Thời trước, ở làng tôi (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn), việc thủy nông rất được coi trọng và tổ chức chặt chẽ, quy củ. Cũng dễ hiểu bởi phần lớn dân nông thôn sống nhờ cây lúa.
Sông Ly Ly, nơi một thời đắp đập “dẫn thủy nhập điền”.Ảnh: LÊ TRÂM |
Theo những lão nông kể lại, cứ “đến hẹn lại lên”, hàng năm tầm cuối tháng Mười một, đầu tháng Chạp, khi mùa lũ lụt đã qua hẳn, các làng ven sông Ly Ly lại rộn ràng đắp đập ngăn sông, lấy nước tưới cho các cánh đồng nằm hai bên tả, hữu ngạn. Ở cuối dòng, trước khi nhập vào sông Bà Rén, cùng chảy ra sông Thu Bồn, trên đoạn sông này từng có hai con đập “bổi” Trà Đình (xã Quế Phú - Hương An) và An Lạc (Duy Thành) tồn tại rất nhiều năm. Đập Trà Đình lấy nước tưới cho cánh đồng Trà Đình ở phía tây, một ít ruộng thuộc làng Đồng Tràm và cánh đồng Lé nằm ở phía đông sông Ly Ly. Đập An Lạc chỉ lấy nước tưới cho cánh đồng An Lạc nằm phía dưới, cách đó khoảng năm trăm mét. Nước được ngăn từ đập Trà Đình sẽ theo Mương Bộng ở phía tây để tưới các đám ruộng thuộc làng Trà Đình. Từ Mương Bộng nước chảy vào Vũng Tố - một cái vũng khá rộng nối giữa làng và cánh đồng - để dự trữ nước, như một kiểu hồ điều hòa nước, số nước dư thừa sẽ theo hệ thống mương tiêu chảy qua đuôi cánh đồng, xuống Tàu Đuồi, xuống cống Bà Hàn, rồi ra biền Trà Đình trước khi chảy ra sông.
Nước được người dân tát từ Mương Bộng, Vũng Tố hay mương chính hoặc mương tiêu lên các đám ruộng bằng gàu chiếc, gàu đôi hoặc gàu sòng, tùy độ chênh lệch của mực nước với ruộng hoặc tùy quy mô lớn nhỏ của các đám ruộng (hồi ấy chưa có máy bơm nước). Ở bờ đông, nước theo mương chảy qua cánh đồng Rộc, đồng Lé, một số nước dự trữ ở Vũng Ấn, số con lại theo mương tiêu chảy qua lải, thoát ra sông. Từ Vũng Ấn, tôi nhớ hồi trước nhà ngoại tôi từng lấy nước lên ruộng nhờ xe trâu đạp nước. Đó là một bờ xe gồm hai bánh lớn bằng gỗ một nằm ngang để trâu kéo, một dựng đứng móc theo các ống tre để lấy nước từ Vũng Ấn lên. Trâu đi quanh bờ xe kéo theo sự vận chuyển của bánh xe nằm ngang được truyền qua các khớp răng cưa nối với bánh xe dựng đứng khiến bánh xe di chuyển, cuốn các ống tre nối nhau vục vào nước mang lên đổ vào mương dẫn ra ruộng. Có lẽ chi phí để vận hành cho xe đạp nước cao quá nên chỉ vài năm ngoại tôi đã bán đi cái bờ xe nước mang đậm dấu ấn của việc “dẫn thủy nhập điền” ấy.
Vào mùa đắp đập, làng trên xóm dưới thật rộn rã. Có lẽ việc phân công đắp đập hàng năm đã được làm rất kỹ, ổn định dựa vào số ruộng mỗi nhà đang canh tác. Cho nên cứ đến mùa đắp đập, nhà nào cũng tự lo phần mình. Mỗi nhà phải chịu bao nhiêu công, bao nhiêu bổi, tre, lạt… Họ lo đốn bổi (từ tre gai hay lá cỏ hôi, lá chuối, các loại gai chà chươm… tất tần tật mọi thứ có thể góp phần chặn dòng nước đang ào ào chảy dưới lòng sông), bó thành từng bó. Số khác chuẩn bị lạt, tre đóng cọc hoặc trục trịch (tre được chẻ ra đan thành tấm) để chặn dòng. Sáng sớm đã thấy từng tốp người từ các nơi đổ về phía đập. Kẻ vác rựa, đòn xóc, lạt tre; người gánh bổi, người thì vác trạc, tre… Người ở xa phải mang cả cơm trưa, nhất là những hôm sắp chặn dòng. Cơm được gói trong lá chuối hoặc mo cau, thức ăn thông thường đơn giản chỉ là cá mắm, dưa cà. Các mo cơm treo lủng lẳng đầu cán rựa hay đòn xóc tạo cảm giác xôn xao cho những ngày lấp đập. Vị trí lấp đập đã được định từ rất xưa. Đó là khoảng hẹp nhất của dòng sông, nơi bắt đầu của những con mương chảy vào các cánh đồng. Trên khoảng sông đã chọn sẽ đắp một con đập hầu như hoàn toàn bằng cát, bề mặt 2 - 3 mét và sẽ chặn được dòng nước cho đến mùa lũ năm sau. Con đập cũng sẽ là con đường đi lại thuận lợi của dân hai bên bờ sông suốt chín tháng ròng! Đến mùa mưa thì con đập bị xóa sổ, gần tết năm sau lại tiếp tục đắp…
Từ khi có nước công trình đại thủy nông Phú Ninh chảy về, việc đắp đập, lấy nước tưới ruộng hàng năm ở quê tôi chấm dứt.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đập được đắp bắt đầu từ hai bên bờ sông vào và được chặn dòng ngay giữa sông. Mỗi đầu bờ đập có hai nhóm hoạt động độc lập. Những chiếc cọc tre được đóng dọc theo hướng dự kiến sẽ hình thành con đập. Sau đó người ta bắt đầu cột róng và “xuống bổi” để khi đổ cát xuống, nước không cuốn cát chảy đi hết. Những người gánh cát bằng trạc tre nối đuôi nhau gánh cát từ bãi phía trên đổ vào chân các bờ cừ tre đã được lấp bổi. Những gánh cát cứ đổ xòa vào dòng nước trông chẳng khác “muối bỏ biển”, nhưng không sao, chỉ một lúc sau đã bắt đầu nên dạng một bờ đập! Hỗ trợ tối đa là các xe trâu kéo cát vào. Trâu được tròng ách ở cổ, hai bên hông là hai thang và cuối cùng nối với một chiếc trang bằng gỗ. Chính chiếc trang này sẽ kéo cát từ bãi dần vào tạo nên “bờ đập”. Đập được đắp lần tới, mỗi ngày một ít như kiểu công nghệ “đúc hẫng” dầm cầu hiện nay. Độ cao của đập được tính toán hợp lý để vừa không lãng phí công sức vừa bảo vệ được đập mỗi khi lũ “xuống” bất ngờ sau các cơn mưa dữ dội ở thượng nguồn. Tất cả hình như cũng được rút ra từ kinh nghiệm bao nhiêu đời rồi!
Bước quyết định “xuống bổi” (như kiểu chặn dòng các đập thủy điện), cả “công trường” phải làm việc khẩn trương và đồng bộ. Những người có kinh nghiệm thì đứng trực tiếp ở vị trí đặt bó bổi hay độn vào đập, thanh niên thì chuyển bổi, phụ nữ thì gánh bổi… Các lớp bổi phải được đặt thật khít nhau để khi đổ cát xuống dòng nước sẽ bị chặn lại, không làm trôi cát. Khi xuống bổi xong người ta rải lên bề mặt một lớp lá chuối khô, hoặc rơm rạ… rồi bắt đầu đổ cát. Dòng sông bị thu hẹp dần vào giữa.
Khó khăn nhất là phần lấp đập, tức là đắp khoảng sông cuối cùng còn lại dài khoảng 5-6 mét. Tất cả sức lực, các vật dụng để lấp đập được huy động tối đa. Đây cũng là thời điểm hồ hởi, đáng nhớ nhất của việc lấp đập hàng năm. Những trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm lấp đập được chọn đảm nhiệm ở vị trí xung yếu nhất. Những thân hình trần lực lưỡng ngâm mình dưới nước, những cánh tay khỏe khoắn nhanh nhẹn đưa lên đón những bó bổi thả xuống, lập tức đặt bó bổi vào đúng vị trí một cách chuẩn xác. Người gánh bổi khẩn trương đi lại như con thoi, người ta la hét thúc giục nhau, người khẩn trương xuống bổi... Tất cả thành dây chuyền nhịp nhàng. Khoảng vài ba tiếng đồng hồ dòng nước được ngăn hẳn. Mực nước phía trên bờ đập dần dần dâng cao. Để tránh vỡ đập người ta cho một số nước chảy theo con lạch chạy men phía tây của bờ sông chảy qua Đồng Dở rồi đổ vào đoạn sông Trại phía dưới. Con lạch cũng được “gia cố” kỹ lưỡng bằng các sạp tre lót dưới đáy lạch để chống xói lở… nhằm bảo vệ con đập.
Sau khi đập đắp xong, cùng với việc các nông dân trong ban “thủy nông” lo việc phân phối nước cho các cánh đồng, một ban “bảo vệ đập” cũng được cắt đặt để theo dõi, bảo vệ đập cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi có lũ bất ngờ từ thượng nguồn đổ về, người ta lại đánh kẻng, mọi nhà đều phải phân công người chuẩn bị mọi thứ (như khi đắp đập) để gia cố thêm cho đập vững chắc, có khi lại lăn xả vào để cứu đập khi đập bị vỡ. Việc cứu đập phải làm khẩn trương, chắc chắn, có thế mới đảm bảo nước tưới các cánh đồng hai bên bờ sông.
Dù chỉ tồn tại chín, mười tháng mỗi năm nhưng những con đập bổi đã góp phần rất quan trọng, quyết định việc canh tác ở các cánh đồng hai bên bờ sông, tạo nên sự “an cư lạc nghiệp” bao đời của cư dân hạ lưu sông Ly Ly. Mãi cho đến khi có nước từ công trình đại thủy nông Phú Ninh đổ về thì việc đắp đập, lấy nước tưới ruộng hàng năm mới chấm dứt. Những Mương Bộng, Vũng Tố, Vũng Ấn… giờ đã được lấp đi, cải tạo thành các cánh đồng khá rộng thuận lợi cho việc canh tác hơn… Dù vậy, người dân quê tôi vẫn luôn lưu giữ trong ký ức không khí rộn rã của những ngày ngăn sông, đắp đập năm nào.
LÊ TRÂM