(Xuân Giáp Ngọ) - Không đợi đến khi bà lão bán chuối xanh ngồi ở đầu chợ lên tiếng, chỉ nghe mùi nén khử dầu phụng, tôi đã biết mình đang đứng ở một chợ Quảng, dù nơi này là xã Mé Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Ở đó, dấu chân người xứ Quảng in đậm theo thời gian và làm nên một làng quê với thẳm sâu nỗi nhớ cố hương…
Lúc tôi rời Phan Thiết, dòng sông Cà Ty vẫn còn ngái ngủ. Hôm nay, tôi đi về phía núi. Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Bình Thuận vào sáng sớm cũng vắng tanh xe cộ, chỉ có những quán bán mỳ Quảng vừa mở. Xe băng qua thị trấn Tân Minh, Hàm Tân vào khoảng 6 giờ sáng, mùi cá kho đặc quánh trong không khí. Người bạn đi cùng xe bảo khu vực này cũng toàn người Quảng Nam sinh sống. Vậy thì đúng rồi! Có đi xa hàng vạn cây số, cái cách ăn uống của người Quảng không dễ gì thay đổi! Buổi sáng se lạnh ngày cuối năm trên đất Bình Thuận bỗng ấm áp lạ thường.
Chợ Mé Pu giữa cao nguyên.Ảnh: MỸ DUNG |
Con đường đến Mé Pu hôm ấy trong veo và thơm nức mùi cỏ cây. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến một xã miền núi mà đường sá lại đẹp như vậy. “Tới đây, người Quảng mà không nói giọng Quảng là tau dí (rượt) chạy đó” - bà cụ bán chuối xanh đầu chợ vừa nói vừa cười khanh khách. Bà Trần Thị Phước (72 tuổi) rời Quế Sơn theo con cháu đến định cư ở Mé Pu khi bà 50 tuổi. Con cái làm ăn thành đạt, bà không phải lo, nhưng thấy cuộc sống “ở không” của mình nhàn nhạt, buồn chán. Bà bảo: “Ở nhà miết buồn quá, tau năn nỉ tụi nó để tau ra buôn bán nhẹ nhẹ cái chi ngoài chợ cho vui. Ra đây, nghe bà con mình nói chuyện cũng đỡ nhớ nhà con ơi!”.
Người Quảng sống tại đây xem chợ là nơi thiêng liêng lưu giữ những kỷ niệm về quê nhà. |
Chợ Mé Pu tọa lạc trên đất thôn 3, xã Mé Pu, huyện Đức Linh, hình thành từ những năm 1970, khi người Quảng di cư vào đây sinh sống. Lúc đầu, chỉ có điểm tụ họp với vài ba người bán với rổ rau, mớ cá, thúng khoai sắn của nhà ăn không hết, rồi dần dần trở nên xôm tụ thành chợ… Đến năm 2000, chợ Mé Pu mới được xây dựng khang trang. “Khoảng 98% số bà con buôn bán ở đây là người Quảng Nam. Những thứ được bán ở đây cũng y như mấy cái chợ ngoài quê mình. Gà con nhốt trong lồng, rồi nén, hành, tỏi, môn, khoai… Ra chợ không chỉ để buôn bán mà còn vì có một cái gì đó rất thiêng liêng. Phiên chợ tết cuối năm, bà con buôn bán ở chợ ngồi tụm lại với nhau nói chuyện quê rồi ai cũng rưng rức vì nhớ”.
Dạo chợ, một cái gì đó rất thân thương lướt qua khi tôi nhìn những cây chổi đót được bày bán ở góc chợ cùng với các loại rổ, mủng bằng tre. Cái cách bày biện của người Quảng không hình thức như người miền Nam. Có gì bày bán thứ đó nên nhìn mấy rổ khoai, rổ môn hay bó chè xanh nhỏ nhỏ tự dưng thấy thương thương. “Em là người lạ mới tới đây đúng không? Cái chợ này như một ngôi nhà, quen thân nhau cả! Có ai lạ đến là biết liền” - chị Hiền bán mắm cái, cá khô vui vẻ hỏi. Chị Hiền cho biết, mắm chị bán đều từ ngoài quê chuyển vào. “Ở dưới Phan Thiết người ta cũng có muối mắm, nhưng bà con mình vẫn thích ăn mắm từ Quảng Nam gửi vô nên một hũ mắm muốn đến được với dân mình ở đây phải vượt qua nhiều chặng đường lắm” - chị Hiền nói. Ở cuối chợ, sạp mỳ lá của chị Lê Thị Quý với xấp lá chuối non được phết lớp dầu phụng thơm lừng nén. Chị Quý tự tin cho rằng, với khoảng thời gian 10 năm bán mỳ lá ở chợ này, hầu như bà con ở xã này đều từng ăn mỳ lá của chị.
Mắm cái, cá khô được gửi từ ngoài quê vào để bán cho bà con. |
Anh Lê Vũ Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Mé Pu cho biết, cả xã hiện có 3.127 hộ đã có hơn 2.500 hộ là người gốc Quảng. Chính vì vậy, ở đây ngoài việc nói với nhau bằng giọng Quảng, cách xây nhà, ăn ở, cưới hỏi, ma chay, cúng kiếng của bà con đều y như người dân ở tại Quảng Nam, và nét đặc trưng rõ ràng nhất của người Quảng chính là chợ Mé Pu. Họ xem chợ là linh hồn, là chốn trao gửi điều thiêng liêng về quê nhà.
Những sợi mỳ Quảng thơm lừng mùi nén khử dầu phụng của chị Quý. |
Một thoáng Mé Pu, hiển hiện cả một trời thương nhớ về xứ Quảng.
MỸ DUNG