Một thế giới thơ quen thuộc và khác biệt...

BẢO ANH 12/11/2023 09:15

Tuyển tập “Thơ thế giới - Thế giới thơ” gợi nhớ và làm sống lại những bài thơ quen thuộc vang danh một thời; góp phần tôn vinh thơ ca trong bối cảnh không ít người cho rằng thơ đang bị rẻ rúng...

Bìa tập thơ “Thơ thế giới - Thế giới thơ”.
Bìa tập thơ “Thơ thế giới - Thế giới thơ”.

Những câu thơ hằng sống...

Cũng phải hơn 30 năm rồi tôi mới lại bắt gặp bài thơ nổi tiếng “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời” của nhà thơ Nga lừng danh Evgeny Evtushenko xuất hiện trang trọng trong một tập thơ.

Những câu thơ gần gũi, giản dị nhưng giàu triết lý kia tưởng đã nằm quên đâu đó trong mớ ký ức xô bồ, đầy chật lo nghĩ... chợt bừng thức, sáng rõ từng chữ, từng câu: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?” (Bằng Việt dịch)... Đọc lại, đọc thật chậm và ngẫm: thơ - nhất là thơ hay, vẫn hằng sống và tái sinh một cách tự nhiên không chỉ trong không gian lung linh, sang trọng của riêng mình mà còn giữa vô tận đời sống.

Cuốn sách mà tôi đề cập ở đây chính là tuyển tập thơ “Thơ thế giới - Thế giới thơ” - một tuyển tập khá đồ sộ, có độ dày gần 500 trang, được in tới 1.000 bản, do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào quý III-2023.

Cùng với nhà thơ Evgeny Evtushenko, tuyển tập thơ này còn giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của 30 nhà thơ khác, trong đó có 9 nhà thơ nước ngoài và 21 nhà thơ Việt Nam.

Những bài thơ được chọn vào tuyển tập, theo như người tuyển chọn - nhà thơ Đặng Huy Giang, thì “hầu hết có độ phổ biến và độ phủ sóng rất lớn trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam”.

“Thơ thế giới - Thế giới thơ” là tuyển tập thơ “nặng ký” khi có tới hơn 300 bài thơ tiêu biểu của một số nhà thơ lừng danh trên thế giới và của nhiều tác giả quen thuộc trong làng thơ Việt được tuyển chọn và giới thiệu. Dù đã có một độ lùi thời gian khá dài nhưng nhiều câu thơ không hề cũ mà vẫn cứ tươi mới, trẻ trung và hiện đại.

Tôi khai quang nỗi buồn và cái chết/ Bằng đôi mắt em tôi/ Ôi đôi mắt đi suốt đời tôi mới gặp” trong bài thơ “Mắt em tôi” của nhà thơ Chim Trắng, hay “Những bàn tay lạnh/ vội vã tháo gỡ/ từng miếng băng bóng tối/ Tôi mở mắt/ Còn đây/ Tôi vẫn sống/ Ngay giữa/ Một vết thương” trong bài thơ “Đầu ngày” của Octavio Paz (Hoàng Ngọc Tuấn dịch) là hai trong số những câu thơ nằm trong trường hợp này.

Còn với “Giã từ” của Guililaume Apollinaire - từ những thập niên đầu thế kỷ 20 đã là bài thơ nằm lòng của nhiều người Việt Nam yêu thơ: “Chùm thạch thảo này anh đã ngắt/ Mùa thu chết rồi xin em nhớ cho/ Mình sẽ chẳng gặp nhau trên cõi thế/ Hương thời gian đây chùm thạch thảo/ Xin nhớ rằng anh vẫn chờ” (Hoàng Hưng dịch).

Bài thơ này, từ năm 1965, khi được nhạc sĩ Phạm Duy hóa thân thành ca khúc “Mùa thu chết”, nó càng trở nên quen thuộc với nhiều người Việt Nam: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/ Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi!/ Mùa thu đã chết, em nhớ cho/ Mùa thu đã chết, em nhớ cho...”.

Độc đáo và khác biệt

Không chỉ “độ phủ sóng rất lớn trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam”, nhiều bài thơ trong tuyển tập “Thơ thế giới - Thế giới thơ” còn “có tính tư tưởng, mang giá trị nhân sinh rất cao nhờ cách nhìn nhận thế giới một cách độc đáo và khác biệt”.

Nhiều bài thơ, câu thơ đầy suy tư, giàu triết lý, nhưng không phải được dựng lên bởi những điều cao siêu, xa lạ, thách đố mà là bằng những câu chữ gần gũi, mộc mạc: “Chính từ đất mà có/ bánh mì/ nhưng đất/ không phải bánh mỳ/ Hãy làm đất cho kỹ/ đất sẽ cho cửa sổ/ những cửa sổ lớn” (Chùm thơ ngắn, Ynít Rítxốt, Tế Hanh dịch).

Những nguyên lý hiển nhiên của đời sống không ở đâu xa mà ở ngay trước mắt chúng ta. Nhưng để nhận ra và làm cho nó bay lên bằng đôi cánh của thơ ca, bằng vẻ đẹp của ngôn từ, thì không phải ai cũng có thể làm được.

Nguyễn Đông Nhật, một cây bút đương đại xứ Quảng, vừa viết văn vừa làm thơ, là một trong số 21 nhà thơ Việt góp mặt trong tuyển tập “Thơ thế giới - Thế giới thơ”. 10 bài thơ được chọn của anh đều cô đọng mà lung linh.

Và khác biệt - khác biệt mà gần gũi như một Hội An trong lòng anh; khác biệt trong sự thắm thiết của máu thịt, trong gắn bó, yêu thương đến đớn đau: “Nỗi cô đơn đã đẩy xô tôi/ về thị xã này. Nơi ký ức/ Sống cuộc đời riêng. Và lặng lẽ/ chảy bằng một nửa máu trong tôi” (Hội An)...

Hay với Nguyễn Việt Bắc, bên cạnh những “Tình yêu trong thế giới phẳng”, “Về làng”, “Không cầm được”..., ông còn có một “Thiên Thai” độc đáo. Tưởng phiêu du ở một cảnh giới khác, hằng nguyên và xa lạ, nhưng hóa ra lại đầy thao thức nhân sinh: “Một mình/ lên đỉnh Thiên Thai/ Đến nơi/ bỗng thấy/ thành hai con người/ Một người/ theo gió rong chơi/ Một người/ ngồi/ với bời bời/ cỏ xanh” (Thiên Thai)...

Thế giới luôn rất rộng lớn. “Thơ thế giới - Thế giới thơ” cũng vậy. Với nhà thơ Đinh Tấn Phước, nguyên Giám đốc Cảng Hàng không Chu Lai, dường như những suy nghiệm trong thơ anh - có chăng, cũng không vì điều gì khác ngoài việc nhằm giữ gìn và xưng tụng tình yêu - báu vật của muôn đời, muôn người: “Anh đốt trong anh ngọn lửa/ giữ đêm/ đom đóm khuya/ cùng trời bay ngược lại/ thế là mình không lạc nhau!” (Bóng thức).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thế giới thơ quen thuộc và khác biệt...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO