LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (Báo Quảng Nam đã công bố toàn văn) đặt ra mục tiêu đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.Báo Quảng Nam mở “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”, với mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ “toasoan@baoquangnam.vn”, chuyên mục “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”).
Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn đi kèm với đô thị hóa. Do đó, vấn đề quy hoạch phát triển nói chung, quy hoạch đô thị nói riêng, ở từng vùng, khu vực là nhiệm vụ cần được quan tâm hàng đầu.
1. Tôi đề nghị cần có chủ trương rà soát lại quy hoạch không gian của TP.Tam Kỳ.
Quy hoạch của TP.Tam Kỳ hiện nay chưa hài hòa vì nhiều lẽ; trong đó, có lý do không kế thừa các quy hoạch trước đó. Tôi có nghe và thực tế trải nghiệm rằng, KTS. Ngô Viết Thụ là người thiết kế Tỉnh đường Quảng Nam thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Hiện nay còn lại trụ cổng của UBND tỉnh Quảng Nam có hình hai con rắn hổ mang. Lấy đồi An Hà (nơi có tháp phát sóng truyền hình) là chiếc bình phong tự nhiên. Một vệt không gian từ trước Tỉnh đường cho đến sông Bàn Thạch, qua đồi An Hà được quy hoạch là công viên, không được xây dựng gì cả. Chỉ xây dựng 2 bên. Quy hoạch xây dựng đối xứng ở các đô thị phương Tây, cho đến nay vẫn là quy hoạch đẹp!
Sau khi tái lập tỉnh Quảng Nam, chúng ta không nghiên cứu vấn đề này, nên đã quy hoạch và xây dựng toàn bộ không gian này. Mặt khác, khi tái lập tỉnh cũng đã quy hoạch phát triển đô thị mới ở vùng Đông Tam Kỳ, hướng xuống biển, nhưng việc xây dựng mới không thực hiện được bao nhiêu. Hiện mới có cơ quan hải quan và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai hoạt động tại đây, còn phần lớn các cơ quan đều xây dựng ở nội thành Tam Kỳ. Đáng tiếc, các cơ quan mới xây gần đây cũng xây ở nội thành Tam Kỳ, làm cho mật độ xây dựng ở trung tâm thành phố quá dày, ảnh hưởng đến môi trường sống, tụt mực nước ngầm, khó khăn trong quản lý môi trường đô thị…
Vì vậy, cần thiết, phải rà soát, sửa chữa quy hoạch TP.Tam Kỳ trong tương lai gần. Nếu được, cần có 2 khu hành chính của tỉnh Quảng Nam và TP.Tam Kỳ riêng ở hai bên sông Bàn Thạch. Đồng thời có chủ trương về xây dựng ở Tam Kỳ một công viên (thảo cầm viên), cũng như hệ thống các công viên vui chơi, giải trí khác. Nếu được, cần có chủ trương và định hướng di dời tất cả khu nhà, cơ quan để xây dựng công viên này theo như quy hoạch của KTS. Ngô Viết Thụ trước đây thì rất tốt cho lâu dài, nếu không nói là vĩnh viễn cho TP.Tam Kỳ. Mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi là một trong hướng chính đi xuống biển (rất tiếc là trước đây làm mới, kết nối, nhưng lại không như đường Hùng Vương).
2. Để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc phân vùng kinh tế là rất quan trọng. Vì định hướng phát triển vùng cùng với định hướng phát triển ngành như một cặp bài trùng trong bài toán phát triển. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, chúng ta chia Quảng Nam thành 2 vùng kinh tế: vùng đồng bằng, ven biển - hải đảo (vùng Đông) và vùng miền núi - trung du (vùng Tây). Vùng Đông được coi là vùng động lực để phát triển, tạo sự lan tỏa không những trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch, mà còn phát triển kinh tế biển. Vùng Tây là vùng có đặc điểm là đồi, núi, nhiều tài nguyên (rừng, nước, khoáng sản, lâm sản) cần được bảo vệ và khai thác bền vững; đồng thời đây là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên cần sự đầu tư phát triển khá lớn về hạ tầng cũng như về sinh kế bền vững.
Việc phân thành 2 vùng mà chúng ta đã và đang làm khoảng 15 năm nay, không phải là vấn đề mới, mà chính chúng ta đã nhập 4 vùng mà Quảng Nam đã phân chia từ nhiều năm trước, thành hai vùng. Đó là, vùng đồng bằng nhập với vùng ven biển - hải đảo; vùng trung du nhập với vùng miền núi!
Qua quan sát thực tế, việc lãnh đạo, điều hành để phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa 2 vùng là rất khó, vì phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố của mỗi vùng. Trong đó, đáng kể nhất là tùy theo yếu tố tự nhiên, văn hóa và xã hội mà có chính sách, chiến lược, cách thức lãnh đạo, điều hành khác nhau. Vì vậy tôi đề nghị Đại hội lần này cần xem xét, đánh giá lại việc phân vùng kinh tế một cách khoa học, khách quan, để có điều chỉnh phù hợp. Không thể vùng đồng bằng giống vùng ven biển, hải đảo; vùng trung du giống vùng miền núi, nhất là vùng núi cao, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, cần nghiên cứu phân ra nhiều tiểu vùng ở trong các vùng. Ví dụ, vùng ven biển - hải đảo phía bắc, vùng ven biển - hải đảo phía nam; vùng miền núi phía bắc, vùng miền núi phía nam… để có định hướng chiến lược phát triển cụ thể hơn.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các vấn đề văn hóa - xã hội cũng phải được giải quyết song hành. Trong đó, có vấn đề dân tộc và miền núi. Vì đây là hai vấn đề quan trọng của bất kỳ giai đoạn nào. Cần tham khảo ý kiến các dân tộc khi quyết định đầu tư phát triển và giao quyền tự chủ để họ làm, tránh bao biện làm thay hay áp đặt. Rà soát quy trình quản lý đầu tư, để chấn chỉnh, tăng hiệu quả và tránh mất mát. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc nói chung, dân tộc ít người nói riêng là nhiệm vụ cấp bách. Vì hiện nay đã có dấu hiệu mai một, lai căng.
3. Về định hướng quy hoạch phát triển đô thị miền núi phải hài hòa với thiên nhiên, không nên san ủi, tạo mặt bằng ở khu vực này, mà các công trình xây dựng phải dựa vào núi rừng, xây dựng trên các đường đồng mức, nhằm bảo vệ rừng, chống xói lở. Không lấy đất nông nghiệp để xây dựng đô thị. Cần thiết, nghiên cứu quy hoạch công nghiệp, đô thị ở vùng trung du, nơi có đồi, trảng trọc, đất không canh tác được.
Người ta dự báo, thế giới sẽ khan hiếm nước. Khan hiếm nước do mất rừng là chủ yếu. Vì vậy, cần có chiến lược giữ và phát triển rừng lâu dài, không những ở thế hệ chúng ta, mà thế hệ con cháu sau này. Trước mắt, đề nghị tỉnh rà soát việc phân định các loại rừng để có thể điều chỉnh cho phù hợp theo hướng tăng diện tích rừng đặc dụng, chuyển rừng kinh tế đơn thuần sang rừng kinh tế nông - lâm kết hợp, phục hồi trồng rừng gỗ tự nhiên, cây bản địa. Có chính sách khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, trong đó có chính sách nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng ở Quảng Nam tuy đạt 59% nhưng chủ yếu là rừng kinh tế, trồng keo lá tràm, đến chu kỳ khai thác thì rừng trọc trở lại. Mặt khác, việc mất rừng tự nhiên, cây gỗ quý, mất khoáng sản đã diễn ra hàng mấy thập niên nhưng chưa giải quyết được. Trong đó có yếu tố chủ quan về mặt lãnh đạo, quản lý… là những vấn đề cần đặt ra để có giải pháp căn cơ, mạnh hơn, đủ sức răn đe, phòng ngừa nạn lâm tặc, xâm phạm khai thác khoáng sản ở miền núi trong nhiệm kỳ tới.