Một thành tựu to lớn

VÂN TRÌNH 06/01/2021 06:37

Nếu như Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đem lại sự hồi sinh kỳ diệu cho dân tộc Việt Nam thì Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên tổ chức vào ngày 6.1.1946 đã mở ra một bước ngoặt trọng đại, một trang  mới cho phụ nữ nước nhà.

Báo Quốc hội số 9 ngày 27.12.1945 đăng ở trang nhất bài viết kêu gọi: “Các bạn gái chúng ta phải đi bầu“.
Báo Quốc hội số 9 ngày 27.12.1945 đăng ở trang nhất bài viết kêu gọi: “Các bạn gái chúng ta phải đi bầu“.

Thực hiện bầu cử bình đẳng

Ngày 3.9.1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, một trong 6 nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cần phải thực hiện ngay là “...tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân “sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ”. Bầu cử bình đẳng là một trong các nguyên tắc bầu cử quan trọng nhất. Điều 2 Sắc lệnh 14 và Sắc lệnh 51 quy định rõ: “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử...”. Trên báo Cứu Quốc ngày 30.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “... Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Như vậy, chỉ trong vòng vỏn vẹn 4 tháng 4 ngày kể từ ngày lập nước Việt Nam mới, phụ nữ nước ta đã được hưởng quyền bầu cử. Trước đó, trong hàng nghìn năm, đại đa số phụ nữ Việt Nam trong chế độ phong kiến bị tước mọi quyền sở hữu, giáo dục và pháp lý trong xã hội, hoàn toàn phụ thuộc vào đàn ông, lẩn quẩn trong vòng cương tỏa “tam tòng” khắc nghiệt. Từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, trong chế độ thực dân nửa phong kiến, quyền của người phụ nữ, nhất là các quyền thuộc về quyền lợi chính trị, cũng chưa bao giờ được xác lập trên bất cứ văn bản pháp luật nào của nhà nước. Trong suốt 19 năm tồn tại của Viện Dân biểu Trung Kỳ, qua nhiều lần bầu cử, trong thành phần cử tri được quy định có quyền tham gia bầu cử vào Viện này không hề có bóng dáng phụ nữ!

Xóa bỏ khoảng cách giới

Các nhà nghiên cứu nhận định: Quyền bầu cử của phụ nữ nước ta được thực hiện 75 năm trước là một thành tựu vĩ đại sau Cách mạng Tháng Tám. Chính việc bầu cử bình đẳng không phân biệt nam nữ này đã nâng địa vị người phụ nữ Việt Nam lên ngang hàng với nam giới và sánh vai cùng phụ nữ các nước có nền pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ đương thời. Trên báo Quốc hội số 11 ra ngày 29.12.1945, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi khẳng định: “Cuộc Tổng tuyển cử sắp đến là một bước tiến bộ rất dài trên con đường đi tới của dân tộc Việt Nam. Một đặc điểm làm chói lọi thêm trang lịch sử mới này: Phụ nữ cũng được quyền ứng cử và bầu cử. Trừ Tô Nga (tức Liên Xô - NV) và gần đây một vài nước dân chủ nữa ra thì chưa ở đâu là thấy phụ nữ được hưởng quyền ấy”. Quả vậy, ngay cả nước Pháp tự xưng là đi “khai hóa văn minh” cho các nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng mãi đến năm 1945 phụ nữ Pháp mới được hưởng quyền bỏ phiếu.

Bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã thành công trên phạm vi cả nước, bầu được 333 đại biểu, trong đó có 10 đại biểu nữ: Vũ Thị Khôi (Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (Hà Đông), Bùi Thị Diệm tức Lê Phương (Hải Dương), Cao Thị Khương (Hưng Yên), Tôn Thị Quế (Nghệ An), Lê Thị Xuyến (Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (Gia Định), Nguyễn Thị Thập (Mỹ Tho), Ngô Thị Huệ (Bạc Liêu), Nguyễn Thị Thục Viên (Hà Nội). Bà Lê Thị Xuyến, vợ nhà cách mạng nổi tiếng Phan Thanh, vinh dự là đại biểu nữ duy nhất được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội ngay tại kỳ họp đầu tiên ngày 2.3.1946, được phân công phụ trách Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội và đảm đương nhiệm vụ này cho đến khi giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Ngày nay, Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có nỗ lực tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Đáng chú ý là tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đều cao hơn nhiệm kỳ trước. Trong đó, tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV là 27,31%, tăng 3,11% so với khóa XIII và lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Những kết quả quan trọng và có ý nghĩa ấy bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6.1.1946 - một sự kiện lịch sử đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thành tựu to lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO