Một năm khó khăn của ngành nông nghiệp

NHÃ PHƯƠNG 23/11/2022 07:25

Hôm qua 22/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp - nông thôn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, trước mắt là vụ sản xuất đông xuân 2022 - 2023 sắp tới.

Đợt mưa lớn kèm theo gió mạnh kéo dài xảy ra từ ngày 30/3 - 3/4/2022 khiến nhiều diện tích cây trồng cạn chủ lực bị ngập úng, hư thối nghiêm trọng. Ảnh: N.P
Đợt mưa lớn kèm theo gió mạnh kéo dài xảy ra từ ngày 30/3 - 3/4/2022 khiến nhiều diện tích cây trồng cạn chủ lực bị ngập úng, hư thối nghiêm trọng. Ảnh: N.P

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, năm nay nông nghiệp Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, giá vật tư, phân bón, thức ăn, nhiêu liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng lớn đến khả năng đầu tư và lợi nhuận của người sản xuất.

Thời tiết diễn biến quá bất thường khiến hàng loạt diện tích lúa và các loại cây trồng cạn chủ lực bị hư hại nghiêm trọng hoặc năng suất tụt giảm mạnh. Nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục bùng phát, gây thiệt hại không nhỏ đối với đàn gia súc, gia cầm...

Sản lượng cây trồng tụt giảm

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, tính chung cả năm 2022 toàn tỉnh gieo trồng 145.000ha cây hàng năm. Riêng cây lúa, trong 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, nông dân gieo cấy 83.200ha, tăng 576ha so với năm 2021.

Năm nay cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch tốt, đa số địa phương đều tuân theo cơ cấu giống của tỉnh ban hành. Diện tích sản xuất các loại giống lúa trung - ngắn ngày tăng hơn so với giống lúa dài ngày, tại các địa phương đồng bằng và trung du, giống lúa trung - ngắn ngày được cơ cấu nâng cao dần (chiếm khoảng 82 - 87% trong tổng diện tích canh tác). Những giống lúa trung - ngắn ngày được sản xuất với diện tích lớn là KD18, HT1, PC6, Thiên ưu 8, BC15, Hà Phát 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp - nông thôn năm 2022, vào hôm qua 22/11. Ảnh: N.P
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp - nông thôn năm 2022, vào hôm qua 22/11. Ảnh: N.P

Theo ngành nông nghiệp, trong 2 vụ sản xuất của năm nay, nổi lên một số đối tượng dịch hại như ốc bươu vàng, rầy nâu, chuột, bệnh lem lép - thối hạt... trên cây lúa.

Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát đồng ruộng và kịp thời hướng dẫn nhà nông triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ nên các loại sâu bệnh không lây lan, gây hại diện rộng.

Nhờ bố trí sản xuất cùng loại giống, cùng thời vụ trên cùng cánh đồng đã giúp nông dân dễ dàng trong quá trình đầu tư thâm canh và thu hoạch lúa nhanh gọn bằng máy gặt đập liên hợp.

Mặc dù ngành liên quan, chính quyền các cấp, nhất là nông dân đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều khâu nhưng năm 2022 năng suất lúa bình quân của Quảng Nam chỉ đạt 52,54 tạ/ha, giảm 3,4 tạ/ha so với năm trước.

Tổng sản lượng lúa cả năm chỉ đạt 437.200 tấn, giảm 25.100 tấn so với năm 2021. Nguyên nhân chính khiến năng suất và sản lượng lúa tụt giảm mạnh là thời tiết diễn biến quá cực đoan.

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, đợt mưa to diện rộng trái mùa từ ngày 30/3 - 3/4/2022 khiến hàng loạt diện tích lúa đang trổ đòng - ngậm sữa bị ngã đổ, ngập úng, hư hại nghiêm trọng.

Ở vụ Hè Thu 2022, khi nhiều cánh đồng lúa đang trổ đòng rộ thì từ ngày 7 - 9/8 xuất hiện đợt mưa to diện rộng làm ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ phấn và dẫn đến tình trạng lúa bị lem lép - thối hạt khá nhiều.

Thời tiết quá bất lợi cũng làm năng suất và sản lượng một số loại cây trồng cạn chủ lực tụt giảm. Ông Trương Xuân Tý cho biết, năm nay sản lượng bắp chỉ đạt 54.600 tấn, giảm 1.800 tấn so với năm 2021 và sản lượng đậu phụng đạt 23.500 tấn, giảm 1.300 tấn. Thời gian qua bệnh khảm lá bùng phát và gây hại trên diện rộng khiến sản lượng sắn chỉ đạt 156.500 tấn, giảm 4.300 tấn so với năm ngoái...

