Một ngôi trường cách mạng

VÂN TRÌNH 29/05/2022 05:30

Có một ngôi trường ra đời cách đây tròn thế kỷ, là nơi không chỉ ươm mầm tài năng cho quê hương mà còn là chiếc nôi của phong trào cách mạng vùng tây bắc Quảng Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Dù không còn nữa nhưng Trường Tiểu học Mỹ Hòa xưa luôn là địa chỉ văn hóa và cách mạng của huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam. 

Khu vực Trường Tiểu học Mỹ Hòa xưa, đầu làng Hòa Thạch, nay thuộc thôn 2, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.
Khu vực Trường Tiểu học Mỹ Hòa xưa, đầu làng Hòa Thạch, nay thuộc thôn 2, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Nơi ươm mầm tài năng

Trường Tiểu học Mỹ Hòa xưa tọa lạc ở đầu làng Hòa Thạch, nay thuộc thôn 2, xã Đại Hòa, được xây dựng vào năm 1922. Đây là trường học không dành riêng cho huyện Đại Lộc mà chung cho nhiều xã của các huyện lân cận: Duy Xuyên, Điện Bàn và Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ. 

Theo ông Lê Luận, cựu học sinh của trường (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, đã từ trần), lúc đầu trường chỉ có một dãy ba phòng bằng gạch lợp ngói, một dãy hai phòng bằng tranh tre.

Gần 20 năm sau mới xây dựng thêm một dãy hai phòng bằng gạch ngói đối diện với dãy đầu tiên, thay thế cho các phòng tranh tre ban đầu. Trường được bao quanh bởi bốn bức tường bằng gạch vôi, mỗi bề hơn 100m, cao1,5m.

Cổng trường nhìn về hướng bắc. Trong sân trường có sáu cây phượng vĩ, hai cây gòn cao to và môt cây me tây cành lá sum sê, che mát quanh năm. Giờ ra chơi, học sinh ngồi dưới gốc cây trao đổi bài vở, tán gẫu hoặc đá cầu, đánh bi hoặc u tây và cũng là nơi cho học sinh tập thể dục vào mỗi buổi chiều.

Từ chiếc nôi của phong trào cách mạng vùng tây bắc Quảng Nam trước Cách mạng Tháng Tám (1945), nhiều học sinh của Trường Tiểu học Mỹ Hòa đã trở thành những nhân vật nổi tiếng như các nhà hoạt động cách mạng (Trần Tống, Lê Thị Xuyến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Xuân Hữu…), nhà văn (Võ Quảng), nhà báo cách mạng (Lưu Quý Kỳ)… mà tên tuổi đã làm rạng danh đất Quảng. Đặc biệt, trong cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6.1.1946), trong số 15 vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của Quảng Nam có đến 4 vị là cựu học sinh Trường Tiểu học Mỹ Hòa: Trần Tống, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Thị Xuyến, Trần Đình Tri. Trong đó, bà Lê Thị Xuyến là một trong số 10 nữ đại biểu đầu tiên của cả nước.

Các vị hiệu trưởng ban đầu là Trần Nhẫn, Trương Tri, Nguyễn Đình Thống. Giáo viên của trường là các thầy: Trần Quang Duyệt, Trương Thế Xáng, Trần Quang Hiển, Nguyễn Văn Huy, Trương Đình Nghĩa, Trần Thuyên (con của nhà yêu nước Trần Quý Cáp), Phan Xuân Cáo…

Nhiều người nguyên là học sinh trường Mỹ Hòa sau khi thi đỗ trường sư phạm đã về dạy ở trường cũ như thầy giáo Quách Xân. Sinh ra trong một tộc họ có tinh thần hiếu học và yêu nước ở thôn Hà Dục Tây (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), ông là người đầu tiên của huyện Đại Lộc đỗ tiểu học Pháp - Việt tại Hội An và tốt nghiệp bằng thành chung loại ưu tại Trường Quốc học Huế năm 1935. Sau đó, Quách Xân được bổ nhiệm về quê, dạy học tại Trường Tiểu học Mỹ Hòa.

Trong cao trào dân chủ 1936 - 1939, là người được tiếp cận với nhiều sách báo tiến bộ, ông đã đưa vào giảng dạy tư tưởng dân chủ, tiến bộ, từ đó khơi gợi trong tầng lớp thanh niên, học sinh tinh thần yêu nước. Sau này, trong những năm chống Pháp và Mỹ, Quách Xân gắn bó cuộc đời mình với phong trào cách mạng ở miền núi Quảng Nam, rồi Tây Nguyên.

