(QNO) - Dựa vào sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan cũng như tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn khá thuận hòa nên việc điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực.
Sáng 25/11, tại TP.Đà Nẵng diễn ra cuộc họp định kỳ cuối năm 2024 của Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng (gọi tắt là Ban điều phối).
Ít căng thẳng hơn các năm trước
Với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan về giám sát vận hành hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (VG - TB), nhìn chung, trong năm việc điều tiết nước trong mùa lũ, mùa cạn trên lưu vực hài hòa, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của các bên liên quan. Trong đó việc cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng) được đảm bảo.
Ông Trần Ngọc Vân - Trưởng phòng Nước, Khí tượng thủy văn, Biển và hải đảo (Sở TN-MT Quảng Nam) cho hay, nhìn chung trong năm 2024 thiên tai, lũ lụt, ngập nặng kéo dài không xảy ra nhiều như những năm trước, tình hình hạn hán cũng không xảy ra thường xuyên.
Năm 2024, hai địa phương cũng đã tham mưu văn bản điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông VG - TB theo Quyết định số 1865 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng về việc lập quy hoạch lưu vực sông VG - TB và vùng phụ cận, Bộ TN-MT đã giao Cục Quản lý Tài nguyên nước chủ trì, phối hợp 2 địa phương xây dựng Quy hoạch lưu vực sông VG - TB và vùng phụ cận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong năm 2024, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã phối hợp với 2 địa phương thu thập thông tin, tài liệu, số liệu liên quan; hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; rà soát danh mục các hồ chứa nước, công trình cấp nước, danh mục chức năng nguồn nước… đảm bảo quy hoạch phù hợp với nhu cầu sử dụng nước tại địa phương và đảm bảo an ninh nguồn nước khu vực trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Trong năm 2024, Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng có công văn hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến gia cố đập tạm trên sông Quảng Huế về việc không cần lấy ý kiến cộng đồng khi thực hiện gia cố, sửa chữa đập Quảng Huế.
Điều này đã góp phần giảm bớt hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian để đảm bảo việc thi công, gia cố đập tạm Quảng Huế thực hiện kịp thời hơn, nhằm ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất cũng như các nhu cầu sử dụng nước khác ở vùng hạ du sông Vu Gia.
Tính đến hết ngày 15/12, tổng dung tích hữu ích 5 hồ chứa trên thượng nguồn lưu vực sông VG - TB đã đạt 1.171 tỷ mét khối (đạt 93,5% dung tích hữu ích). Trong đó hồ Sông Bung 2 là thấp nhất đạt 62,6%, còn các hồ A Vương, Đăk Mi 4, sông Tranh 2 đều trên 95%.
Các hồ, cụm hồ thủy lợi lớn lưu vực VG - TB như: Khe Tân, Thạch Bàn, Vĩnh Trinh, Hòa Trung, Đồng Nghệ... đều đã xấp xỉ đầy hồ. Năm 2024 trên lưu vực sông tuy không có nhiều lũ lớn nhưng cơ bản các hồ trên lưu vực đều đang ở trạng thái mực nước hồ tương đối thuận lợi cuối mùa lũ.
Thúc đẩy kết nối, quản trị lưu vực sông
Ông Nguyễn Hồng An - Phó Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng thông tin, bên cạnh nhóm các hoạt động phi công trình thường xuyên, trong năm 2025, Ban điều phối sẽ kiến nghị Bộ NN&PT-NT, các cơ quan Trung ương tổ chức nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực công trình chỉnh trị sông Quảng Huế và có kế hoạch đầu tư, sửa chữa công trình từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời kiến nghị Bộ TN-MT sớm triển khai nâng cấp Trạm thủy văn Hội Khách (bổ sung thêm chức năng đo lưu lượng) nhằm phục vụ cho công tác điều tiết lũ trên sông Vu Gia và lắp đặt các thiết bị quan trắc, đánh giá chất lượng nước trên sông VG - TB.
Về việc đắp đập tạm tại ngã ba sông Quảng Huế, trên cơ sở dự kiến kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông VG - TB mùa cạn năm 2025, các bên liên quan sẽ nghiên cứu sự cần thiết đắp đập tạm trong năm 2025 và đề xuất xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thống nhất chủ trương đắp đập tạm năm 2025 để triển khai khi cần thiết.
Thông tin tại cuộc họp, năm 2025 sẽ là một bước ngoặt khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức của Ban điều phối cũng như một số thay đổi do ảnh hưởng của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Bên cạnh đó, trong năm dự kiến sẽ có quy hoạch lưu vực sông VG - TB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong năm 2025, dự kiến cũng sẽ thông qua nhiều nhiệm vụ, dự án, đề án trong quy hoạch lưu vực sông VG - TB có sức tác động lớn đến lưu vực sông này.
Có thể kể đến: Xây dựng kịch bản nguồn nước; Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa trên lưu vực sông VG - TB; Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố; Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, hồ chứa để ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra...
Theo ông Trần Phước Thương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), nếu Ban điều phối hoàn thành được các nhiệm vụ như kế hoạch đã đề ra thì quá thành công bởi năm 2025 dự kiến sẽ có nhiều biến động về nhân sự của Ban điều phối.
Ông Thương thông tin thêm, dù Đà Nẵng đã vận hành Nhà máy nước Hòa Liên nhưng nguồn nước từ lưu vực sông VG - TB vẫn chiếm khoảng 70-75% nhu cầu sử dụng nước của Đà Nẵng. Do đó đề nghị cơ quan chức năng của Quảng Nam quan tâm, tạo điều kiện để trong mùa cạn, nếu thấy cần thiết thì Dawaco có thể triển khai nhanh công trình đập tạm Quảng Huế để điều tiết nước về hạ du sông Vu Gia thì mới phát huy hiệu quả cao nhất.
"Công trình này đắp ở cao trình 2,3m là tạm ổn, đủ nước cho phía Đà Nẵng và cũng hài hòa cho phía Quảng Nam. Chúng tôi cũng đã cam kết sẽ phá dỡ đập tạm này trước mùa mưa lũ để người dân sinh sống quanh khu vực này yên tâm tạo điều kiện cho đơn vị thi công" - ông Thương nói.