Một thời sau chiến tranh, xấp xỉ gần một thế hệ, phim bãi đã chi phối hầu hết đời sống văn hóa, văn nghệ của người dân nông thôn, miền núi Quảng Nam. Bấy giờ, mỗi huyện có từ một đến hai đội chiếu bóng lưu động luân phiên về chiếu cho nhân dân các xã xem. Qua đó, nhiều câu chuyện ấn tượng mãi ám ảnh một đời người, cho dù phim tây, phim ta bây giờ tràn ngập trong các chương trình truyền hình.
Một buổi chiếu phim lưu động ở vùng cao. |
Cứ mỗi khi nghe tiếng rao quen thuộc có đoàn chiếu phim của huyện về là y như bữa cơm tối hôm đó được chuẩn bị gấp gáp hơn mọi ngày, miệng nhai mà mắt cứ ngó mặt trời. Mặc dầu trẻ con được miễn mua vé, em tôi vẫn thích đến sân bãi khi chưa có ai gác cổng và đội chiếu phim đang còn ì ạch khiêng những thước phim nhựa nặng trịch ra khỏi thùng xe. Đối với nó, giành được một chỗ ngồi ngay trước bàn của anh thuyết minh phim còn oai và thú vị hơn cả được đi ăn giỗ với ông nội. Chị tôi thì hình như nghe có chiếu phim là tất bật gội tóc sạch hơn, thơm hơn thường ngày. Thời đó không có điện thoại, chẳng biết bằng tín hiệu nào mà thấy chị vẫn quy tụ đầy đủ đám bạn gái trai đi xem phim, nói cười vui vẻ giống như đi lễ hội. Trong sân bãi không rộng, em tôi thường có chỗ ngồi ổn định nên rất dễ tìm, còn chị, đố biết đang ở khu vực nào.
Tôi không thích vào sân bãi bằng con đường mua vé qua cửa chính, mặc dầu vẫn có tiền trong túi và chú tôi thường là người tham gia gác cổng, thế nào cũng nhân lúc vắng khách thấy tôi lảng vảng sẽ gọi vào. Còn được mấy đồng lẻ mua miếng dừa hay mấy cây kẹo ú cũng thích, nhưng quan trọng là cái thú mạo hiểm của người coi phim “chui”. Đám bạn chuyên gia rúc rào của tôi trước khi thực hiện đã lập kế hoạch, có kịch bản hẳn hoi. Chúng tôi biết rất rõ hàng rào chỗ nào có thể chui qua lọt. Buổi chiều thả bò ăn quanh sân bãi, thế nào chúng tôi cũng theo dõi và ngụy trang những chỗ đó kín bít, tối đến chỉ cần gỡ nhẹ tay một chút là từng đứa, từng đứa có thể lọt qua dễ dàng. Cùng lắm là bị gai tre níu áo hay cào một đường cảnh cáo nhẹ. Khi nhân viên kiểm tra phát hiện ra dấu hiệu “chuẩn bị tấn công” này, đội chiếu phim đã rào lại rất kỹ trước khi bắt đầu bán vé. Thế là chúng tôi phải dùng đến phương án B, đào đường hầm mà chui qua dưới hàng rào. Một lần, đang chuẩn bị chui qua rào thì ánh đèn pin của người canh giữ như vô tình xẹt qua lưng, thế là nhanh như chớp bạn tôi tụt quần ngồi xuống giả đò như đang… ị. Thế là thoát.
Sân bãi xã tôi là một bãi cỏ hoang, đá bóng ở đó, thả trâu bò ăn ở đó và xem phim cũng ở đó. Chỗ nào tự nhiên thấy trống người thì đừng có cố chen vào mà đạp nhằm “bãi mìn phân bò”. Hồi chiếu phim hay “Sư trưởng Sa-pa-ép” của Liên Xô, ở trên màn ảnh đánh nhau tưng bừng thì dưới sân bãi có người ngồi đúng trên một cục phân bò làm cả góc sân cười vang. May mà qua một ngày nắng gắt phân bò đã khô queo. Thích nhất là dãy hàng quà vặt leo lét ánh đèn dầu của mấy người dưới chợ bưng lên từ hồi mới nhá nhem tối để tranh nhau chỗ ngồi vừa thuận lợi cho cả việc mua bán lẫn xem phim. Lạ, cũng mấy cây kẹo ú, miếng dừa, hạt đậu phụng mà sao ở đây nhìn hấp dẫn hơn ở nhà mình dữ quá.
Người thuyết minh phim là thần tượng của nhiều thanh thiếu niên thời bấy giờ. Anh giả giọng phụ nữ, ông già, tướng lĩnh… giống như nhiều người cùng thuyết minh theo từng vai. Vì vậy, có bận chị tôi đã được cược mấy miếng kẹo đậu phụng khi cá độ nhau: “Có hai hay một người thuyết minh phim?”. Thấy anh thuyết minh phim đi ngoài đường ai nấy cũng nhìn chăm chăm như gặp một diễn viên nổi tiếng. Ngồi xem phim, thỉnh thoảng chúng tôi lại ngoái nhìn anh như cố khám phá xem vì sao cái miệng của anh lại “dẻo” đến như vậy. Tối, nghe nói đoàn chiếu phim nghỉ lại ở nhà ai là chúng tôi rủ nhau đến chơi cho bằng được, cốt để xem anh thuyết minh phim có phải là người thật hay không. Mấy chị con gái cũng vậy, cơm cháo, nước nôi phục vụ cho anh thuyết minh phim chu đáo lắm. Có lần, thấy anh tham gia gác cổng, một chị phụ nữ xóm tôi nhét cái vé vào túi áo trước ngực. Đến khi anh hỏi vé, chị cố ý chọc chơi bằng cách ưỡn ngực ra chỉ tay vào túi: “Vé đây!”. Mọi người chỉ biết cười trừ.
Nghe kể, phim bãi mà về các vùng núi cao thì y như là quan trạng vinh quy bái tổ về làng vậy. Từ buổi chiều đồng bào các bản làng đã lũ lượt kéo nhau đến bãi chiếu phim. Tối đến, ánh đuốc của họ tạo thành từng đoàn “rắn lửa” ngoằn ngoèo trên các núi cao đổ về điểm chiếu. Có người đến nơi thì phim cũng vừa chiếu xong, cố nài nỉ xin được chiếu lại!
Có những phim hay như Rút-la Rút-mi-lan, Mùa gió chướng, Mối tình đầu… cứ chiếu đi chiếu lại mãi vẫn thấy người xem ngồi chật ních sân bãi. Có những lúc phim phải “chạy xô” nhiều điểm chiếu, người xem phải chờ đợi mà vẫn cứ vui vẻ ngồi chờ. Người già, trẻ em, trai, gái… đã một thời tưng bừng đón tiếp phim bãi như đón người thân đi xa trở về. Nhiều cặp vợ chồng đến được với nhau cũng từ những ngày “hú” nhau đi xem phim bãi.
Hiện nay phim truyền hình lấn át cả phim rạp và phim bãi. Phim rạp thì chỉ còn sống dở chết dở loe ngoe một vài điểm ở thành phố. Phim bãi thì cả tỉnh chỉ còn lại có mấy đội ở các huyện miền núi. Vậy mà đoàn chiếu phim về là người ta vẫn rủ nhau đi xem đông nghịt. “Phim nhà nước lâu lâu mới về, còn phim ti vi thì hồi nào xem chẳng được”. Với lập luận ấy, có lẽ dù hết thời vàng son nhưng chưa hẳn đã sang thời tàn của phim bãi.
TIÊU ĐÌNH