Bến Tre - quê hương của cụ Đồ Chiểu với những miệt vườn nổi tiếng đã khiến tôi hủy bỏ chuyến đi Tây Ninh để đến với xứ dừa. Những ngày lang thang ở Bến Tre, tôi có dịp ghé miệt vườn Tân Quy, nơi có dịch vụ du lịch sinh thái được nhiều người biết đến...
Du khách chụp ảnh lưu niệm với một chủ miệt vườn. |
TỪ trung tâm tỉnh lỵ Bến Tre, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp ở Báo Đồng Khởi theo quốc lộ 60 rồi rẽ sang tỉnh lộ 884 về miệt vườn Tân Quy, xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Hay tin có khách miền Trung đến thăm, anh Trần Hoàng Liêm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, phóng xe máy tới. Với lòng hiếu khách và sự nhiệt tình vốn có của người miền Tây, anh Liêm đưa tôi đến vườn nhà anh Hóa, anh Hiền, chị Mười... để quan chiêm. Trước mặt tôi là cả một miệt vườn rộng mênh mang, cây ăn quả trồng ngay hàng thẳng lối trên những vồng đất to rộng. Mít tố nữ lúc lỉu quả. Chôm chôm chín đỏ cành. Sầu riêng trái đầy gai nhọn bu bám trên những nhánh cây vạm vỡ. Tôi không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Mới đầu tháng 5, chưa phải là mùa thu hoạch của những loại cây ăn quả truyền thống ở vùng đất này. Đoán biết được ý nghĩ của tôi, anh Liêm cười: “Đúng ra, tháng 7, cây trái ở đây mới vào mùa chín rộ. Do bà con áp dụng kỹ thuật cho quả trái vụ nên cuối xuân đầu hạ đã có sản vật để bán”.
Nghỉ ngơi trên võng giữa miệt vườn. |
Cơ man chôm chôm. Cơ man mít tố nữ. Cơ man sầu riêng cơm vàng hạt lép. Và mùi trái chín thoảng bay trong gió... Anh Hóa cho tôi hay, người dân nơi đây biết cách cho cây ra trái theo ý mình. Chính vì vậy, chôm chôm ở các miệt vườn Châu Thành, Chợ Lách... đơm hoa kết trái và thu hoạch lai rai sớm hơn miệt vườn các tỉnh miền Đông Nam Bộ độ vài ba tháng. Nhờ tránh “đụng hàng” khi mùa chôm chôm chín rộ nên các nhà vườn ở đây không lâm vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Chị Mười cho biết thêm, chôm chôm ở Châu Thành nói riêng, Bến Tre nói chung, có hương vị khác hẳn với chôm chôm ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Và nữa, chôm chôm ở xứ dừa, khi ăn, không bị bong tróc lớp vỏ lụa bao quanh hạt. Hỏi về “kỹ thuật hầm bạt” cho chôm chôm ra trái theo ý muốn, anh Hiền nói: “Miệt vườn nơi đây có hệ thống mương thủy lợi hoàn chỉnh. Để chôm chôm ra trái vụ, bà con tháo cạn nước ở các mương trong vườn, đồng thời dùng tấm bạt phủ che kín các vồng đất trồng chôm chôm. Nắng nóng làm cho khu vườn khô hạn, chôm chôm thiếu nước, xàu lá. Lúc bấy giờ bà con mới tháo dỡ tấm bạt ra và cho nước vào mương. Vườn chôm chôm nhanh chóng hồi sinh và bắt đầu đơm hoa kết trái.
Mít tố nữ lúc lỉu quả trên cây. |
Được thiên nhiên ưu đãi, bà con miệt vườn Tân Quy phát huy lợi thế “trời cho” để làm giàu trên mảnh đất quê. Qua tìm hiểu, tôi được biết xã Tân Phú có trên dưới 3.000 hộ, mỗi hộ sở hữu khoảng 5 công vườn (tương đương 0,5ha), tổng thu nhập hằng năm trên 200 tỷ đồng từ các loại cây trồng truyền thống của địa phương. Anh Liêm bảo: “Cả xã mới có độ 30 hộ làm dịch vụ du lịch sinh thái. Bước đầu đã thu hút được du khách trong tỉnh, trong nước và cả du khách nước ngoài đến tham quan, nhờ thế thu nhập của bà con cũng tăng lên đáng kể. Từ thực tế đó, chính quyền địa phương có cơ sở để khuyến khích bà con miệt vườn phát triển loại hình du lịch này”. Cầu cống và đường giao thông nông thôn dẫn về miệt vườn Tân Quy đã được bê tông hóa đủ rộng để các loại xe con, xe vận tải cỡ nhỏ vào ra chở du khách tham quan, chở hàng nông sản tới các chợ đầu mối. Chị Mười vừa chọn lựa chôm chôm cho vào sọt vừa nói: “Chôm chôm có hai loại. Chôm chôm thường giá chỉ 13 - 15 ngàn đồng/kg. Chôm chôm nhãn (hạt nhỏ, cùi dày) giá 30 - 35 ngàn đồng/kg. Sầu riêng cũng có hai loại. Loại thường chừng 20 ngàn đồng/kg. Loại cơm vàng hạt lép cỡ 35 ngàn đồng/kg. Còn mít tố nữ tùy theo quả to hay nhỏ mà có giá bán từ 30 - 70 ngàn đồng”.
Du khách tìm đến miệt vườn. |
Đi dạo lòng vòng từ vườn nhà này sang vườn nhà kia, gần trưa tôi cùng anh bạn đồng nghiệp mới quay lại vườn nhà anh Hóa. Ngả lưng trên chiếc võng mắc dưới tán lá của vườn cây trái sum sê, tôi đưa mắt nhìn quanh. Các vườn nhà bên cạnh cũng có nhiều du khách nằm đung đưa trên những cánh võng. Họ đi theo từng nhóm 5 - 10 người. Có những cặp đôi nam nữ thanh niên đèo nhau bằng xe máy tới miệt vườn Tân Quy và chọn nơi vắng vẻ để hàn huyên tâm sự. Võng ở miệt vườn Tân Quy giăng mắc khắp nơi trong vườn. Du khách tha hồ đung đưa ở đâu tùy thích. Bến Tre là xứ sở của dừa. Nằm đung đưa trên võng, tôi ôm cả quả dừa non đã khoét một lỗ nhỏ, cho ống hút vào kéo một hơi sảng khoái. Cơn khát tiêu tan. Vị ngọt thanh của nước dừa cứ đọng nơi đầu lưỡi. Trưa. Anh Liêm, anh bạn đồng nghiệp và tôi ngồi giữa vườn lai rai rượu đặc sản địa phương với thức nhắm là thịt gà xé phay bóp rau răm, hành lát, cá tai tượng to như bàn tay chiên xù. Ai nhậu ngất ngư thì được “tống hạ” món cháo gà nóng thơm ngon tuyệt. Biết tôi “tửu lượng” thấp, anh Liêm và bạn bè anh cho tôi được hưởng “chế độ đặc cách”, có nghĩa là uống bao nhiêu thì tùy, không ép. Vì vậy, khi ngà say, tôi đến chiếc võng mắc giữa vườn nằm đung đưa. Những cơn gió thoảng qua mát rượi. Đâu đó vọng tiếng chim hót líu lo. Tôi không ngủ, cứ nằm ngắm nhìn những chùm quả chôm chôm trái vụ chín đỏ trên cây.
Một ngày ở miệt vườn Tân Quy khiến tôi nhớ mãi khi về lại quê nhà Quảng Nam.
NGUYỄN TAM MỸ