Năm 2017, kỷ niệm 170 năm ngày sinh và 130 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887) - một trong những văn thân yêu nước tiêu biểu trong phong trào Cần vương vào cuối thế kỷ 19.
Hội chủ Nghĩa hội
![]() |
Chân dung Nguyễn Duy Hiệu. Ảnh: Internet |
Nguyễn Duy Hiệu quê làng Thanh Hà, phủ Điện Bàn, nay thuộc phường Cẩm Hà, TP.Hội An. Năm 1863 ông thi đỗ tú tài khi mới 16 tuổi, đến năm 1876 đỗ cử nhân, năm 1879 đỗ phó bảng. Ông là người có đạo đức, học vấn lại uẩn súc nên năm 1882 được vua Tự Đức bổ dụng làm giảng tập ở Dưỡng Thiện Đường để dạy các hoàng tử, trong số đó có Ưng Đăng sau này là vua Kiến Phúc.
Năm 1885, nhận thấy triều chính rối ren, Nguyễn Duy Hiệu lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già trên 80 tuổi nên cáo quan về quê. Sau đó, ông cùng Trần Văn Dư lập ra và lãnh đạo Nghĩa hội Quảng Nam. Cuối năm 1887, triều đình Đồng Khánh và thực dân Pháp quyết chí tiêu diệt phong trào Cần vương, nên dồn lực lượng bao vây nghĩa quân và xâm nhập vào tận sào huyệt của Nghĩa hội ở căn cứ Trung Lộc. Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến chạy xuống vùng biển An Hòa.
Nhận thấy Nghĩa hội đã bước vào giai đoạn suy tàn, lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu bàn với Phan Bá Phiến: “Nghĩa hội ba tỉnh ông với tôi thật chủ trương. Việc đã không thể làm thì chỉ có chết mà thôi. Nhưng hai ta cùng chết một lúc là vô ích. Ông hãy chết trước. Phần tôi, tôi sẽ giải tán hội rồi đem thân cho Pháp bắt. Người Pháp tra hỏi, tôi sẽ cực lực giải thoát cho hội. Một mình tôi chết không đáng tiếc, còn hội ta sau này có kẻ làm thành chí ta, tức là ta sống đó”. Trước mặt ba quân, Phan Bá Phiến đem tất cả hồ sơ, sổ sách ra đốt, rồi uống thuốc độc tự tử, mang tất cả bí mật của Nghĩa hội theo mình. Còn Nguyễn Duy Hiệu theo sông Trường Giang về lại quê nhà. Thọ tang mẹ, đi viếng mộ thầy xong, ông liền ra ngôi miếu cổ ở làng Thanh Hà, rồi cho người báo tin để Nguyễn Thân đến bắt.
Khi bị giải ra Viện Cơ mật ở Huế, ông vẫn ung dung tự tại: “Nghĩa hội Quảng Nam ở ba tỉnh không dưới vài trăm, đều là người có tên tuổi, nhưng chủ trương duy chỉ có mình Hiệu mà thôi. Kỳ dư đều bị ép theo… Vậy chém một mình Hiệu cũng đủ, chớ nhọc lòng hỏi tội những kẻ khác làm gì”. Ngày Rằm tháng Tám năm Đinh Hợi (1.10.1887) ông ra pháp trường đền nợ nước.
Nguyễn Duy Hiệu là người nổi tiếng hay chữ, từng có danh vị phó bảng. Thế nhưng, ông là con người của hành động chứ không phải là nhà lý luận hay chú mục làm thi văn. Nếu sự nghiệp cách mạng của ông cao vời vợi thì sự nghiệp văn chương của ông thật khiêm tốn. Tuy vậy, hai câu chuyện, một chính sử một giai thoại được truyền tụng sau đây nói lên tài văn chương và tầm nhìn vượt thời đại của ông.
Người bán chiếu bất đắc dĩ
Chuyện kể, năm đó làng Đồng Tranh - nay thuộc xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức - tổ chức khánh thành ngôi đình làng. Các vị chức sắc và văn thân trong làng ra một vế đối và thách đối. Ai đối được sẽ có thưởng lớn: “Văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ đồng tranh long hổ bảng”. Cái hay và khó của vế đối là ở chỗ có nhiều điệp từ đồng âm dị nghĩa. Chữ “đồng tranh” vừa là danh từ chỉ địa danh vừa là động từ chỉ sự tranh đua. Cái thần của vế đối là thể hiện ước nguyện của người dân trong làng là đỗ đạt để thành danh (“long hổ bảng” là cái bảng ghi tên những người đỗ đạt cao trong thi cử dưới thời phong kiến, long dành cho văn, hổ dành cho võ). Câu thách đối được treo lên cả mấy tháng nhưng ai đọc qua cũng đều lắc đầu. Vì vậy hai trụ biển trước đình làng vẫn bỏ trống và lễ khánh thành ngôi đình làng cứ phải dời lại nhiều lần.
Một ngày vào cuối tháng sáu, các chức sắc của làng đang họp trong gian giữa của đình để giải quyết vấn đề này thì có một người quảy gánh chiếu đi ngang. Người bán chiếu xin chén nước chè nóng vừa uống vừa đọc câu thách đối. Uống xong bát nước, người bán chiếu xin giấy bút và viết câu đối. Nhìn nét bút vừa nhanh vừa cứng cỏi kỳ lạ, ai cũng trầm trồ. Vế đối thứ hai này có nội dung: “Quân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần gia hội phụng hoàng trì”. Câu đối quá xuất thần. Vua đối với văn, quân đối võ, Đồng Tranh đối với Gia Hội. Hai chữ Gia Hội cũng là danh từ chỉ địa danh (thôn Gia Hội thuộc làng Gia Cát gần đó, nay thuộc xã Quế Phong, huyện Quế Sơn) nhưng cũng là động từ chỉ sự họp lại. Cả hai chữ “đồng tranh” và “gia hội” cũng toát luôn cái thần của vế đối hướng đến mục đích là “phụng hoàng trì” (ở đây được hiểu là giúp nước). Viết xong câu đối người bán chiếu đã vội vã quảy gánh chiếu lên vai đi một mạch trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Các chức sắc làng Đồng Tranh còn đang bình luận về vế đối thì quân Nguyễn Thân ùn ùn kéo đến để truy lùng Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu.
Sau khi quân Nguyễn Thân rút đi vị tiên chỉ làng Đồng Tranh mới nhìn vào vế đối mà nói: “Bọn ta thật có mắt mà như mù. Chỉ có ngài Hội chủ Hường Hiệu mới có được khẩu khí này mà thôi. Bọn ta thật có tội chỉ biết nghĩ đến cái danh hão mà quên đi đại sự. Tiếc là dân làng ta không bảo vệ được cho ngài hay chí ít cũng tiễn ngài một đoạn đường”.
Mảnh giấy nhỏ và... tầm nhìn xa
Sử gia Phạm Văn Sơn trong tác phẩm Việt Nam cách mạng cận sử (1885-1914), cho biết khi bị giam chờ ra pháp trường, Nguyễn Duy Hiệu có gửi cho con trai (khoảng 15 - 16 tuổi, cùng bị bắt và giải một cũi theo ông ra Huế) một mảnh giấy với nội dung: “Nếu triều đình xử tử hình toàn gia chúng ta thì chúng ta sẽ được gặp nhau hết nơi chín suối. Còn nếu không may, triều đình chỉ làm tội riêng cha thì con chịu khó nuôi bà, dạy các em như lúc cha còn sống, không nên đeo đuổi cái học khoa cử, từ chương nữa, chỉ lầm mình, lầm nhà, lầm thiên hạ mà thôi” (trang 184). Chỉ có mấy dòng ngắn ngủi nhưng lại vô cùng quan trọng vì là di ngôn gửi lại cho con trai trước lúc đi xa và thể hiện một chính kiến tuyệt vời.
Phải nghiền ngẫm bao nhiêu ngày, phải trải nghiệm bao nhiêu đắng cay, rút ra bao nhiêu bài học mới có thể thốt ra được lời khuyên, lời đánh giá như vậy! Nên nhớ lời phát biểu chính kiến này xảy ra vào năm 1887, trước ngày Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp viết “Chí thành thông thánh”, “Danh Sơn lương ngọc” bài xích khoa cử đúng 18 năm (1905) và trước ngày cáo chung của khoa cử Nho học đúng 32 năm (1919). Nguyễn Duy Hiệu đã đi trước thời đại trên một phần tư thế kỷ!
Những năm cuối thế kỷ 19, Nho học và khoa cử vẫn còn rất thịnh. Nguyễn Duy Hiệu là người đã “hít thở”, “tắm gội” trong cái môi trường đó lại có thể bày tỏ một chính kiến đặc biệt như vậy. Đây quả là một tầm nhìn vượt thời đại.
Văn chương của Nguyễn Duy Hiệu không phải là thứ văn chương thù tạc vì thế chỉ cần một vế đối, một bài “Tuyệt mệnh thi” và mấy dòng ngắn ngủi trên một mảnh giấy nhỏ gửi cho con trước lúc đi xa, cũng đủ để trở thành bất hủ trong lòng hậu thế vì nó chứa trong đó cả một “tầm nhìn” một “trí tuệ” và một “tấm lòng” không phôi pha trước vận nước và dân tộc.
LÊ THÍ