà xe không qua được thì khốn khổ vô cùng. Đám cưới bị trễ giờ lành cũng đành chịu. Xe cứu hỏa là ưu tiên số 1 nhưng cũng phải đứng lại ở đây, nên lỡ xảy ra việc gì vào giờ kẹt tàu thì thảm họa thật khôn lường” - ông Bùi Viết Nhỉ, nhà ở gần ngã tư chia sẻ. Ông Huỳnh Cựu nhà ở kế bên tiếp lời: “Chuyện kẹt tàu người dân bức xúc dữ lắm nhưng cũng chỉ biết than trời trách đất, chẳng biết kêu ai. Nghe nói làm đường tránh qua đồng Rộc Trà nhưng có thấy tăm hơi gì đâu”. Bí thư Đảng ủy xã Tam An - Nguyễn Ngọc Tịnh cho biết: “Chuyện này xã, huyện kiến nghị nhiều rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì. Năm 2014 xã một lần nữa có công văn kiến nghị, huyện trả lời là đã kiến nghị lên cấp trên, còn bao giờ có chủ trương thì phải… chờ. Không biết đến khi nào ngành đường sắt và Bộ Giao thông vận tải mới giải quyết chuyện đường tàu chắn ngang con đường huyết mạch lưu lượng giao thông đông đúc này”.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam bao nhiêu năm qua đã xảy rất nhiều vụ tai nạn chết người ở đường dân sinh, do người dân bất chấp nguy hiểm tính mạng, còn ngành đường sắt thì chưa có biện pháp ngăn chặn. Ngành đường sắt cần sớm có giải pháp hữu hiệu về đường tránh tàu tại ga An Mỹ là kiến nghị khẩn thiết của người dân nơi đây.
THANH NGHỊ