(QNO) - Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Đức đang trải qua mùa nắng nóng khắc nghiệt giữa lúc giá nhiên liệu tăng vọt, thậm chí khan hiếm nguồn cung năng lượng.
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 150 năm qua.
Theo báo Mainichi Shimbun, gần một tuần nay, nhiệt độ Tokyo duy trì trên mức 35 độ C khiến hàng trăm người nhập viện vì say nắng và kiệt sức.
Đặc biệt, nhiệt độ tại thành phố Isesaki ở miền Đông Nhật Bản ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong tất cả các tháng 6, vượt ngưỡng quá 40 độ C.
Chính phủ Nhật Bản cảnh báo hàng triệu người ở khu vực Tokyo tiết kiệm năng lượng nếu không sẽ phải đối mặt với việc cắt điện.
"Chúng tôi yêu cầu công chúng giảm tiêu thụ năng lượng vào đầu giờ tối khi tỷ lệ dự trữ giảm" - ông Yoshihiko Isozaki - Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản nói.
Mặc dù khuyến nghị mọi người nên đề phòng, tránh say nắng, ông Yoshihiko Isozaki cũng kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp nên tắt đèn, không sử dụng và hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ.
Các báo cáo cho biết công suất phát điện dự trữ có nguy cơ giảm xuống mức thấp nhất là 3,7% ở Tokyo và khu vực lân cận trong khi dưới 3% là rủi ro thiếu điện hoặc mất điện.
[Video] - Người dân Tokyo chống chọi với nắng nóng (nguồn: NBCnews):
Ông Kaname Ogawa - Giám đốc Chính sách cung cấp điện của Bộ Kinh tế và công nghiệp Nhật Bản cho biết, nhu cầu sử dụng điện cao do nắng nóng bất thường.
Mùa mưa ở Tokyo và các khu vực ở miền Đông và miền Trung Nhật Bản dường như đã kết thúc. Đây có thể là mùa mưa kết thúc sớm nhất ở khu vực kể từ khi các dữ liệu được thu thập vào năm 1951.
Asako Naruse - một người dân tại Nhật Bản cho biết cô chưa bao giờ trải qua cái nóng gay gắt như thế này vào đầu mùa hè. "Tôi đến từ miền Bắc Nhật Bản, vì vậy nhiệt độ này có vẻ rất khắc nghiệt" - Asako Naruse nói.
Từ giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ Đức khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia, kêu gọi người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm điện trong bối cảnh giá năng lượng và lạm phát tăng cao.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Ngành dịch vụ điện - nước - gas (BDEW) của Đức, 77% người Đức đang tiết kiệm năng lượng, chủ yếu là để giảm chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày.
Ông Robert Habeck - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế và môi trường của Đức khẳng định: "Bất kỳ ai tiết kiệm năng lượng đều giúp Đức bớt phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga và quan tâm đến vấn đề khí hậu".
Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức - Bundesbank Joachim Nagel, giá tiêu dùng sẽ còn tăng trong năm nay so với thời điểm đầu những năm 1980.