LTS: Vào lúc 5 giờ 05 phút sáng 29.10, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Mai Thúc Lân đã qua đời sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 79 tuổi. Báo Quảng Nam xin gửi đến bạn đọc bài viết với những cảm nhận của một nhà báo trẻ về ông Mai Thúc Lân như một nén tâm nhang bái vọng một người con ưu tú của xứ Quảng.
Vẻ phong sương hiện trên gương mặt khắc khổ, vai gầy và vóc người nhỏ thó của ông. Nhưng đằng sau ngoại hình ấy, dường có sự ẩn giấu nét cương nghị, rắn rỏi, nhanh nhẹn, tư duy và cách nói bén nhọn. Ấn tượng ấy, hiện ra mồn một trong giờ phút tôi nghe tin ông từ giã cõi đời.
Đón cán bộ tỉnh vào làm việc tại Tam Kỳ trong những ngày đầu tái lập tỉnh (1997). (Ảnh tư liệu) |
Tôi từng may mắn có dịp được Ban Biên tập Báo Quảng Nam cho tháp tùng ông trong một số chuyến công tác khi ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Những năm đầu chia tách tỉnh ấy, các nhà báo quá trẻ như tôi thường gọi ông bằng chú, như chú cháu trong nhà. Và sự gần gũi tự nhiên của những người làm báo thời ấy với các vị lãnh đạo tỉnh cũng thường như vậy. Tôi theo ông về Tam Hải, một xã đảo của huyện Núi Thành. Ông quê ở Điện Bàn, là người đồng hương, nên tôi cũng bạo dạn hỏi ông xa quê bao lâu rồi. Ông thân tình, mình ở Bắc quá lâu giờ Trung ương đưa về thì phải tìm hiểu thật kỹ đời sống bà con quê hương mới có quyết sách gì được. Có lẽ vậy mà ông chọn xuống ngay Tam Hải khi nghe nói cái Cửa Lở ở đó làm bà con không yên. Qua mấy cây lụt năm 1996, rồi đến 1998, cửa biển này lở sâu vào, làm dân sợ mất nhà mất cửa, thậm chí mất mạng. Ông xuống đấy, không nghe ngồi báo cáo suông mà lội ra tận chỗ Cửa Lở, leo lên bờ cát trồi sụt làm những người tháp tùng ông sợ xanh mặt vì không an toàn. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một vị Ủy viên Trung ương Đảng, là người đứng đầu tỉnh, mang dáng dấp của một lão nông đã 62 tuổi, cân nặng 42 ký lô, đi tới tận vùng xung yếu mà không sợ nguy hiểm gì. (Sau này đọc tư liệu về những ngày ông làm nông nghiệp ở đất Bắc, đã lặn lội ra đồng, đi chống vỡ đê mới hiểu ra đó là hành động tự nhiên của một người gắn bó với dân). Và rồi ông trăn trở với những thiên tai liên tiếp giáng xuống mảnh đất nghèo quê xứ, ông kể: “Cuối năm 1996, trước khi chia tách tỉnh, Quảng Nam đã phải hứng chịu một trận lũ lớn và thiệt hại không nhỏ. Thời gian đó, vừa tiến hành việc chia tách, lại vừa phải triển khai công tác chống lũ lụt nên công việc khá căng thẳng. Tôi nhớ trận lũ năm ấy chủ yếu gây thiệt hại nặng ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên… là những địa phương dọc hạ lưu sông Thu Bồn và Vu Gia. Các huyện vùng núi không bị thiệt hại gì nhiều. Trước khi các cơ quan tỉnh vào Tam Kỳ, tôi đã đi thăm một số vùng bị lũ lụt tàn phá nặng nề ở các xã Duy Châu (Duy Xuyên), Điện Hồng (Điện Bàn), Đại Hồng (Đại Lộc)… Trạm bơm ở thôn Lệ Bắc (Duy Châu) do dân đóng góp trên 200 triệu đồng để xây dựng đã bị nước cuốn trôi. Đất lở, nước xoáy vào thành lạch, mất hàng trăm hec ta đất canh tác và làm hỏng bao nhiêu là ruộng lúa. Càng thấy Quảng Nam còn rất nhiều gian khó, không phải chỉ ở vùng núi, vùng cát mà ngay ở vùng đồng bằng trù phú cũng thường xuyên chịu tác hại của lũ lụt”. Ông đi và đi, xuyên qua những cơn lũ chồng chất cùng đồng bào xứ Quảng, để rồi đúc kết phương châm chỉ đạo: “Việc áp dụng phương châm “bốn tại chỗ” là hết sức cần thiết, nhất là đối với một tỉnh mà địa hình phức tạp như vùng núi Quảng Nam. Vấn đề dự trữ lương thực, phương tiện đi lại khi có lũ ở những vùng này cần phải được quan tâm bố trí chu đáo để khi có việc xảy ra thì không phải bó tay ngồi chờ. Nên chăng, trước mỗi mùa lũ lụt trong năm, các cấp chính quyền cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, cụ thể để bảo đảm ứng phó khi cần thiết. Và không được chủ quan khi thấy ba, bốn năm không có lũ lớn lại sinh ra chủ quan, lơ là. Điều hết sức quan trọng là phải kiên quyết xử lý và không để xảy ra nạn phá rừng vì đây chính là tác nhân gây nên lũ lụt ngày càng khốc liệt”.
Đời thường của ông Mai Thúc Lân. Ảnh: N. VŨ |
Phong sương dành cho người phong trần không chỉ ở mưa gió của trời, mà còn của đời nữa. Ông xa quê mấy chục năm, từng ở đất Hà Bắc làm chủ tịch tỉnh, nghe ông kể đã bị một kẻ tham ô ném lựu đạn vào nhà. Còn khi đi làm chuyên gia ở Campuchia, thì bị đạn Pol Pot găm vào người. Lúc về Quảng Nam - Đà Nẵng thì để chữa bệnh “mất đoàn kết nội bộ”; rồi chia tách tỉnh, chuyện có địa phương xin nhập ra Đà Nẵng chứ không thích nhập vào tỉnh nghèo cũng tạo bao áp lực lên ông. May, ông luôn nhớ lời dặn của đồng chí Võ Chí Công (nguyên Chủ tịch nước) trước ngày vào nhận nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, rằng hãy “lắng nghe ý kiến đóng góp của các đồng chí ở địa phương và quan trọng hơn phải có chính kiến, thận trọng xử lý công việc” (trích bài viết “Những ấn tượng sâu sắc của tôi”). Về Quảng Nam – Đà Nẵng rồi vào Quảng Nam, ông liên tục bày tỏ những chính kiến trong xử lý công việc, nhất là công tác cán bộ. Tôi nhớ khi ấy, các anh đầu ngành vào Quảng Nam hay kể là ông luôn nhắc phải chọn người giỏi và tình nguyện đi đất khó, ưu tiên cho đoàn đi Quảng Nam được chọn người trước. Sau này lên công tác Quốc hội thì chính kiến của ông càng nổi rõ làm dậy sóng chuyện bầu cử, chất vấn…
“Điều đáng chú ý là nhân tài hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật là người Quảng thì nhiều nhưng ít có ai bám sát mảnh đất quê hương để hoạt động. Người về Đà Nẵng, người ra Hà Nội, người vào TP.Hồ Chí Minh bởi vì những nơi đó mới có môi trường để phát huy và phát triển tài năng.Cái chính là tỉnh cần có cơ chế để họ có thể đóng góp cho quê hương”. (Mai Thúc Lân – “Mấy suy nghĩ về văn hóa Quảng Nam sau mười năm xây dựng và phát triển”, Tạp chí Văn hóa Quảng Nam 12/2006) |
Dù trải qua nhiều gập ghềnh gian khó trên đường tham chính, nhưng dường như ở ông vẫn luôn giữ nét cương nghị, lạc quan, thậm chí đôi khi trào lộng một cách lãng mạn. Như những ngày đầu vào tỉnh lỵ mới Tam Kỳ, giữa bộn bề lo toan, mù mịt con đường cát bay, vợ khóc nấc lên mà ông vẫn nhại Chinh phụ ngâm để tả cảnh: “Đường Đà Thành lung linh ánh điện/ Phố Tam Kỳ mờ mịt cát bay”… Hay cả lúc ra nghị trường Quốc hội, ông có mấy câu vần vè trêu ông bạn là thành viên Chính phủ: “Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ/ Nét mặt lúc nào cũng nhăn nhó/ Thuyết trình điểm nào nghe cũng thông/ Sao nông nghiệp ta khó vẫn khó?”. Những câu chuyện vui ấy được những người kề cận ông kể lại bên những tách trà cho người ta thấy ấm lòng, về con người thẳng tính nhưng mộc mạc dân dã. Và, cũng thấp thoáng đâu đấy bóng dáng của người xưa trong dòng họ Mai ở Điện Phước, Điện Bàn quê ông, từng có cụ cử nhân Mai Dị, người tham gia trào Duy tân nổi tiếng đất Quảng một thời. Giấu trong sự rắn rỏi, nhiều khi hơi cứng rắn của ông, chỉ có thể đọc văn mới biết người, là sự tình cảm. Tôi nhớ khi kỷ niệm 50 năm, Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa, ông gửi đến Báo Quảng Nam những tâm tình thật sâu nặng, trong đó vụt lên nỗi nhớ quê da diết trong những ngày ra đất Bắc học Đại học Nông nghiệp (khóa 1961- 1963): “Tôi đã có lần về Hoằng Hóa vào một mùa hè khi đồng bông ở đây bắt đầu nở rộ. Những múi bông trắng nõn nà phơi ra dưới nắng gắng của trời chiều làm tôi nhớ đến những đồng bông của Điện Bàn, Đại Lộc cũng vào một chiều hè như thế. Bông Thanh Hóa chưa nhiều bằng bông Quảng Nam và nghề dệt vải kéo sợi của Thanh Hóa cũng chỉ là rất ít, nhưng xa quê hương lâu ngày, những người con của Điện Bàn, Đại Lộc khi đứng trước những đồng bông của quê hương kết nghĩa bỗng có cái cảm giác như đang sống ở quê mình”.
Cuộc đời ông sẽ cần những bậc thức giả, người đồng hành cùng thời “cái quan định luận”. Riêng một kẻ hậu sinh như tôi chỉ biết dâng nén tâm nhang đưa tiễn một con người xứ Quảng, mang tính cách Quảng đậm đà, về với một miền bông trắng của quê hương đất nước, của những giấc mơ. Hôm qua, nghe tin ông về cõi vĩnh hằng, nhành mai từ tâm tưởng của câu thơ Mãn Giác thiền sư bỗng vụt hiện lên: “Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”… Và, xin được vọng bái ông, Mai Thúc Lân - một nhành mai phong sương.
NGUYỄN HỮU ĐỔNG