"Ám ảnh" bởi giọng Quảng Nam - thanh âm đã bám theo mình từ lúc lọt lòng, PGS-TS. Andrea Hoa Pham, hiện nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa tại Đại học Florida (Mỹ), đã có hơn 25 năm nghiên cứu âm vị giọng Quảng. Nhân dịp PGS-TS. Andrea Hoa Pham về Việt Nam giới thiệu cuốn "Thanh điệu tiếng Việt - Một phân tích mới" vừa xuất bản của mình, chúng tôi có cuộc trò chuyện xung quanh các vấn đề về giọng Quảng Nam với những góc nhìn khá thú vị.
* Xin chị chia sẻ hành trình trở thành một nhà ngôn ngữ học và là một giáo sư giảng dạy ngôn ngữ ở Đại học Florida danh giá?
Andrea Hoa Pham: Tôi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1981. Năm 1990, tôi sang Tiệp Khắc du học, dự định làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Prague. Tuy nhiên, vì lý do riêng, tôi sang Canada định cư; sau đó theo học tại Đại học Toronto, làm luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ về Ngôn ngữ, chuyên ngành Ngữ âm - Âm vị học.
Năm 2002, tôi được Đại học Florida ở Mỹ mời sang thành lập ngành Việt Nam học và được bổ nhiệm làm trợ lý giáo sư, từ đó gắn bó với việc nghiên cứu và giảng dạy Ngôn ngữ học cho đến nay. Ngoài giảng dạy, tôi dành phần lớn thời gian để nghiên cứu sự tiến hóa của vần tiếng Việt, và giọng Quảng Nam là một phần đặc biệt thích thú trong chủ đề nghiên cứu ấy.
* Vì sao chị chọn giọng Quảng để nghiên cứu và viết sách?
Andrea Hoa Pham: Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Quảng. Từ nhỏ cho đến khi rời Việt Nam, ngày nào tôi cũng đắm mình trong giọng Quảng, từ những người bà con thân thuộc cho đến hàng xóm láng giềng. Và tôi thấy giọng Quảng là một thứ giọng rất lạ so với giọng nói của nhiều vùng miền khác ở Việt Nam mà tôi có dịp đi qua và nghe người địa phương nói.
Giọng Quảng luôn ám ảnh tôi trong suốt hành trình nghiên cứu của mình. Vì thế, tôi quyết định quay ngược lại lịch sử, lần theo dấu vết nguồn gốc tổ tiên người Quảng Nam, để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi đầy thách đố: “Vì sao giọng Quảng Nam lại khác biệt đến thế so với các thổ ngữ khác của tiếng Việt?”. Đó là lý do tôi viết cuốn “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”, xuất bản ở Đà Nẵng năm 2022. Cuốn sách này là câu chuyện về hành trình khám phá và hiểu biết của tôi về những điều kỳ lạ và kỳ diệu trong giọng Quảng Nam.
PGS-TS. Andrea Hoa Pham quê Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, Bà có 3 cuốn sách đã dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam, gồm “Hãy nhảy cùng em”, tuyển tập thơ song ngữ của Adrea Hoa Pham và Lola Haskins, AHP dịch (NXB Đà Nẵng, 2018); “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”, một nghiên cứu trong 25 năm về giọng Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 2022) và mới đây là cuốn “Thanh điệu tiếng Việt - Một phân tích mới” (Sách Khai Tâm và NXB Dân Trí hợp tác xuất bản, 2023), dịch từ cuốn “Vietnamese Tone - a New Analysis” (NXB Routlege, New York, 2003) trong series “Những luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học xuất sắc”.
* Tôi đã đọc cuốn “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của chị và thấy chị cho rằng giọng Quảng Nam hình thành từ nền tảng của giọng Thanh Hóa, có tiếp nhận một số thổ ngữ ở Nghệ An - Hà Tĩnh. Thưa chị, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam như Hoàng Thị Châu, Vương Hữu Lễ… đã phân vùng ngôn ngữ Việt Nam thành: phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung và phương ngữ Nam. Thanh Hóa thuộc vùng phương ngữ Bắc, còn Quảng Nam thuộc vùng phương ngữ Nam. Vậy tại sao giọng Quảng Nam vốn được coi thuộc phương ngữ Nam, lại có một bước nhảy, tiếp thu từ một vùng thuộc phương ngữ Bắc, bỏ qua vùng phương ngữ Trung cận kề?
Andrea Hoa Pham: Sự phân vùng ngôn ngữ như trên chỉ mang tính tương đối. Cũng có quan điểm phân vùng ngôn ngữ dựa trên thanh điệu và phụ âm cuối, và theo tiêu chí thanh điệu thì Việt Nam có 2 vùng phương ngữ lớn, Bắc và Nam là một vùng, từ Nghệ An vào Thừa Thiên là một vùng phương ngữ hoàn toàn khác.
Nghệ An và Thanh Hóa đã sớm có duyên với đất Quảng Nam, là nơi xuất thân của di dân ngay từ đầu, là quê hương gốc gác của các quan tướng và của các di dân nghèo. Điều này được ghi nhận trong tất cả tài liệu lịch sử có nhắc đến các phong trào di dân. Khi vào đất Quảng, những người này đã mang theo giọng nói từ quê cha đất tổ.
Tôi đã tổ chức nhiều chuyến điền dã ở Quảng Nam, Hà Tĩnh và Thanh Hóa để tìm hiểu vấn đề này. Qua khảo cứu và so sánh, tôi có đủ các chứng cứ ngữ âm và âm vị học để khẳng định hai thổ ngữ từ Thanh Hóa và Hà Tĩnh chính là nền tảng đã cung cấp chất liệu cho việc hình thành giọng nói Quảng Nam. Điều này tôi đã trình bày rất cụ thể trong cuốn “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”.
* Thưa chị, có một số ý kiến cho rằng, giọng Quảng lạ lùng và khác biệt như trên là do ảnh hưởng bởi tiếng Chăm, vì khi người Việt từ ngoài Bắc vào xứ Quảng đã hợp hôn với người bản địa, tạo nên các gia đình “cha Việt - mẹ Chăm”. Các thế hệ kế cận trong những gia đình này, do ảnh hưởng giọng Chăm của người mẹ nên có biến đổi giọng nói, đó là lý do khiến cho giọng Quảng khác lạ như vậy. Chị nghĩ sao về điều này?
Andrea Hoa Pham: Cho đến nay, ngoài các từ vay mượn từ tiếng Chăm, chưa hề có một tài liệu ngôn ngữ học nào chỉ ra hoặc đưa ra chứng cứ cho thấy phát âm của người Chăm đã ảnh hưởng đến phát âm tiếng Việt, hoặc công trình khoa học chứng minh vì người Chăm nói tiếng Việt mà làm biến đổi cách phát âm của một phương ngữ Việt nào đó, thậm chí, tạo ra một âm vị nguyên âm mới, và thay đổi cả cấu trúc của vô số vần như trường hợp giọng Quảng.
Các chứng cớ khác tôi đưa ra là so sánh hệ thống âm và vần trong tiếng Chăm với vần giọng Quảng Nam. Ngôn ngữ khi vay mượn từ tiếng nước ngoài điều chỉnh các âm không có trong tiếng mẹ đẻ để khớp với cấu trúc trong tiếng mẹ đẻ của họ, và luật điều chỉnh này là như nhau trong bất kỳ một ngôn ngữ nào trên thế giới.
Việc người Chăm nói tiếng Việt không đủ sức tạo ra thay đổi đặc biệt trong tiếng Việt, và càng không có thay đổi nào mạnh đến mức làm phá vỡ hẳn hệ thống vần như ở giọng Quảng Nam.
Theo ghi chép trong “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông xuất binh đánh Chiêm Thành, bắt hơn ba vạn tù binh đưa về Đại Việt. Ngoài ra, “Minh thực lục”, chính sử Trung Hoa thời Minh cũng chép: năm 1450, Đại Việt đánh Chiêm Thành, bắt đưa về Đại Việt 33.500 người Chăm.
Những sử liệu trên cho chúng ta biết rằng con số người Chăm sống ở Đại Việt từ thế kỷ 15 (trên phần lãnh thổ sau này là Đàng Ngoài thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, và là miền Bắc Việt Nam ngày nay) là không nhỏ. Nếu cho rằng người Chăm nói tiếng Việt không sõi khiến nó ra giọng Quảng Nam thì không thể giải thích được vì sao người Chăm sống khắp nơi trên đất Việt, song không ở đâu người ta nói giọng kỳ lạ như giọng Quảng Nam hiện nay.
Việc văn hóa Chăm ảnh hưởng sâu nặng văn hóa Việt và việc hòa huyết qua hôn nhân giữa người Việt và Chăm là không cần bàn cãi, song cho dù có mang một trăm phần trăm dòng máu Chăm cũng không có nghĩa là người ấy nói tiếng Việt với chất giọng Chăm mà ra giọng Quảng.
Đôi khi có sự nhầm lẫn giữa dòng máu, ảnh hưởng văn hóa, với ngôn ngữ và những cách làm việc theo quy luật nội tại của ngôn ngữ. Người Chăm có thể là một trong những cộng đồng cùng sống trên đất Quảng, đóng góp vào việc hình thành giọng nói Quảng Nam; song cho tới nay, khi nghiên cứu ngữ âm - âm vị giọng Quảng Nam, tôi chưa thấy bất kỳ một dấu vết Chăm nào trong hệ thống âm vị giọng Quảng Nam. Những dữ liệu thu được ở Thanh Hóa mùa hè năm 2023 càng khẳng định mạnh hơn giả thuyết của tôi như trong cuốn giọng Quảng Nam, và tôi sẽ tiếp tục có các bài phân tích trong thời gian tới.
* Cám ơn chị đã dành thời gian trao đổi. Chúc chị một mùa xuân an lành và hy vọng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu, trao đổi học thuật để làm rõ thêm nữa về giọng nói xứ này.