Dịch bệnh tiếp tục gây hại đàn vật nuôi

Lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét về hình thức tổ chức sản xuất. Mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và công nghệ cao ngày càng được mở rộng.

Đến nay, tổng đàn trâu là 59.250 con (tăng 850 con so với năm 2021), đàn bò ước đạt 175.200 con (tăng 2.000 con), đàn heo khoảng 337.000 con (tăng 10.141 con) và đàn gia cầm 8,95 triệu con (tăng 190.000 con). Trong đó có 17,7% trong tổng đàn gia súc, gia cầm được chăn nuôi theo hình thức trang trại.

Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục khiến 2.582 con heo bị nhiễm bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 128 tấn hơi. Ảnh: N.P
Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục khiến 2.582 con heo bị nhiễm bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 128 tấn hơi. Ảnh: N.P

Dù thời gian qua ngành chuyên môn, chính quyền các cấp và người chăn nuôi triển khai nhiều biện pháp nhưng các loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn gây hại dai dẳng đàn gia súc, gia cầm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 99 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 85 xã, phường, thị trấn của 15/18 huyện, thị xã, thành phố (trừ Hội An, Nam Trà My, Tây Giang) khiến 2.582 con heo bị nhiễm bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 128 tấn hơi. Dịch tả lợn châu Phi chủ yếu gây hại tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô 3 - 4 con heo, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.

Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện khiến 841 con bò và 2 con trâu của 710 hộ dân bị mắc bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc 148 con, chủ yếu là bê con chưa được tiêm phòng vắc xin. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 ổ dịch cúm gia cầm với 16.824 con (2.180 con gà, 12.441 con vịt, 2.200 con ngan, 3 con ngỗng) bị mắc bệnh và phải tiêu hủy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngành liên quan và chính quyền các cấp phải tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Đồng thời phải xác định rõ những loại cây trồng, con vật nuôi chủ lực ở từng vùng, địa phương để từ đó có hướng đầu tư phát triển phù hợp với lợi thế, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Bửu đề nghị ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương tích cực phối hợp rà soát, đánh giá việc xây dựng và hiệu quả hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, sớm có giải pháp khắc phục những khó khăn, tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Ngoài ra, cần tập trung thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; chú trọng đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; quan tâm hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Tập trung sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng theo ước tính, năm 2022 tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 15.118 tỷ đồng, tăng 2,47% so với năm 2021. Theo mục tiêu đặt ra, năm 2023 tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm trên toàn tỉnh là 145.000ha, trong đó diện tích cây lương thực có hạt (lúa và bắp) khoảng 95.000ha. Phấn đấu năm 2023 tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 505.000 tấn...

Theo kế hoạch, Đông Xuân 2022 - 2023, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ sản xuất 41.500ha lúa, 6.500ha bắp, 9.000ha đậu phụng, 10.300ha rau đậu các loại. Thời gian xuống giống số diện tích lúa vừa nêu bắt đầu từ ngày 30/12/2022 và kết thúc vào ngày 10/1/2023.

Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống, bố trí lúa trổ từ ngày 20/3 đến 5/4/2023 (trong đó trổ tập trung từ ngày 25/3 đến 31/3/2023) và thu hoạch xong trước ngày 5/5/2023. Vụ đông xuân sắp tới, chủ yếu cơ cấu những loại giống lúa trung và ngắn ngày. Trong đó, nhóm giống lúa chủ lực (chiếm 60% diện tích) gồm Bắc Thịnh, HT1, Thiên ưu 8, TBR225, Hà Phát 3, ĐT100.

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để vụ đông xuân 2022 - 2023 mang lại thắng lợi, chính quyền các cấp phải tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết phục vụ nông dân phát triển sản xuất. Đáng chú ý, cần sớm phổ biến rộng rãi lịch thời vụ, cơ cấu giống do Sở NN&PTNT ban hành để nhà nông biết và tổ chức sản xuất đảm bảo theo yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương thời gian tới phải tích cực tháo gỡ những vướng mắc và khắc phục khó khăn, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Trong đó, cần tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực.

Đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, ổn định thị trường và giá cả sản phẩm. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ phát triển mạnh mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại có liên kết theo chuỗi... (MAI LINH)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một năm khó khăn của ngành nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO