(QNO) - Trưa 18/2/2024 (ngày 9 tháng 1 năm Giáp Thìn), đất Quảng đón nhận một tin buồn: Anh Nguyễn Đình An - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng về cõi vô cùng… Dẫu biết rằng còn - mất, tử - sinh là quy luật muôn đời, nhưng nghe tin anh từ trần ở tuổi cửu thập, nhiều người đều tỏ lòng thương tiếc…
1. Có thể tiếp cận cuộc đời và sự nghiệp của anh Nguyễn Đình An từ nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, anh Nguyễn Đình An là một nhà giáo tài hoa giảng dạy văn chương ở các trường sư phạm - làm thầy của những người thầy.
Nửa đầu thập niên 1950, anh đã cầm phấn đứng trên bục giảng Trường Sư phạm sơ cấp tại Khu học xá Nam Ninh tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, sau về nước dạy học ở Trường Sư phạm sơ cấp rồi Trường Sư phạm trung cấp ở Hà Nội.
Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, anh Nguyễn Đình An còn là người phụ trách bồi dưỡng đội tuyển của Hà Nội dự thi chọn học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cũng từng được học anh ở lớp bồi dưỡng này.
Có thể nói đời anh Nguyễn Đình An luôn gắn bó với nghề dạy học. Ông cụ thân sinh ra anh là một thầy giáo, em trai anh là một thầy giáo và vợ anh - chị Phạm Lê Minh Hoan cũng là một cô giáo; sau năm 1975 có một thời gian anh Nguyễn Đình An là Phó Trưởng ty Giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng…
Năm 1965, khi quân viễn chinh Mỹ vừa mới đổ bộ vào Đà Nẵng, thầy giáo Nguyễn Đình An đứng trước sự lựa chọn giữa hai con đường: Hoặc là tiếp tục công tác ở Sở Giáo dục Hà Nội và nhiều khả năng sẽ được chọn cử đi học sau đại học ở Liên Xô hay Đông Âu, hoặc là vào chiến trường chia lửa với quê nhà. Và anh đã chọn con đường thứ hai.
Tiếng gọi thôi thúc giục giã thiêng liêng của miền Nam và của đất Quảng thân yêu khiến anh dẫu rất yêu nghề vẫn phải đành rời xa bục giảng, phải đành tạm biệt những học sinh giỏi Văn thương quý và cả người vợ sắp cưới của mình để lên đường vào Quảng Đà - một chiến trường được xem là gian khổ và ác liệt vào bậc nhất khu 5 lúc bấy giờ.
[VIDEO] - Cố nhà báo Nguyễn Đình An nhấn mạnh vai trò của báo Đảng đối với cách mạng:
Trên đất Quảng quê hương “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, anh cầm bút thay cầm súng, trở thành phóng viên Báo Cờ Giải Phóng - một tờ báo mà theo anh là sự tác nghiệp không hề giống bất cứ tờ báo nào trên thế gian này.
Những tháng ngày làm báo giữa chiến trường đầy bom đạn đã tạo cho anh một bút lực mạnh mẽ đầy bản lĩnh. Điều này giải thích vì sao sau này tuổi đã cao - nói như Đỗ Phủ là “bảy mươi xưa nay hiếm” - mà bút lực của anh vẫn dồi dào. Những bài viết của anh Nguyễn Đình An trên báo Đà Nẵng vào các thập niên 2000, 2010 vẫn luôn có lửa, vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết và năng lực truyền cảm hứng cho người đọc.
2. Anh Nguyễn Đình An là một nhà nghiên cứu văn hóa đồng thời là một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc trên lĩnh vực văn hóa, từng đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gần mười năm, từ năm 1977 đến 1986.
Chính lao động nhà giáo và lao động nhà báo đã đưa anh đến với văn hóa, thâm nhập vào văn hóa, từ đó gắn bó cùng văn hóa và trở thành con người của văn hóa. Một con người của văn hóa - đó là cách diễn đạt phù hợp nhất để nói về anh Nguyễn Đình An.
Việc đô thị cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới trước hết nhờ tầm nhìn và cách nghĩ của ông Hồ Nghinh với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng cũng còn nhờ vào công sức vận động thuyết phục của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phụ trách văn hóa - xã hội Nguyễn Đình An.
Quê anh ở Gò Nổi nhưng anh sinh ra tại phố Hội, do vậy mà am hiểu văn hóa Hội An rất tường tận. Còn nhớ khi tỉnh Quảng Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về đặc trưng văn hóa Hội An, là một thành viên chính của nhóm nghiên cứu, anh Nguyễn Đình An thường đưa ra những ý tưởng sâu sắc đầy trải nghiệm…
3. Cũng có thể tiếp cận cuộc đời và sự nghiệp của anh Nguyễn Đình An với tư cách một người luôn đau đáu về lòng dân - anh từng là tác giả của một cuốn sách do Nhà xuất bản Đà Nẵng in cách đây chừng hai mươi năm, có nhan đề “Lòng dân - Ngày ấy… bây giờ”.
Là đương kim Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng từ năm 2011 đến nay, anh Nguyễn Đình An hiểu rất rõ rằng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh: Nếu làm mất lòng dân, không được nhân dân ủng hộ thì thành cao hào sâu cũng không thể cứu được đất nước khỏi rơi vào tay ngoại bang, cứu chế độ cai trị đương quyền không bị sụp đổ.
Chẳng hạn vào đời nhà Hồ, thành nhà Hồ ở Tây Đô Thanh Hóa rất hoành tráng nhưng cũng không thể nào ngăn được vó ngựa quân Minh dày xéo Tổ quốc hàng chục năm trời, bởi nhà Hồ đã không xây dựng được thế trận lòng dân - một yếu tố sống còn như Hồ Nguyên Trừng - con trai Hồ Quý Ly từng lo ngại: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.
Ý kiến của Hồ Nguyên Trừng được sử thần Ngô Sĩ Liên - tác giả “Đại Việt sử ký toàn thư” đánh giá cao: Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ câu nói của Trừng được.
Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là tay không cũng có thể bắt được giặc, không có nghĩa là không cần nỗ lực để tạo nên sự đồng hành giữa sức mạnh của lòng yêu nước - sản phẩm của thế trận lòng dân - với sức mạnh của vũ khí hiện đại so với đương thời - Thánh Gióng phải có con ngựa sắt, An Dương Vương phải có chiếc nỏ thần, Lê Lợi phải có lưỡi gươm thần…
Là một người luôn đau đáu về lòng dân, anh Nguyễn Đình An luôn tìm cách để nói lên tiếng nói của người dân. Vì thế mà trong các kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và HĐND TP.Đà Nẵng sau này, mỗi năm ít nhất hai lần, với tư cách Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh/thành phố, anh đã đọc bằng giọng Bắc rất chuẩn hàng chục bài phát biểu sôi nổi lôi cuốn đầy thuyết phục. Và qua đó nói thay cho đông đảo cử tri về sự đồng thuận xã hội đối với nhiều chủ trương, chính sách và quan trọng hơn là về nỗi bức xúc chính đáng trước những thiếu sót, bất cập trong quá trình thực thi chủ trương, chính sách.
Là một người luôn đau đáu về lòng dân, anh luôn suy nghĩ, nghiền ngẫm về vai trò của đội ngũ cán bộ Mặt trận nói riêng, đội ngũ cán bộ vận động quần chúng nói chung. Anh thường nói rằng lâu nay ta vẫn nói người làm công tác dân vận là chiếc cầu nối giữa Đảng với Dân, giữa chính quyền với nhân dân, nhưng điều quan trọng là người làm công tác dân vận phải thực sự làm tốt chức năng là chiếc cầu nối, nghĩa phải biết nhìn về cả hai phía của cùng một chiếc cầu để mà vận động.
Theo quan sát của anh, chiếc cầu nối này trong thực tế mới chỉ thông suốt, mới chỉ khởi sắc ở cái chiều từ trên chính quyền xuống tới nhân dân, tức là mới làm cho nhân dân đồng thuận, hưởng ứng làm theo các chủ trương của chính quyền. Còn cái chiều thứ hai của chiếc cầu nối - tức là chiều từ dưới quần chúng nhân dân lên đến chính quyền, làm cho cấp trên thấu hiểu và giải quyết thỏa đáng các nguyện vọng của nhân dân thì không phải không làm nhưng nhìn chung hoặc là làm chưa đúng mức, chưa mấy mặn mòi với việc ghi nhận và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân…
Đau đáu về lòng dân là biểu hiện sâu đậm nhất của con người văn hóa Nguyễn Đình An…
***
Mấy dòng viết vội như một nén nhang lòng thắp lên ngày đầu năm để vĩnh biệt anh, vĩnh biệt nhà văn hóa xứ Quảng Nguyễn Đình An!