Một thế kỷ Pháp tại Đông Dương

KIM OANH 19/10/2013 10:23

Từ ngày 16-26.10.2013, tại Bảo tàng Quân đội thủ đô Pari nước Pháp diễn ra cuộc triển lãm quy mô lớn và ấn tượng mang tên “Đông Dương, miền đất và con người 1856-1956”.

Với không gian trưng bày trên diện tích 600 mét vuông, gần 400 hiện vật, từ trang phục, bản rập, tài liệu lưu trữ, phim, vũ khí…được đưa về từ Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Quai Branly và kho lưu trữ của lãnh thổ hải ngoại Pháp, thực sự làm sống lại thời kỳ Pháp đô hộ Đông Dương. Một trăm năm lịch sử hiện diện của Pháp tại Đông Dương được “vẽ lại” ở đây, từ những sĩ quan hải quân đầu tiên ngược dòng sông Mêkông vào giữa thế kỷ 19, cho đến sự kiện Điện Biên Phủ thất thủ. Đó là các chiến binh Đông Dương chiến đấu chống lại quân Pháp, và những người lính Việt Minh cuối cùng đã đè bẹp lực lượng Pháp vào tháng 5.1954 trong trận đánh Điện Biên Phủ gây chấn động địa cầu. Triển lãm còn có bức chân dung của Nguyễn Phúc Cảnh (1780-1801), thường được gọi là Hoàng tử Cảnh, con của chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau là vua Gia Long) và Nguyên phi Tống Thị Lan (sau là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu). Chân dung này được vẽ lúc Hoàng tử Cảnh lên 7 tuổi do họa sĩ Maupérin vẽ tại Pháp vào năm 1787. Khi đó, triều đình Pháp may cho hoàng tử 1 bộ y phục kiểu Pháp pha Á Đông, bỏ áo dài, quần lụa. Bức tranh này được trưng bày ở Hàn lâm viện Hội họa và Điêu khắc của Pháp vào năm 1791, sau do Hội Truyền giáo nước ngoài ở Paris giữ. Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu hình ảnh của những người lính và sĩ quan viễn chinh, các nhà dân tộc học, địa lý học Pháp.

Chân dung Hoàng tử Cảnh tại triển lãm.
Chân dung Hoàng tử Cảnh tại triển lãm.

Tướng Christian Baptiste, giám đốc Bảo tàng Quân đội nhấn mạnh: “Bảo tàng không muốn đóng vai trò luật sư hay công tố, mà chỉ trình bày tất cả, với phương pháp giải thích và minh họa một cách khoa học về những thời kỳ đôi khi khủng khiếp của lịch sử thuộc địa”. Ông cho biết thêm, ban đầu, chính phủ Pháp muốn đặt chân vào châu Á để mở ra thị trường Trung Hoa, chống lại ảnh hưởng của Anh. Hai bộ triều phục lộng lẫy bằng lụa thêu của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tượng trưng cho cuộc kháng chiến của người dân Việt trước cuộc xâm lăng của Pháp. Lúc đầu còn do dự, nhưng sau Hoàng đế Napoleon (Pháp) đệ tam đã xuôi theo ý định chiếm đóng thuộc địa.  Những tấm bản đồ đầu tiên của thung lũng Mêkông và các vùng biên minh họa nhiều thập kỷ hiện diện. Sau quân đội, đến lượt các nhà truyền giáo và công chức, phụ trách quản lý và khai thác mảnh đất thuộc địa. Những bộ quân phục và vũ khí nhắc nhở rằng hàng chục ngàn tay súng Đông Dương đã chiến đấu tại Pháp và châu Âu trong hai cuộc đại chiến thế giới. Còn Christophe Bertrand, một trong những người chịu trách nhiệm triển lãm nhận xét : “Sau năm 1945, chiến tranh Đông Dương không còn là một cuộc chiến thuộc địa cổ điển, mà trong khuôn khổ chiến tranh lạnh”. Một tấm áp phích của đảng Cộng sản Pháp vào thời đó trưng bày ở gian cuối kêu gọi chấm dứt tình trạng thù địch: “Đã quá đủ tang tóc, đã quá nhiều tiền bạc bị lãng phí”. Cuộc phiêu lưu trở thành thảm họa đối với mấy ngàn người lính Pháp sống sót sau trận Điện Biên Phủ. Những dạng hình ốm đói nằm dài trên những chiếc băng-ca, được ghi lại trong những thước phim lưu trữ của quân đội và vài chục tấm ảnh minh chứng cho giai đoạn này.

Cũng tại gian cuối triển lãm, một bức ảnh đen trắng khổ thật to nhắc lại rằng hồi kết của cuộc chiến Đông Dương đánh dấu sự khởi đầu của chiến tranh Việt Nam, những người lính Mỹ thay chân lính Pháp. Cuộc triển lãm lần này của Bảo tàng Quân đội Pháp được xem là chương trình mở đầu cho “Mùa Đông Dương”, có sự tham gia của Bảo tàng Guimet ở Paris và Bảo tàng Thập niên 30 ở Boulogne-Billancourt.

KIM OANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thế kỷ Pháp tại Đông Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO