Một tấm lòng tri ân

PHAN VINH - MINH THÔNG 12/10/2017 09:50

(QNO) - Bà Nguyễn Thị Bích sinh sống tại thôn Trung Hạ, xã Quế Trung (Nông Sơn) nhưng lại có một tình cảm đặc biệt với thôn Ninh Khánh 1, xã Quế Ninh...

Bà Nguyễn Thị Bích thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm. Ảnh: VINH THÔNG
Bà Nguyễn Thị Bích thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm Trại Tiệp. Ảnh: VINH THÔNG

Con đường dẫn vào khu vực Gò Trại (thôn Khánh Ninh 1, xã Quế Ninh, Nông Sơn) chỉ hơn 1km nhưng là con đường đi lại duy nhất của hơn 100 hộ dân. Nhiều năm gần đây, con đường này xuống cấp trầm trọng, nắng bụi, mưa bùn khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, bà Bích đã vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm để mua vật liệu xây dựng lại thành con đường bê tông dài hơn 1km, rộng 4m và 1 cây cầu bắc qua khe Sổ để việc đi lại của thôn Khánh Ninh 1 được thuận lợi.

Ngoài ra, bà Bích còn vận động xây dựng công trình Khu tưởng niệm Trại Tiệp để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại thôn Ninh Khánh 1. Công trình gồm 1 gian nhà, có võng, bàn cờ tướng, bếp Hoàng Cầm, bàn ghế... Được biết, kinh phí để xây dựng công trình đường bê tông và khu tưởng niệm tại thôn Ninh Khánh 1 hơn 5 tỷ đồng. Về dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm Trại Tiệp vào ngày 9.10 vừa qua, bà Bích chia sẻ: “Là một người từng tham gia kháng chiến, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh nên thâm tâm tôi luôn nghĩ về các liệt sĩ đã ngã xuống. Sau khi nghỉ hưu tôi có dịp về đây thăm và thắp hương cho các liệt sĩ, được nghe người dân kể lại sự cống hiến của họ. Những câu chuyện này mãi ám ảnh trong tâm trí nên tôi quyết định vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để xây dựng khu tưởng niệm”.

Toàn cảnh Khu nhà tưởng niệm Trại Tiệp. Ảnh: VINH THÔNG
Rất đông người dân cùng chính quyền, ban ngành về dự lễ khánh thành khu tưởng niệm. Ảnh: VINH THÔNG

Từ ngày con đường trước nhà được nâng cấp đưa vào sử dụng, nay lại thêm công trình Khu tưởng niệm Trại Tiệp được khánh thành, ông Uông Văn Cần (thôn Ninh Khánh 1) là người hiểu rõ niềm vui của người dân nơi đây. “Con đường xây mới, việc đi lại của người dân được thoải mái hơn. Mặt khác, điều kiện phát triển kinh tế cũng được nâng lên bởi đây là con đường chở keo thành phẩm duy nhất của người dân để bán cho thương lái. Về khu tưởng niệm, đây là địa chỉ để chúng tôi giáo dục con cháu trong thôn về truyền thống yêu nước của dân tộc” - ông Cần chia sẻ.

Được biết, năm 1969, tại khu vực Gò Trại, thôn Xoài Đôi (nay là thôn Ninh Khánh 1) có một đội quân gồm 20 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5 và 1 y tá đang di chuyển qua khu vực Trại Tiệp (dưới chân Gò Trại) thì bị phục kích. Tất cả đều hy sinh. Sau đó, bọn địch còn tịch thu, tiêu hủy giấy tờ tùy thân của các đồng chí nên đến nay, không ai biết được nhân thân, gia đình của các liệt sĩ này.

Con đường dẫn vào thôn Ninh Khánh 1 (Quế Ninh) giờ đã khang trang. Ảnh: VINH THÔNG
Con đường dẫn vào thôn Ninh Khánh 1 giờ đã khang trang. Ảnh: VINH THÔNG

Bày tỏ xúc động và cảm ơn các mạnh thường quân, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Bích để có một khu tưởng niệm liệt sĩ đầy ý nghĩa như hôm nay, ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Ninh cho biết, đây sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương nhắc nhớ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho con em sau này. Còn với bà Bích, vẫn còn những trăn trở về việc cần làm ở phía trước. “Trước đây nơi này là chiến khu và có một trạm y tế, bộ đội hy sinh tại đây rất nhiều. Thời gian tới, tôi muốn tiếp tục vận động mở rộng thêm khu tưởng niệm, nắm bắt thêm thông tin về các liệt sĩ ngã xuống tại nơi này để tỏ lòng tri ân sâu sắc...” - bà Bích nói.

PHAN VINH - MINH THÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một tấm lòng tri ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO