Sau thời gian ấp ủ, Ban liên lạc Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) TP.Đà Nẵng và Cơ quan đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng đã tổ chức, biên soạn cuốn sách “Một thời chúng tôi đã sống”. Sách dày 267 trang, ấn hành quý II-2022, gồm các ghi chép về những chiến công và truyền thống cách mạng của quê hương, là tư liệu quý về lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay.
Cuốn sách gồm 41 bài viết, theo thứ tự Ban liên lạc qua các thời kỳ. Đó là “Vị tướng dạn dày trận mạc” - Thượng tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Chơn, một trong những vị tướng điển hình của xứ Quảng trong kháng chiến chống Mỹ. Thượng tướng Nguyễn Chơn là một nhân cách lớn về đạo đức cách mạng, hết mực yêu thương cán bộ, chiến sĩ, trưởng thành từ người chiến sĩ cảm tử quân rồi trở thành người chỉ huy các cấp.
Hay “Vị tướng đánh giặc từ thuở lên 10” - Trung tướng Nguyễn Trung Thu - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam hết sức dung dị. Suốt đời binh nghiệp, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy hàng trăm trận đánh, nhưng chỉ tự nhận có 4 trận đánh lớn khi mới 13, 14 tuổi - tham gia du kích xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.
Đó là “Người chỉ huy giải thoát tù nhân” - Trung tá Nguyễn Văn Thành, quê Quế Xuân 1 (Quế Sơn), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Quảng Đà (V25) đã quyết định phương án táo bạo “nội công, ngoại kích”, đột nhập nhà lao Hội An, giải thoát hơn 1.000 tù nhân chính trị và được quân dân Hội An đưa ra vùng giải phóng an toàn trong đêm 14.7.1967.
Đọc sách, người hôm nay thấy được những ác liệt của chiến trường xứ Quảng thời chống Mỹ, nổi bật là phương thức đấu tranh đa dạng, cùng những tấm gương phụ nữ anh hùng kiên trung bất khuất. Tiểu đoàn 232 thanh niên xung phong Quân khu V do Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng, còn gọi “Tiểu đoàn bà Thao” với hơn 400 nữ thanh niên xung phong nơi hỏa tuyến.
“Kiện tướng hành lang, gương mẫu đảm đang, chân đồng, vai sắt” lừng lẫy một thời, bây giờ già yếu, bệnh tật, không nghề nghiệp… với nhan đề “Như nhánh lan rừng” thổn thức, xốn xang lòng người. Các chị đã cống hiến cả thanh xuân cho độc lập dân tộc, để rồi niềm riêng giữ lại với bao xúc cảm.
Bài viết “Người con gái Tam Giang” đã kể về Huỳnh Thị Kim Xuân - nguyên Đội trưởng Đội công tác kiêm Trưởng ban đấu tranh chính trị Nam Tam Kỳ. Năm 1965, giặc Mỹ cày nát Tam Giang, Chi bộ xã ra nghị quyết đảng viên không được rời địa bàn, du kích phải đánh thắng giặc Mỹ ngay tại quê mình.
Bài viết của nhà văn Hồ Duy Lệ có đoạn: “Chi bộ Tam Giang công khai hợp pháp bấy giờ đa số là nữ, trong đó có các cô gái tuổi đôi mươi như: Kim Xuân, Võ Thị Đoát, Nguyễn Thị Luật, Võ Thị Giá..., là những nòng cốt, xung kích trong các cuộc đấu tranh trực diện với lính Mỹ - ngụy”...
Những cuộc đấu tranh kiên trì, vô cùng khốc liệt ấy đã được Khu V đúc kết thành khẩu hiệu hành động: “Một tấc không đi, một ly không rời”, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, tiến công địch trên cả 3 vùng, bằng 3 mũi giáp công, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa xuân năm 1975.