Một thoáng bảo tàng vũ khí

NGUYỄN ĐIỆN NAM 07/12/2023 13:30

(VHQN) - Đi chơi Vũng Tàu, có dịp tham quan Bảo tàng vũ khí cổ, do một người Anh lập ra, càng cảm nhận sự hội ngộ Đông - Tây khá sớm và độc đáo. Thoảng chút ưu tư với lịch sử loài người về sự nghịch lý tồn tại hàng nghìn năm…

 

Nghe dân “phượt” kháo nhau, Bảo tàng vũ khí cổ Vũng Tàu là bảo tàng tư nhân độc nhất vô nhị ở Việt Nam có nhiều bộ sưu tập quý. Thực tế bảo tàng này đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập là bảo tàng vũ khí cổ tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Còn xếp hạng thứ bậc thế giới thì chưa thấy tài liệu nào đề cập nhưng trước ngôi biệt thự kiểu Pháp ở số 98 đường Trần Hưng Đạo (phường 1, TP.Vũng Tàu) thấy cái biển đề khá sang trọng “Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor-Museum of World wide Arms”, nghĩa là bảo tàng vũ khí toàn cầu. Bảo tàng do ông Robert Taylor (quốc tịch Anh) thành lập vào năm 2012, ban đầu trở ngại giấy tờ nhưng rồi tháo gỡ được để chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 2016.

Cổ và quý hiếm

Đồ cổ chưa chắc quý hiếm. Thứ quý hiếm chưa hẳn là đồ cổ. Nhưng ở Bảo tàng vũ khí cổ Vũng Tàu dường như có cả hai, cổ và quý hiếm. Bộ sưu tập vũ khí cổ được trưng bày nơi đây khá phong phú, có nguồn gốc nhiều nước phương Đông và phương Tây, trải bề dày lịch sử hàng nghìn năm.

Có khoảng 3.000 hiện vật, chủ yếu là các loại vũ khí như súng, gươm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, quân trang, quân phục của quân đội các nước trên thế giới, từ thời cổ đại, trung đại tới cận hiện đại được trưng bày.

Trong đó, đặc biệt có thanh đoản kiếm của Hy Lạp, là một trong những vũ khí có tuổi đời lớn nhất với niên đại 2.000 năm. Hoặc có một khẩu súng hỏa mai do Hà Lan chế tạo năm 1851. Theo hướng dẫn viên, hiện chỉ còn hai khẩu hỏa mai như thế trên thế giới, ngoài khẩu do ông Robert Taylor sưu tầm, còn khẩu khác đang được trưng bày tại một bảo tàng ở Vương quốc Anh.

Du khách tham quan bảo tàng. Ảnh: Đ.N
Du khách tham quan bảo tàng. Ảnh: Đ.N

Cách trưng bày qua các khu trong bảo tàng với logic theo lịch đại. Mới bước vào bạn có thể thấy các vũ khí thời cổ đại, từ cung, nỏ, giáo, dao, kiếm, thương, mâu… trải từ thời đế chế La Mã và Mông Cổ (Thành Cát Tư Hãn) đến thời trung đại với vũ khí và võ phục các hiệp sĩ, là samurai (Nhật), hay kỵ binh (Trung Quốc), hoặc các đội quân trong các cuộc thập tự chinh của Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Đức…

Có những hiện vật rất quý hiếm được sưu tập như súng ống của đội quân viễn chinh thời Napoleon Bonaparte (từ năm 1600 – 1620), cho đến súng lục của Nữ hoàng Anh năm 1728.

Bắt mắt là hình ảnh các bộ quân phục, võ phục, được khoác lên các hình nộm mô phỏng dáng vóc các nhà quý tộc, kỵ sĩ, vệ sĩ từ thời xưa như áo giáp Gothic có nguồn gốc từ Đức và đế chế La Mã cuối thời kỳ trung cổ (thế kỷ 15) cho đến trang phục của quân đội Anh trong giai đoạn thế kỷ 19.

Góp mặt của Việt Nam trong bảo tàng này có các loại vũ khí thô sơ, đến súng kíp (súng săn) của các tộc người ở miền Tây Bắc; hoặc súng thần công được đúc vào triều Khải Định (1916 - 1925) với hoa văn hình rồng được chạm trổ tinh xảo.

Du lịch và suy nghiệm

Bộ sưu tập ở Bảo tàng vũ khí cổ Vũng Tàu quả thật phong phú nên khó thể tham quan và kể lai lịch từng loại hiện vật. Thú vị là ở chỗ cách trưng bày và giới thiệu hiện vật của bảo tàng, tạo ấn tượng du lịch trải nghiệm rất bài bản, công phu.

Phạm Thanh Trà, một cô gái nhỏ nhắn có quê cha ở Quảng Nam, đang làm hướng dẫn viên tại đây cho biết khách du lịch ghé thăm bảo tàng đủ mọi lứa tuổi. Lớp trẻ thì tò mò, hiếu kỳ nên quan tâm nhiều hơn về vẻ đẹp, công dụng vũ khí.

Để phục vụ lớp trẻ, nhất là nhu cầu chụp ảnh “nuôi phây (facebook)”, ngay trước cửa vào đã có bức tường, góc chill để khách chụp ghép khuôn mặt mình với các hình vệ sĩ, hiệp sĩ, quý tộc cổ đại.

Lớp trung niên, người già thì thích nghe các câu chuyện gắn với những hiện vật mang dấu ấn các triều đại, các vị vua, tướng lĩnh lừng danh, những sự kiện lịch sử từ cuộc thập chinh, hành trình chinh phạt xuyên Á - Âu của gót ngựa Mông Cổ, đế chế La Mã, hay tới thời Napoleon đại đế, hoặc các cuộc đại chiến thế giới. Vé vào cửa chừng 70 nghìn cho khách Việt, 100 nghìn cho khách quốc tế, là dễ chịu để thu nhận những trải nghiệm hiểu biết thú vị.

Dù thoáng qua ở bảo tàng này, trong tôi bỗng dưng dậy lên chút suy tư về nghịch lý trong lịch sử loài người. Câu hỏi vương vất mãi là vì sao theo bước chân con người qua các triều đại từ cổ chí kim, vũ khí mỗi ngày hiện đại hơn, độ sát thương cao hơn, rồi sẽ đưa nhân loại đến đâu? Tại sao người ta ngày càng văn minh, khoa học kỹ thuật ngày càng tân tiến, thì lại chế ra nhiều loại vũ khí để sát hại chính con người một cách nguy hiểm hơn?

Từ các cuộc viễn chinh, chinh phạt khắp Á - Âu thời trung cổ, đến các cuộc chiến tranh thế giới thời hiện đại, con người đã lần lượt tạo ra vô số loại vũ khí hủy diệt. Ngay khi tôi đang tham quan bảo tàng này thì bên trời Âu kia vẫn tiếp diễn xung đột vũ trang giữa Nga – Ucraina, hay giờ đây Trung Đông - nơi “nước Chúa” khai sinh, lại biến thành chảo lửa.

Vậy nên đi xem bảo tàng vũ khí cổ mà ước nguyện loài người “giã từ vũ khí”, để cuộc sống tươi đẹp, bình an!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thoáng bảo tàng vũ khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO