Thực hiện Nghị quyết số 671 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170 về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Về phía tỉnh, ngày 6/2, ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
>> Xem toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Việc lấy ý kiến nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quá trình góp ý sẽ phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc lấy ý kiến phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm. Đồng thời ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo luật.
Những nội dung mới
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Theo Bộ TN-MT, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, cụ thể gồm: (1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (3) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; (4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; (5) Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất;
(6) Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất; (7) Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; (8) Quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; (9) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; (10) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến đất đai.
Cần góp ý trọng tâm
Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Các nhóm vấn đề lớn, quan trọng nhất, xuyên suốt của dự luật này là: quy hoạch; tài chính và định giá; thể chế; cải cách thủ tục hành chính và chuyển dịch đất đai.
Nội dung góp ý tập trung vào 9 vấn đề trọng tâm của Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: (1) quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) phát triển quỹ đất; (4) giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
(5) đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) hộ gia đình sử dụng đất.
Nghiên cứu những vấn đề phức tạp
Trong nhiều cuộc hội thảo cũng như tổng hợp ý kiến khi triển khai góp ý lần 1, có 3 vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất và cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, tiếp tục cần được xem xét, quan tâm cho ý kiến.
Một là, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Hai là, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Ba là, quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”.
Vì vậy, những vấn đề này cũng rất cần sự góp ý, phân tích trên cơ sở thực tiễn trong quá trình áp dụng luật hiện nay.
Báo Quảng Nam mở chuyên mục Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Từ số báo thứ Hai 13/2, Báo Quảng Nam mở chuyên mục Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tòa soạn mong nhận được góp ý của bạn đọc, các nhà báo, chuyên gia, nhà quản lý đối với dự thảo luật, nhất là những vấn đề nảy sinh từ thực hiện Luật Đất đai hiện nay trên địa bàn Quảng Nam. Từ đó, đối chiếu so sánh với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), góp ý để luật ngày càng hoàn thiện.
Theo Nghị quyết của Chính phủ, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức từ ngày 3/1 đến hết 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.