Ông cùng với một số đồng chí đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, rất có ý nghĩa về mặt chính trị và văn hóa, đó là sáng tạo bộ chữ viết cho người Cơ Tu bằng cách phiên âm theo mẫu tự La-tinh. Thành công mở đầu này đã đưa đến việc hoàn thành bộ chữ viết cho người Ca Dong sau đó không lâu.

Trường Tiểu học Mỹ Hòa nổi tiếng là nơi dạy giỏi, học giỏi của Quảng Nam trước Cách mạng Tháng Tám (1945). Lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp và sự tận tâm đào tạo nhân tài cho đất nước của các thầy rất cao. Nhờ vậy, năm nào trường cũng có học sinh đỗ thủ khoa hoặc hạng hai, hạng ba trong kỳ thi tiểu học của tỉnh tại Hội An.

Chiếc nôi của phong trào  cách mạng

Trường Tiểu học Mỹ Hòa là nơi sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin qua sự truyền bá của các đồng chí: Nguyễn Đức Thiệu (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Bí thư Huyện ủy Đại Lộc đầu tiên), Nguyễn Soạn… Tư tưởng cách mạng đã được tuyên truyền rỉ tai vào số học sinh lớn tuổi như Huỳnh Ngọc Huệ, Võ Quảng, Trần Tống, Hồ Phước Hậu, Lưu Quý Kỳ, Trần Đình Tri…

Sau đó dần dần lan truyền sang nhiều học sinh trẻ tuổi khác như: Bùi Thương, Ngô Quang Tám, Phạm Khoa, Trương Kim Ấn, Hứa Toản, Trương Trịnh, Đặng Khiết, Đặng Hòa, Đỗ Ngọc Mai, Trần Hồng Chu, Trần Chi, Trương Quang Lạc, Lương Văn Lý, Hồ Phước Tâm, Trương Chấn… Đây là những học sinh hăng hái, sôi nổi nhất được tập hợp vào tổ chức Đoàn Thanh niên phản đế ở Trường Tiểu học Mỹ Hòa.

Từ những năm 1933 trở đi, hằng năm cứ vào ngày Quốc tế lao động 1.5, cờ đỏ búa liềm đều xuất hiện ở trường, tiệm ươm Giao Thủy cùng với truyền đơn có nội dung: “Đánh đổ thực dân Pháp và tay sai phong kiến Nam triều!”, “Đông Dương hoàn toàn độc lập muôn năm!”.

Đáng chú ý là sự xuất hiện tờ báo “Nói” in đông sương bằng mực tím và tờ báo “Tập làm văn” đã góp phần tuyên truyền cách mạng cho học sinh và thanh niên vùng lân cận.

Đầu năm 1937, các sách báo tiến bộ đương thời đã xuất hiện trong trường và được các học sinh: Mai Lương (Hòa Vang), Lê Trí Viễn (sau này là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân), Lê Nam, Lê Hy (Điện Bàn)… mang về truyền bá cho địa phương mình.

Bên cạnh việc tuyên truyền gây ảnh hưởng và tập hợp lực lượng, trong năm 1937 tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ của Trường Tiểu học Mỹ Hòa đã tuyên truyền, phân phát truyền đơn vận động cho nhà trí thức cách mạng Phan Thanh (chồng của bà Lê Thị Xuyến) trúng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ.

Tiếp sau đó, khi chính quyền Nam triều tổ chức bầu người thay thế ông Phan Thanh (mất vì bệnh hiểm nghèo), Đoàn Thanh niên dân chủ cùng số học sinh tiến bộ của Trường Tiểu học Mỹ Hòa đã tuyên truyền, vận động để ông Đặng Thai Mai thắng áp đảo đối thủ Lê Huân - người do Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi đưa ra tranh cử.

Cũng tại sân Trường Tiểu học Mỹ Hòa, từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) đến ngày Tổng khởi nghĩa, nhiều buổi tuyên truyền và kịch do các cựu học sinh: Trần Đình Tri, Lưu Quý Kỳ… đứng ra tổ chức, thu hút đông đảo người xem.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một ngôi trường cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO