Một, riêng, thứ nhất

NGUYỄN ĐIỆN NAM 04/05/2015 08:19

1.Từ những năm 1935 - 1941, nhà thơ Xuân Diệu đã khắc họa hình tượng của Hy Mã Lạp Sơn, ngạo nghễ mà cô đơn: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/Không có chi bè bạn nối cùng ta/ Bởi ghen trời, ta ngạo nghễ xông pha/ Lên vút thẳm, đứng trên nghìn đỉnh núi...”.

Bây giờ, ở Nepal, một đất nước sát chân dãy núi ấy, không thể đứng riêng với những đau thương khủng khiếp vừa ập xuống bởi trận động đất làm hàng chục nghìn người chết và bị thương. Nhiều di sản văn hóa của nhân loại nơi đây đã vĩnh viễn bị chôn vùi trong đổ nát. Cả thế giới đang dồn về đó, trong những ngày cuối tháng Tư đầu tháng Năm này, để cứu nạn, cứu trợ. Dù có vòng tay của bè bạn năm châu, mất nhiều năm tháng nữa, đất nước Nepal mới có thể phục hồi.

Có câu chuyện nào minh chứng rõ ràng hơn sự yếu đuối, cô đơn, nhỏ bé của con người trước sức mạnh của tự nhiên? Làm sao có thể “ngạo nghễ” nói rằng ta có thể chinh phục tự nhiên và luôn chiến thắng?

2.Một chiến thắng khác vừa được nhắc lại sau 40 năm ở Việt Nam. Đó là biểu tượng hòa bình và thống nhất đất nước sau cuộc chiến tranh dài đằng đẵng. Nhưng có phải chính ta “là một, là riêng, là thứ nhất” được không?

Hàng nghìn cuốn sách và vô số dữ liệu lịch sử đã khắc họa kỳ tích anh hùng cùng sự hy sinh to lớn của dân tộc ta. Song, từ phía khác, nếu không có sự ủng hộ quốc tế, có lẽ hồi kết cuộc chiến sẽ viết lại những chương dài hơn. Ngay ở lòng nước Mỹ, các cuộc đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã bùng nổ thành cơn sóng lớn, khiến những kẻ “diều hâu” phải rút khỏi cuộc xâm lược. Vòng tay bè bạn năm châu đã giúp ta đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập và khôi phục lại giang sơn. Và, nếu không bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mở đường ngoại giao hợp tác quốc tế đa phương thì vết thương chiến tranh sẽ khó chữa lành; đất nước sẽ khó có được diện mạo như hôm nay.

Đặc biệt, đồng bào ta, không chỉ riêng trong nước mà còn ở nước ngoài, dù quan hệ lịch sử chính trị khác nhau, nhưng luôn giữ tâm thức hướng về nguồn cội Quốc tổ Hùng Vương. Hiện, ở nước ngoài có hơn 4 triệu người Việt cư trú tại 103 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 1,8 triệu người Việt sinh sống ở Mỹ. (Riêng tỉnh Quảng Nam cũng có 10 ngàn kiều bào đang sinh sống tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ). Rời xa Tổ quốc, quê hương vì những lý do khác nhau, song đồng bào Việt kiều luôn đau đáu với vận mệnh dân tộc; đã góp nguồn lực kiều hối rất lớn cho đất nước. Năm 2009, số tiền kiều bào gửi về nước thông qua các kênh chính thức là 6,2 tỷ USD, năm 2010 là 8,1 tỷ, năm 2011 là 9 tỷ, năm 2013 là 11 tỷ, năm 2014 khoảng 12 tỷ và dự báo tăng thêm khoảng 20% trong năm 2015. Theo hãng chuyển tiền quốc tế (Western Union), những năm gần đây, Việt Nam luôn đứng trong top 10 nước trên thế giới về lượng kiều hối.

Một con chim én không làm nổi mùa xuân. Không riêng ai giữ “độc quyền” về lòng yêu nước thương nòi. Không có câu chuyện đất nước hòa bình, phát triển nếu ta chỉ đứng mình ta ngạo nghễ và cô đơn.

3. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ đối tác chiến lược, các hiệp định hợp tác. Nếu không ràng buộc trong các quan hệ chính trị, kinh tế thì nhân loại cũng phải sát cánh bên nhau trong những vấn đề toàn cầu. Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… nhiều yếu tố khiến không ai có thể đứng riêng.

Với Việt Nam, câu chuyện xây dựng đất nước sau 40 năm có những thời điểm ghi bài học nhắc nhớ về cái giá của sự cao ngạo từ hào quang chiến thắng. Và, bài học về bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống vẫn không bao giờ thừa khi nhắc lại sự tranh thủ ngoại giao quốc tế, phòng ngự từ xa.

Còn phía trước mặt vẫn là thử thách với câu chuyện của hành trình xóa nghèo, rút ngắn khoảng cách tụt hậu, làm cho dân giàu nước mạnh. Không thể cứ tự hào ta anh hùng, ta thông minh, giỏi giang mà vẫn cứ nghèo.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một, riêng, thứ nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO