Một miếng khi đói

HOÀNG MY 04/04/2020 09:12

Hôm qua trên mạng xã hội, tôi tình cờ nhìn thấy cô chủ nhiệm của con mình đang rao bán mấy thứ nông sản lặt vặt. Bưởi da xanh, chuối chín... của nhà trồng được dưới quê, lành sạch, giá rẻ, lại bao phí giao hàng tận nơi. Lời lẽ có chút e dè ngại ngần. Lại có một cô giáo cũ nhận nạp thẻ cào của các nhà mạng, chiết khấu cao hơn thị trường tí. Là “dân” trong ngành viễn thông, tôi tự hỏi, cô sẽ nhận được bao nhiêu hoa hồng cho các khoản tiền điện thoại kia? Mà rủi ro bị quỵt vốn hay nợ lại cũng cao lắm, chứ chẳng đùa!

Xong rồi lại tự nhủ, có còn hơn không. Nhất là trong mùa dịch này. Ngành giáo dục đã tạm nghỉ từ trước tết tới giờ rồi, thu nhập nếu có chắc chỉ đủ đong gạo. Mà các cô thì vẫn phải sống, vẫn phải đi chợ, mua sữa cho con… Khoảng thời gian này, ai nấy đều siết chặt chi tiêu, những món hơi xa xỉ chút, hoặc chưa cần thiết đều giảm lại.

Thế nhưng, khi đăng lời kêu gọi “giải cứu” hoa quả, thẻ cào cho các cô giáo lên nhóm cha mẹ học sinh của lớp, chả mấy chốc đã thấy thông báo hết hàng. Mừng và xúc động vô cùng. Các ông bố bà mẹ hẳn cũng lao đao vì mùa dịch, nhưng đều sẵn lòng chung tay phụ đỡ cô của con mình…

Ba tôi thời gian trước vẫn luôn tự chạy xe đi lễ nhà thờ. Gần đây bỗng thấy ba tôi làm biếng, hay nhờ ông Bảy trong xóm chở dùm. Tôi có chút ngạc nhiên nhưng không hỏi.

Sau, khi Nhà nước khuyến cáo người già không nên ra đường, rồi thì tạm ngưng các hoạt động tôn giáo, ông mới thôi. Nghe ba tôi than một câu rằng, vậy là chẳng biết giúp ông Bảy cách nào nữa. Ba còn có lương hưu, chứ ông Bảy thì lấy gì mà sống, khi trẻ con nghỉ học từ tết tới giờ. Bình thường ông Bảy vốn đã tằn tiện qua ngày bằng cách đưa đón mấy đứa nhóc đi học, nay thì…

Hóa ra là vậy. Người già tưởng đâu lẩm cẩm mà nhiều khi cũng tinh ý quá. Hôm qua, mẹ tôi gọi bảo qua nhà lấy gạo về mà ăn. Mẹ mua cho mỗi đứa con hai chục ký đấy. Ai biết mai này thế nào, cứ cất trong bếp cho yên tâm.

Tôi có chút buồn cười, nhưng cũng hiểu, đó là tâm lý lo xa chung của người già. Mẹ tôi vui vẻ kể, mấy hôm nay cô Hoa hàng xóm toàn đi chợ dùm mẹ thôi đấy. Cô ấy bảo, mẹ ăn chẳng là bao, đừng di chuyển ra ngoài làm gì, không nên. Cần gì để cô ấy mua luôn cho. Vẫn còn nhiều người tốt bụng quá con à…

Tôi mang tâm trạng biết ơn ấy cùng hai bao gạo về tới ngõ, thì gặp bạn chung lớp của con trai mình. Thằng bé vừa đeo khẩu trang vừa tưng trái bóng nhựa trong con hẻm nhỏ vắng người. Hỏi con ăn cơm tối chưa, ba mẹ đi làm về chưa, thì nó bảo, mẹ con thất nghiệp rồi mà. Nghỉ từ đầu tuần tới giờ. Ba con cũng không có hàng.

Tôi chợt nhớ ra, mẹ thằng bé là thu ngân ở một tiệm cà phê, ba nó chuyên thu gom sắt thép phế liệu về gia công lại. Thời điểm này, quả thật cái gì cũng khó, muốn bày biện làm chi cũng dở. Chẳng ai thuê mướn nhân công. Nhiều người không kiếm được việc làm.

Tôi không về thẳng nhà mình mà ghé lại trước cửa nhà thằng bé, dỡ xuống một trong hai bao gạo mẹ mới cho. Bảo nó kéo vô bếp cất đi ăn dần. Thằng bé vụng về nói “Cảm ơn bác”, xong hí hửng ngó bao gạo mười ký nằm ngoan dưới chân.

Lên mạng, thấy chị đồng nghiệp kể chuyện đi chợ cuối tuần. Chị vốn không hay ăn vặt, nhưng vẫn ủng hộ bà cụ bán khoai mì trộn dừa một gói lớn, với hy vọng bà nhanh được về nhà.

Mùa này đứng đây buôn bán, dù có đeo khẩu trang thì cũng không mấy an toàn. Nhiều bà nội trợ cũng xúm vào mua giúp. Lại thấy bà cụ không lấy tiền khoai của bác vé số. Chị ấy nhận xét, giữa lúc khó khăn mà tình người vẫn ấm áp quá, thật khiến cho người ta không cảm thấy bị bỏ rơi, đơn độc.

Ở cơ quan của chị, còn có người đứng ra quyên góp để nấu cơm, mua chút quà phát cho người vô gia cư. Có người không góp tiền mà hùn vô ít bánh trái nhà làm. Sức mình có hạn, thì cứ tùy tâm mà ủng hộ, thiệt tình…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một miếng khi đói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO