Một tấm gương học Bác

HỒ QUÂN - THANH NHẬT 11/08/2018 10:04

(QNO) - “Còn sức còn cống hiến”, đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Sinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) - người luôn giúp đỡ hội viên thoát nghèo và tiên phong trong các phong trào ở địa phương.

Bà Sinh luôn tìm hiểu những câu chuyện về Bác làm đề tài sinh hoạt Chi bộ. Ảnh: Quân Nhật
Bà Sinh luôn tìm hiểu những câu chuyện về Bác làm đề tài sinh hoạt chi bộ. Ảnh: QUÂN NHẬT

Giúp hội viên thoát nghèo

Tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi, với trọng trách giao liên đơn từ, bà Nguyễn Thị Hồng Sinh bôn ba trên khắp các chiến trường, góp công trong công cuộc giải phóng huyện Hiệp Đức. Sau giải phóng, bà được điều về làm việc tại Huyện ủy Hiệp Đức và đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau. Năm 2011, bà chuyển công tác về xã Hiệp Hòa và được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam. Dù nay đã 67 tuổi, đi lại khó khăn nhưng bà Sinh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhận thấy Hội Nạn nhân chất độc da cam xã có 260 hội viên nhưng hơn một nửa là hộ nghèo, bà Sinh đã đưa ra nhiều hướng đi mới, được mọi người hưởng ứng. Bà vận động các tổ chức, nhà hảo tâm được hơn 400 triệu động để tạo nguồn quỹ cho hoạt động của hội. Đối với những hội viên chưa có điều kiện phát triển kinh tế, bà định hướng họ theo mô hình chăn nuôi xoay vòng. Cụ thể, mỗi mội viên sẽ được hỗ trợ vốn, trích từ nguồn quỹ của hội để nuôi một con heo và một con bò. Khi bò, heo đẻ lứa đầu tiên và lứa thứ 2 thì sẽ trao con vật nuôi mới đẻ cho người khác nuôi để mở rộng mô hình. Từ lứa thứ 3 trở đi thì thuộc quyền sở hữu của người được trao ban đầu.

Bà Sinh tâm sự: “Trong những đợt sinh hoạt tháng, tôi thường tuyên truyền các hội viên rằng, dù mình thuộc diện đối tượng chính sách nhưng đừng trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ mà phải vươn lên phát triển kinh tế. Khi đã khá lên thì quay lại giúp những trường hợp có hoàn cảnh giống mình cùng làm thì hội mới lớn mạnh, mới góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo”.

Sau 5 năm áp dụng mô hình trên, không những tất cả hội viên đã thoát nghèo hoàn toàn mà nhiều gia đình còn chăn nuôi cho thu nhập cao. Điển hình như hộ bà Trần Thị Hà (50 tuổi, thôn 5), trước đây thuộc hộ nghèo của xã, không có công việc ổn định, con lại bị nhiễm chất độc dioxin nên hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ được định hướng và hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình bà Hà có thu nhập ổn định và thoát nghèo vào năm 2017.

Tiên phong trong phong trào

Ngoài làm tốt các nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã, với vai trò Bí thư Chi bộ thôn 5, bà Sinh luôn gương mẫu trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiều năm liên tục bà Nguyễn Thị Hồng Sinh được Đảng bộ huyện Hiệp Đức, UBND xã Hiệp Hòa tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ công tác. Ngoài ra, bà vinh dự 2 lần được xã Hiệp Hòa khen tặng danh hiệu xuất sắc về “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011-2013 và 2015-2017.

Năm 2013, khi có thông báo về việc bê tông hóa tuyến đường giao thông liên xã để hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới, bà Sinh tiên phong dọn dẹp một góc khu vườn trồng sâm núi, đinh lăng thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm để hiến đất cho xã. Sau đó, bà họp Chi bộ thôn 5, tuyên truyền các chủ trương xây dựng nông thôn mới và vận động mọi người gỡ bỏ hàng rào, chặt bỏ vườn cây ăn quả nơi có tuyến đường đi qua để quá trình thi công được diễn ra thuận lợi.

Bên cạnh đó, hướng tới xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, bà đã lập ra “4 chuẩn mực” để mọi người phấn đấu, bao gồm: không có tệ nạn xã hội, không có con bỏ học, gia đình văn hóa và giữ gìn tốt vệ sinh mội trường. Qua công tác vận động trong các buổi sinh hoạt chi bộ, nhiều gia đình đã hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Nhờ đó, thôn 5 là đơn vị đi đầu trong việc hoàn thành các tiêu chí, nhất là tiêu chí về xây dựng giao thông nông thôn, văn hóa và môi trường, góp phần cùng với toàn xã cán đích nông thôn mới năm 2019 theo mục tiêu đề ra.

Bà Sinh còn hiến còn hiến tặng 1.000m2 diện tích đất ông bà để lại để xã xây dựng nhà văn hóa thôn 1; thành lập câu lạc bộ tuồng chèo để giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Tính riêng năm 2017, bà vận động được 170 triệu đồng giúp người dân kiên cố nhà cửa trước mùa mưa bão.

Ông Phạm Văn Luân - Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa cho biết: “Bà Nguyễn Thị Hồng Sinh là một đảng viên xuất sắc, có nhiều đóng góp trong trong công tác xây dựng Đảng, các tổ chức hội, xây dựng chi bộ đoàn kết vững mạnh. Đồng thời bà cũng là tấm gương tiêu biểu, tiên phong trong các hoạt động thể thao, văn hóa - văn nghệ, các hoạt động từ thiện, được cán bộ và nhân dân tin tưởng”.

HỒ QUÂN - THANH NHẬT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một tấm gương học Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO